25/01/2014 06:05 GMT+7

Đi bộ vẫn có thể làm chết người

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Đây là lần đầu tiên TP Cần Thơ đưa ra xét xử vụ án người đi bộ không đi đúng phần đường quy định gây hậu quả nghiêm trọng làm chết một người...

Ngày 6-1-2014, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo N.T.K.T. về tội danh “cản trở giao thông đường bộ”.

Khuôn mặt đen sạm dãi dầu mưa nắng, thấp bé, gầy nhom, đứng co lại khiến vành móng ngựa như rộng thênh ôm bọc lấy bị cáo. Theo hồ sơ vụ án, N.T.K.T., 32 tuổi, cùng chồng mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu ven đường 3-2, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Vào 21g30 ngày 12-7-2013,

T. đi thu gom các tô hủ tiếu đã bán cho khách ở bên kia đường. Phần đường dành cho người đi bộ cách chỗ T. bán khoảng 100m nhưng do muốn đi mau nên bị cáo đã đi tắt bằng cách vượt qua dải phân cách để băng qua bên kia đường. Lúc đó anh N.Q.V. chạy xe trờ tới. Do có rượu lại chạy quá tốc độ nên anh V. đã không tránh được, phần tay lái và gác chân bên trái của xe va chạm vào người T. khiến T. té ngã. Riêng anh V. cùng xe lao tới thêm một đoạn rồi té ập xuống đường. Cả hai được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng do chấn thương sọ não nặng, anh V. tử vong, còn T. bị thương ở chân phải may sáu mũi...

Kiểm sát viên thẩm vấn rằng chỗ bị cáo đang bán thuộc quốc lộ 1, mật độ xe cộ lưu thông rất cao. Cơ quan chức năng đã phân ra thành đường hai chiều, có dải phân cách bằng sắt, có vạch sơn màu trắng riêng biệt dành cho người đi bộ. Cớ sao bị cáo không tuân thủ, chấp hành theo luật giao thông đi đúng phần đường dành cho người đi bộ mà đi tắt qua dải phân cách để rồi bị xe đụng mà còn phải ra đứng trước vành móng ngựa? Bị cáo bào chữa rằng không biết việc làm của mình là sai phạm. Do nhà nghèo, ở dưới quê không có việc làm nên vợ chồng bị cáo phải lên Cần Thơ mướn nhà trọ, sống nhờ vào xe hủ tiếu dạo. Bị cáo thấy đi như vậy mau hơn. Vả lại thấy rất nhiều người đi băng qua dải phân cách mà không bị phạt hoặc gây ra tai nạn gì nên bị cáo cũng yên tâm đi theo. Đi riết rồi quen, bị cáo không hề biết rằng việc đi đứng của mình như vậy là phạm luật. Thậm chí đến khi tai nạn xảy ra, bị cáo nghĩ chính mình là người bị đụng nên mình không có sai quấy, đến chừng đang nằm ở nhà điều trị vết thương thì bị công an triệu tập làm việc. Lúc đó bị cáo mới biết mình vi phạm luật giao thông...

Chủ tọa thở dài: “May mà phía gia đình bị hại biết rõ hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn nên không đòi bồi thường đồng nào. Chứ số tiền phía bên bị hại xuất ra để lo viện phí và mai táng cho anh V. trên 41 triệu đồng. Đó là chưa kể nếu phía bị hại đòi bồi thường tiền tổn thất tinh thần, cấp dưỡng cho con bị hại... tổng cộng cũng trên cả 100 triệu đồng, tiền đó làm sao bị cáo có mà đền bù nổi cho người ta? Bị cáo có thấy hành vi chỉ vì muốn đi tắt cho nhanh của mình mà đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha không?”. Nghe vậy, bị cáo bật khóc quay xuống cúi đầu xin lỗi mẹ và vợ bị hại cũng đang khóc ngất ở hàng ghế dự khán.

Hội đồng xét xử nhận định do bị cáo có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, và do bị hại cũng có một phần lỗi khi điều khiển môtô lại sử dụng rượu bia nên sau khi cân nhắc, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cộng với thời gian thử thách là 12 tháng về tội “cản trở giao thông đường bộ”.

Người phụ nữ ra về với bước chân nặng trĩu. Chị tâm sự với tôi mức án tòa tuyên rất nhẹ nhưng mức án lương tâm dằn vặt chị cả đời. Giờ mỗi khi đẩy xe đi bán, thấy ai vượt qua dải phân cách, chị lại sợ những người đó sẽ gây án giống mình. Chị muốn chạy đến nói với họ: Đừng nên đi tắt để rồi gây ra án mạng... Nhưng chị nhấc chân lên không nổi bởi cứ ám ảnh về một cái chết do vô tình mà mình đã gây ra...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên