07/10/2020 10:03 GMT+7

Đi bộ kết hợp xe đạp, xe buýt: Tại sao không?

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - "Siêu" phố đi bộ ở TP.HCM dự kiến sau khi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới đi bộ rộng lớn ở khu vực trung tâm hiện hữu có diện tích 930ha. Và bạn sẽ đi xe buýt kết hợp xe đạp, đi bộ đến khu vực trung tâm thành phố?

Đi bộ kết hợp xe đạp, xe buýt: Tại sao không? - Ảnh 1.

Đường Đồng Khởi (Q.1) sẽ trở thành “siêu” phố đi bộ tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất cho thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn thành phố. Có 43 vị trí làm chỗ để xe đạp công cộng trên các trục đường lớn ở Q.1 và nơi dự kiến làm làn ưu tiên cho xe buýt trên trục đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ (Q.3). 

Đây là dự án xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực nhà đầu tư bên ngoài giúp đa dạng phương thức giao thông đô thị khu vực nội thành, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt, góp phần giảm ô nhiễm, ùn tắc.

Tôi thường đi bộ với quãng đường từ vài trăm mét đến 1-2km tới trạm xe buýt và thấy tiện lợi như là cơ hội để mình tập thể dục, có điều kiện quan sát cuộc sống xung quanh, không phải gửi xe. Tuy nhiên, khi đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố còn lắm trở ngại, vỉa hè bị chiếm dụng, thiếu không gian đi bộ. Xe đạp đi chung đường với xe máy và ôtô sẽ mất an toàn.

Thành phố từng xây dựng đề án phát triển xe đạp công cộng nhưng dường như ít người hưởng ứng, còn có ý kiến cho rằng khó khả thi. 

Điển hình trước đây, Sở Giao thông vận tải cũng đã bố trí sẵn xe đạp dành cho cán bộ, công chức, người lao động sử dụng khi có nhu cầu nhưng chưa được hưởng ứng. 

TP.HCM có thể giảm xe cá nhân ở khu vực trung tâm được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc khuyến khích người dân đi bộ, xe đạp kết hợp với phương tiện công cộng.

"Siêu" phố đi bộ được hình thành sẽ không chỉ thuận lợi lớn cho kết hợp xe đạp công cộng, xe buýt trung chuyển cho các tuyến metro mà còn giúp phát triển kinh tế, du lịch, ẩm thực, lịch sử, văn hóa... 

Nếu phát triển xe đạp công cộng thành công sẽ hạn chế được lượng lớn xe cá nhân, đường phố thông thoáng và có thể dành một phần riêng cho xe đạp để khuyến khích người dân đạp xe.

Có thể cải tạo nâng cấp vỉa hè đủ rộng, kiên quyết xử lý nạn lấn chiếm để có không gian thoáng đãng, trồng thêm nhiều cây xanh tạo bóng mát, xây nhà vệ sinh công cộng, bố trí xe chuyên dụng tẩy rửa và hút bụi để luôn sạch sẽ. Trên các tuyến đường trục có thể ưu tiên xe buýt.

Được vậy, vừa mở rộng không gian đi bộ, làm đẹp đường phố, vừa thuận tiện và an toàn cho người đi bộ hoặc xe đạp đi học, đi làm, đi chơi... Từ đó dần tiến tới cấm xe máy ở khu trung tâm. Tôi nghĩ "siêu" phố đi bộ sẽ không gây kẹt xe mà còn góp phần ổn định giao thông trong khu vực trung tâm thành phố, giảm thiểu tai nạn giao thông, khuyến khích người dân đi bộ, hạn chế đậu xe trái quy định gây ùn tắc.

Lo là ở khâu tổ chức quản lý làm sao cho tốt. Bên cạnh tăng cường lực lượng chức năng giám sát, có thể lắp đặt camera theo dõi qua hình ảnh từ xa những dấu hiệu vi phạm để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Nhiều đô thị trên thế giới nhờ khuyến khích người dân đi bộ và xe đạp công cộng đã góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe. Đó là một hệ thống xe đạp công cộng an toàn, văn minh, hiện đại.

Các thành phố lớn gần nước ta dù phát triển mạnh giao thông công cộng cũng tổ chức mô hình xe đạp công cộng cho thấy hiệu quả như Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), xa hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bangkok (Thái Lan) cũng đã tổ chức mô hình xe đạp công cộng kết hợp với đi bộ trong khoảng cách gần để thay thế xe máy được người dân ủng hộ, hưởng ứng tham gia.

Chính quyền lập các trạm xe đạp dành cho người không đi xe cá nhân, phân làn riêng và đến nay có gần 365km đường dành cho xe đạp được liên kết với hệ thống giao thông công cộng.

Hành khách có nhu cầu sẽ chọn dịch vụ xe đạp tới nơi cần đến, xong việc có thể trả xe đạp ở bất kỳ trạm nào, không cần đến nhân viên phục vụ nhờ hệ thống tự động. Người dân sử dụng xe đạp công cộng chỉ mua thẻ, đăng ký thông tin cá nhân để dễ kiểm soát.

Nhờ vậy đô thị giảm kẹt xe, giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm, thu hút du khách đi xe đạp tham quan mọi ngóc ngách của xứ sở chùa vàng.

Nhiều băn khoăn với Nhiều băn khoăn với 'siêu' phố đi bộ

TTO - Thêm nhiều khu vực đi bộ, tăng không gian xanh, thúc đẩy giao thông công cộng là điều ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, tổ chức giao thông bên trong và xung quanh khu vực đi bộ như thế nào thực sự là bài toán không hề đơn giản.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên