Chiều 22-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Quốc hội nói về quy định nồng độ cồn, sau khi dự đám cưới ở quê
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 11-2023), ông đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe mà nên quy định cùng xu hướng với các nước trên thế giới.
Mặt khác, lúc đó ông Huân cho rằng việc cảnh sát giao thông theo dõi vượt mức 0 hay vượt 0,025mg/lít khí thở (mức tương đương uống một chai bia 330ml) cũng không khác gì nhau. Hoặc thậm chí có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ để kiểm tra sự tỉnh táo đối với người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.
Tuy nhiên, mới đây khi dự một đám cưới ở quê nhà, đại biểu thấy việc cấm tuyệt đối bằng 0 "có khi lại đúng". Lý do theo ông Huân, một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là coi trọng pháp luật.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cho biết trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, có cử tri nêu ý kiến kiến nghị tiếp tục giữ mức quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như thế quá chặt.
Theo ông Huân, cả hai ý kiến đều cảm tính, chưa đủ cơ sở để khẳng định một cách khoa học phương án nào đúng. Vì thế ông không còn bảo vệ quan điểm cấm bằng 0 hay nên có ngưỡng.
Đại biểu chỉ đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội có thể quyết định, sao cho luật thông qua sẽ thấu tình, đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân và để luật "có tuổi thọ cao".
Trong khi đó đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đồng thuận với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tuy nhiên theo đại biểu, để có thể khắc phục các tình huống vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần bổ sung thêm là giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, kèm đó là có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn.
Và trong nhận định kết quả cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu (cồn nội sinh).
Giải thích lý do đề xuất, bà Thu cho biết hiện nay nồng độ cồn trong máu người bình thường không uống rượu đo được trên các máy xét nghiệm hóa sinh là 10-20 mg/dl (tức khoảng 0,01-0,02%). Đây chính là hạn chế của xét nghiệm ở hầu hết các máy xét nghiệm sinh hóa thông thường.
Bên cạnh đó, thực tế các trường hợp bệnh nhân tử vong, hay những trường hợp tai nạn đa chấn thương nặng khi bị sốc dẫn đến toan chuyển hóa có khả năng gây sai lệch kết quả cao nếu xét nghiệm bằng phương pháp hóa sinh miễn dịch.
Bà đề nghị quy định sử dụng phương pháp xét nghiệm sắc ký để làm kết quả đánh giá trong tình huống này.
Cấm lái xe khi có nồng độ cồn
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo ông Tới, sau kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2023), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ.
Ông Tới cho biết đa số đại biểu Quốc hội nhất trí quy định của dự thảo luật về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại dự thảo luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận