15/10/2007 08:44 GMT+7

Đi bán "Giấc mơ triệu phú" (kỳ 1): Những bước chân nhẫn nại

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Nhiều người gọi bán vé số là nghề bán giấc mơ triệu phú, bán hi vọng cho bao người muốn đổi đời. Bất kể nắng mưa, ngày cũng như đêm, họ đi khắp mọi ngả đường, mời chào từng tấm vé số.

XmBVpFuW.jpgPhóng to
TT - Nhiều người gọi bán vé số là nghề bán giấc mơ triệu phú, bán hi vọng cho bao người muốn đổi đời. Bất kể nắng mưa, ngày cũng như đêm, họ đi khắp mọi ngả đường, mời chào từng tấm vé số.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đó là một nghề của hàng vạn người nghèo. Sau mỗi tấm vé số bán được là những mảnh đời, những câu chuyện đầy mồ hôi, nước mắt nhưng chan chứa tình người.

"Thứ nhất phải biết nhẫn nại, chịu nhục khi bị người ta mắng chửi, xua đuổi; thứ hai phải dẻo dai để đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày" - ông Nguyễn Văn Hạnh, ở gần chợ Gò Vấp (TP.HCM), người đã có thâm niên hơn 20 năm lăn lộn với nghề bán vé số dạo, đã dặn dò tôi như vậy khi nghe tôi muốn theo nghề.

Bài học đầu tiên

Tv7OT0Hp.jpgPhóng to
Phóng viên Tuổi Trẻ bán vé số tại một quán nhậu ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: P.L.

Cứ tưởng cái việc cầm một xấp vé số đi vòng vòng khắp các con đường, quán xá để bán là đơn giản vì tôi thấy ai cũng có thể làm được công việc này. Từ người già đến trẻ em, người lành lặn lẫn người khuyết tật.

Nhưng khi cầm một xấp vé số trên tay và bắt đầu vào cuộc, rảo bước khắp nơi, mở lời mời mọi người mua vé số, mới thấy khó khăn ập đến.

Ông Hạnh dẫn tôi đến đại lý vé số ĐH nằm trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, nơi ông đang nhận vé số hằng ngày để bảo lãnh cho tôi có vé số đi bán mà không cần phải đặt cọc tiền "gối đầu".

Nhìn qua tôi một lượt, chủ đại lý vé số gật gù: "Được rồi, mới vào nghề thì mấy ngày đầu nhận khoảng 100 vé đi bán thử xem sao". Bán một tấm vé số, tôi sẽ được lãi khoảng 300 đồng, tiền hoa hồng còn phụ thuộc tùy thời điểm.

Đi bộ dọc theo con đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị... rồi về Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định..., tấp vào hàng chục quán nhậu, làng nướng rồi hàng loạt quán cà phê ven đường, gần nửa ngày tôi mới chỉ bán được có bốn tờ vé số mà chân đã mỏi nhừ.

"Nghề dạy nghề, rồi sẽ quen dần thôi. Làm việc này phải nhẫn nại, phải chấp nhận mặt dày một chút, chứ cứ ngại là không bán được gì đâu" - ông Hạnh nói.

Ông nói rằng bán vé số coi đơn giản vậy cũng phải biết những mánh lới của nghề, nhìn vẻ mặt của khách để đoán khách có mua hay không. Nếu khách có vẻ chần chừ, suy nghĩ thì tung ngay chiêu "hôm qua con mới bán cặp độc đắc đó chú”.

Khách đi với bạn gái thì nên mời người yêu dễ thuyết phục hơn. Khách các quán cà phê thì nên mời ông nào nhìn mặt ra dáng cán bộ, công chức, vì "lương của họ ba cọc, ba đồng nên ai cũng hi vọng may mắn trúng được vé số để đổi đời và họ cư xử với mình cũng lịch sự, đàng hoàng hơn".

Buổi tối, tôi ghé vào các quán nhậu trên đường Cây Trâm, quận Gò Vấp. Bước lại một bàn nhậu ở quán lẩu bò, tôi nài nỉ: "Mấy anh mua giùm em mấy tờ vé số, biết đâu ngày mai trúng trở thành triệu phú” - tôi cười giả lả, nài nỉ. "Trúng, trúng cái con mẹ gì. Cút!", một người đàn ông trong bàn sấn sổ như chuẩn bị hành hung tôi. "Dạ”, tôi lí nhí, lật đật bước lẹ qua bàn khác.

Bên bàn đối diện, một "đồng nghiệp" nữ của tôi đang bị một bàn khách ép uống cạn một ly bia để mua một tấm vé số. Cô gái mặt đỏ bừng, một tay cầm xấp vé số, một tay cầm ly bia, nhắm mắt cố uống trọn ly trong sự cười cợt của khách nhậu.

"Ê, vé số... Lại đây...", một ông khách từ bàn nhậu gần đó gọi với qua. Tôi vội vàng bước qua, lòng đầy hi vọng. "Đưa sổ dò đây coi", một người trong bàn nói. Cầm sổ dò, cả bàn nhậu bảy người chuyền tay nhau dò một xấp vé số cũ hơn 15 phút rồi trả lại sổ cho tôi và nói: "Thôi đi đi, không mua".

Cạnh tranh nhau làm gì!

PjfDDGPU.jpgPhóng to
Mỗi ngày anh Đớn phải lăn xe hàng chục kilômet để bán vé số. Ảnh: PHI LONG

Hơn một tuần lội bộ rảo đi, rảo lại khu Gò Vấp, Bình Thạnh, tôi đụng độ với khá nhiều "đồng nghiệp" hoạt động cùng địa bàn với mình. Chỉ một đoạn đường ngắn từ chợ Gò Vấp đến đường Quang Trung mà có hơn 30 người cùng hành nghề bán vé số dạo. Từ những bà cụ, ông cụ tóc đã bạc phơ đến những cô gái trẻ, những phụ nữ bồng bế con thơ trên tay.

Những em bé mới bảy, tám tuổi đầu đến những người tàn tật cụt cả tay, chân, khiếm thị... "Chẳng cạnh tranh nhau làm gì, phải nhẫn nại thôi. Cùng nghèo như nhau, giúp nhau không hết thì thôi, không bao giờ có chuyện "ma cũ ăn hiếp ma mới" đâu. Nghề này còn hơn nhau ở cái duyên ăn nói, cái sự may mắn có đến với mình hay không nữa. Có khi người khác mời không được nhưng mình mời lại mua", anh Lê Văn Đớn, liệt hai chân, ngồi xe lăn bán vé số, bảo vậy khi xế chiều ngồi bên vệ đường ăn cùng tôi ổ bánh mì lót dạ.

Quê anh Đớn ở Phước Long, Bình Phước. Bị liệt hai chân do một cơn bệnh nặng khi mới 3 tuổi. Ba đi rừng bị tai nạn chết khi anh mới 5 tuổi, mẹ lấy chồng khác, cha ghẻ không ưa đứa bé tàn tật nên gửi anh vào chùa gần nhà nhờ nuôi giúp. 13 tuổi, Đớn đã tự vào đời, theo xe đò vô Sài Gòn tự mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Hơn 15 năm đi bán khắp mọi con đường, ngõ hẻm ở Sài Gòn, ngày cũng như đêm Đớn chỉ sống lang thang ngoài đường, mệt thì tấp vào một gốc cây bên đường nào đó để nghỉ. Đớn nói mỗi ngày anh đi cũng phải năm, sáu chục cây số là chuyện thường. Dày dạn trong nghề như vậy, nhưng có lần anh Đớn vẫn bị mất hơn 2 triệu đồng số tiền cắc củm dành dụm cả mấy tháng trời vì đổi nhầm mười tờ vé giả trúng giải sáu.

Gần nửa đêm, trời đổ mưa tầm tã. Tôi chợt nhìn thấy bên một mái hiên sát đường Lê Quang Định, một bà cụ ngồi bệt xuống đất, run run khóc nức nở: "Tụi nó giựt cả xấp vé số của bà rồi con ơi".

Lúc nãy, vừa ra khỏi các dãy quán nhậu, đang đi trên đường bà bị hai thanh niên chạy xe gắn máy rà theo giật mất xấp vé số còn gần 200 tờ trên tay bà rồi rồ ga chạy mất. Bà tên Huệ, quê ở Sóc Trăng, ở trọ tại khu Xóm Mới, Gò Vấp.

Không có con cái, người thân nên năm nay đã 73 tuổi mà vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Mất xấp vé số này, bà nói không biết đào đâu ra số tiền gần 1 triệu đồng để bồi thường cho đại lý. "Khốn nạn quá, tui nghèo khổ như vậy mà tụi nó cũng cướp". Gió lạnh thổi về từng cơn trong đêm.

----------------------------------------

Vợ dắt chồng, con dắt cha, cháu dắt ông... Người sáng, người lành dắt người khiếm thị, bị tàn tật tay chân đi bán. "Hãy mua đi, mua hi vọng cuộc đời. Đường may, rủi biết đâu mà lường trước".

Kỳ 2:Vé số là cuộc đời

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên