Cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với thiếu nhi Matxcơva năm 1955 - Ảnh: TASS
Vào những ngày tháng 5-2020, Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ngày hết sức quan trọng không những đối với Việt Nam mà còn đối với giới Việt Nam học tại các quốc gia hàng đầu thế giới có truyền thống nghiên cứu Việt Nam một cách khoa học trong vòng mấy chục, thậm chí mấy trăm năm. Nước Nga là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất.
Hiện nay, ngành Việt Nam học ở Nga là một trong những trường phái mạnh nhất thế giới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa thập niên 1950 khi nói chuyện với Tổng bí thư Khrustchev về việc đào tạo chuyên gia Việt Nam tại Liên Xô, đã đề nghị gửi sinh viên Nga sang Hà Nội để bắt đầu học tiếng Việt.
Ông Khrustchev nhận lời và gửi sang Việt Nam 3 sinh viên Nga đầu tiên đi thực tập tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đồng thời, Bác Hồ gửi giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sang Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad (hiện nay là St.Petersburg) để giúp xây dựng ngành Việt Nam học tại thành phố Leningrad bên dòng sông Neva. Như vậy ngành Việt Nam học tại Nga được khôi phục sau gần hai chục năm...
10năm trước, vào ngày 19-5-2010, Trường đại học Quốc gia St.Petersburg và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Viện Hồ Chí Minh đầu tiên và đến nay là duy nhất trên thế giới. Trong vòng mười năm qua, Viện Hồ Chí Minh đã tổ chức và tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo về Việt Nam và Hồ Chí Minh.
Cuối năm 2016, Trường đại học Quốc gia St.Petersburg cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện dự án dịch sang tiếng Nga tiểu sử hoàn chỉnh của Hồ Chí Minh do ông Song Thành làm nhà biên tập chính. Sách này đã được phổ biến rộng rãi tại Nga, được dư luận tại Nga đón nhận và rất hoan nghênh. Nhờ quyển sách này mà số lượng lớn các độc giả biết tiếng Nga ở các nước khác nhau có thể tiếp cận với cuộc đời hoạt động và di sản của vị lãnh tụ vĩ đại.
Trường chúng tôi là trường đầu tiên ở Nga soạn thảo giáo trình giảng dạy môn "Hồ Chí Minh học" và "Tư tưởng Hồ Chí Minh", vốn có vai trò hàng đầu trong Hiến pháp của Việt Nam. Điều này rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Như Hồ Chí Minh đã nói: "Biết mình, biết người".
Một trong những đề tài hấp dẫn nhất là việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam cận đại. Trong đó tác giả Nga nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chống lại chiến lược đánh nhanh của Pháp trong cuộc chiến kháng chiến chống Pháp; tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng; học thuyết kế sách của Tôn Tử như một trong những thành phần của tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh trong lý thuyết và thực tiễn của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh địa chính trị hiện tại ở Biển Đông nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Một dự án khác của Viện Hồ Chí Minh tại Trường đại học Quốc gia St.Petersburg là chuỗi hội thảo về di sản tinh thần Hồ Chí Minh được bắt đầu từ năm 2015 với sự hỗ trợ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Triển lãm Những bảo vật sông Hồng ở Bảo tàng Hermitage, St. Petersburg, Nga - Ảnh: Bảo tàng Hermitage
Tất nhiên, Viện Hồ Chí Minh không chỉ tiến hành các dự án khoa học tiêu biểu, mà còn tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa Nga - Việt. Một trong những hoạt động đó là cuộc triển lãm độc đáo về các nền văn hóa cổ Việt Nam (đây cũng là lần đầu tiên diễn ra loại sự kiện này trong mối quan hệ Nga - Việt) được khai mạc vào tháng 5-2019 tại Viện bảo tàng Quốc gia Hermitage 9keos dài tới tháng 9-2019).
Đây chính là sáng kiến của Viện Hồ Chí Minh từ ba năm trước. Hồi đó, trong ngày lễ kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi và phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Tất Giáp đã đến gặp trưởng khoa Phương Đông là viện sĩ M.B. Piotrovsky, đồng thời là tổng giám đốc Hermitage.
Trong cuộc trò chuyện thân mật, chúng tôi thống nhất về việc cần tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên trong lịch sử về các nền văn hóa cổ của Việt Nam. Các viện bảo tàng của Việt Nam đã mang tới St.Petersburg 299 hiện vật văn hóa quý hiếm của Việt Nam như trống đồng, các đồ trang sức và công cụ lao động độc đáo của người Việt cổ. Triển lãm đã được xếp vào trong "10 sự kiện nổi bật trong quan hệ Việt - Nga năm 2019".
Theo số liệu thống kê ban đầu của Hermitage, trong thời gian đó đã có gần 1 triệu khách đến tham quan triển lãm (chiếm 1/4 du khách của Bảo tàng Hermitage). Mọi người đều biết về nền văn hóa cổ phong phú của Việt Nam và tình hữu nghị bền chặt của hai nước chúng ta. Cán bộ của Trường đại học Quốc gia St.Petersburg và Bảo tàng Hermitage đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để thực hiện thành công dự án chung theo đúng thời gian đã hẹn là 3 năm.
Đấy là một sự kiện chứng thực cho việc các đối tác Nga và Việt Nam đã hướng theo nguyên tắc của Hồ Chí Minh, Người từng nói: "Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được". Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến thăm triển lãm và viết những lời cảm ơn vào sổ lưu bút.
Cuộc triển lãm này góp phần gia tăng sự quan tâm đến văn hóa cổ của Việt Nam trong nước Nga, và nó được bắt đầu trên bờ sông Neva tại thành phố St.Petersburg - nơi mà nhà cách mạng trẻ dưới bí danh Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến lần đầu tiên tại Liên Xô mùa hè năm 1923. Chắc chắn là một trong những ước mơ của Bác Hồ là khôi phục chủ quyền của Việt Nam và giới thiệu với thế giới những báu vật di sản văn hóa của nước mình. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực.
Ngày 21-5-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm cuộc triển lãm và viết những lời cảm ơn vào sổ lưu bút
Hiểu rõ tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong nền kinh tế thế giới, những thành tựu trong mối quan hệ chính trị và kinh tế Nga và Việt Nam, cũng như truyền thống nhiều năm đào tạo các chuyên gia cho nền kinh tế Việt Nam của Trường đại học Quốc gia St.Petersburg, hiện nay trong nhiều chương trình đang được giảng dạy, chúng tôi thường gọi đó là "thành tố Việt Nam". Nghĩa là nghiên cứu sâu rộng Việt Nam trong khuôn khổ các chương trình hiện có của Trường đại học Quốc gia St.Petersburg về triết học, kinh tế, du lịch, văn hóa học, lịch sử và nhiều lĩnh vực khác, cũng như mời đại diện Việt Nam tham gia hội đồng giáo trình.
Tôi có thể đưa ra một số ví dụ của các môn chuyên biệt: hệ thống chính trị - xã hội và kinh tế Việt Nam, văn hóa và dân tộc học Việt Nam, tiếng Việt báo chí và các môn khác. Hiện nay "thành tố Việt Nam" có trong 21 môn đào tạo.
Vào những ngày này, đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ lại những viên gạch nền móng mà Bác Hồ đã đặt cho mối quan hệ hai nước, cho không gian hợp tác giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Chúng ta đánh giá thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 và có thể tự tin nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện lời di huấn của vị lãnh tụ nhân dân: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận