15/06/2019 06:21 GMT+7

Di sản Sài Gòn không chỉ là di sản mà còn làm ra tiền

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM đang phát triển mạnh; giải quyết vấn đề bảo tồn phải đứng trên góc độ mang lại lợi ích nhất cho TP.HCM. Ông Trần Hữu Phúc Tiến - tác giả "Sài Gòn không phải ngày hôm qua": Hãy xem di sản là nguồn làm ra tiền.

Di sản Sài Gòn không chỉ là di sản mà còn làm ra tiền - Ảnh 1.

Nhiều công trình đã đi vào lòng người dân TP như chợ Bến Thành chưa được xếp hạng di tích - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu đô thị mới, giảm áp lực cho khu trung tâm hiện hữu của TP.HCM cũng là cách để bảo tồn di sản hiệu quả.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Tại hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 14-6, các chuyên gia đã đề xuất nhiều phương án bảo tồn các loại hình di sản và chỉ rõ di sản là yếu tố thu hút du khách, đem lại nguồn thu cao cho TP.

Hội thảo do Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM chủ trì. Tại hội thảo, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến chính sách và giải pháp bảo tồn di sản trong thời gian tới.

Theo ông, công tác bảo tồn khả thi nhất là đối với các công thự và các khu phố - trong đó cần có những quy định về kiến trúc, quy hoạch để bảo vệ các khu phố, tuyến phố.

Ông đề nghị TP tăng cường phát triển phía đông, hạn chế phát triển khu đô thị cũ để giảm đập phá các công trình cũ trong khu trung tâm hiện hữu.

Các dự án cần có báo cáo tác động văn hóa

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM đang phát triển mạnh nên vấn đề bảo tồn nhức nhối hơn bao giờ hết. Việc giải quyết vấn đề bảo tồn phải đứng trên góc độ mang lại lợi ích nhất cho TP.HCM.

Ông Sơn đưa ra một số biện pháp mang tính chiến lược để việc bảo tồn di sản được thực hiện tốt hơn. Cụ thể là TP.HCM cần quy hoạch lại bờ đông và bờ tây sông Sài Gòn theo hướng bảo tồn di sản ở bờ tây và phát triển bờ đông.

Ở bờ tây sông Sài Gòn, ông đề xuất các mô hình cần được áp dụng để tránh cảnh di sản bị mất đi từng ngày.

Ngoài các công trình phải bảo tồn nguyên trạng (mà TP có rất ít) thì cho phép chủ sở hữu nâng cấp bổ sung phần công trình mới có kết nối hài hòa với phần công trình cũ, phục hồi di sản: trả lại hình ảnh cũ nhưng ruột của công trình hiện đại hoặc tạo lại hình ảnh xưa cũ của công trình...

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển - cho rằng hiện nay Nhà nước có rất nhiều quy định để bảo tồn di sản văn hóa nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều công trình bị "lọt" khỏi những quy định, bị phá hủy, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu di sản của TP.HCM.

"TP.HCM có 172 công trình được xếp hạng di tích nhưng các công trình đã đi vào lòng người dân TP như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP thì chưa được xếp hạng" - bà Trân lo lắng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng danh sách 172 di tích đã được xếp hạng của TP.HCM còn thiếu rất nhiều công trình quan trọng và cần gấp rút bổ sung danh sách di sản này. Và nhất là Luật di sản hiện nay còn nhiều hạn chế, nếu chờ sửa luật thì chậm, di sản sẽ bị phá hết.

TP.HCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù để ban hành các quy định cho phép cải tạo, mở rộng, chỉnh trang để bảo tồn các công trình giá trị. Cần có cơ chế pháp lý để hướng dẫn, có quy hoạch để các chủ sở hữu công trình dựa vào đó mà thực hiện, đưa các công trình này vào cuộc sống.

Dành một ngày mở cửa di sản

TS Quỳnh Trân đề nghị các dự án khi xây dựng mới bắt buộc phải có báo cáo tác động văn hóa như báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay. Báo cáo này có tham khảo ý kiến của người dân và chính quyền.

Đây là cách ngăn chặn phần nào việc xâm phạm tới các di tích, các thiết chế văn hóa vật thể và phi vật thể của những dự án mới.

Ông Trần Hữu Phúc Tiến - tác giả sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua - gửi gắm đến các đại biểu HĐND TP với tư cách là một cử tri rằng ông thấy đau lòng khi những di sản của TP.HCM bị biến dạng, biến mất ngày càng nhiều.

Theo ông Tiến, TP nên chọn một ngày trong năm mở cửa các di sản để người dân hiểu biết về di sản trong TP, và xin các đại biểu dành một buổi nghe người dân trình bày nguyện vọng của họ về di sản trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề di sản.

"Hãy xem di sản là nguồn làm ra tiền và hãy đối xử với nó như một ngành kinh tế" - ông Tiến nói. Đồng ý với ông Tiến, nhiều chuyên gia cho rằng làm kinh tế từ di sản không còn là chuyện mới và thực tế trên thế giới đã chứng minh điều đó.

Xã hội hóa công tác bảo tồn

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP, ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị.

TP.HCM phải làm ngay công tác khảo sát, đánh giá, lập danh mục các công trình có giá trị di sản và di tích, sớm ban hành danh mục này.

Bên cạnh đó, các sở ngành phải bố trí nguồn kinh phí cần thiết để trùng tu, tôn tạo di tích và các thiết chế văn hóa.

Di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất Di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất

TTO - Phải xác định những công trình, không gian nào là di sản của Sài Gòn xưa cần giữ lại trước khi nó biến mất trong dòng xoáy phát triển hiện đại của TP.HCM.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên