14/12/2018 19:39 GMT+7

ĐH Luật TP.HCM thay đổi cách thức đăng ký xét tuyển

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Năm 2019, Trường ĐH Luật TP.HCM tiếp tục xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực và thay đổi cách thức đăng ký xét tuyển.

ĐH Luật TP.HCM thay đổi cách thức đăng ký xét tuyển - Ảnh 1.

ThS Lê Văn Hiển tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo thông tin tuyển sinh năm 2019 Trường ĐH Luật TP.HCM vừa công bố tối nay 14-12, nhà trường sẽ tuyển năm ngành, dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn không thay đổi là 1.900 sinh viên.

Stt

Ngành

ngành

Các tổ hợp môn xét tuyển

Chỉ tiêu

(dự kiến)

1.

Ngôn ngữ Anh (Chuyên ngành Anh văn pháp lý)

7220201

D1, D14 D66 D84

100

2.

Quản trị kinh doanh

7340101

A, A1, D1,3,6, D84,87,88

100

3.

Quản trị - Luật

7340102

A, A1, D1,3,6, D84,87,88

300

4.

Luật

7380101

A, A1, C, D1,3,6

1.300

5.

Luật Thương mại quốc tế

7380109

A1, D1,3,6, D66,69,70, D84,87,88

100

Tổ hợp các môn xét tuyển, gồm: khối A (Toán, Lý, Hóa); khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh); khối C (Văn, Sử, Địa); khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ - D1: tiếng Anh, D3: tiếng Pháp, D6: tiếng Nhật): D14 (Văn, Sử, tiếng Anh); D66,69,70 (Văn, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ - D66: tiếng Anh, D69: tiếng Nhật; D70: tiếng Pháp); D84,87,88 (Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ - D84: tiếng Anh, D87: tiếng Pháp; D88: tiếng Nhật).

Tuyển 2 bước với 3 tiêu chí

Phương thức tuyển sinh được trường thực hiện qua hai bước (bước 1: xét tuyển, bước 2: kiểm tra năng lực) với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).

Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển theo từng ngành và từng tổ hợp.

Quy trình tuyển sinh, gồm 2 bước:

Bước 1: xét tuyển sơ bộ, căn cứ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển, gọi tắt điểm học bạ (tiêu chí 1: dự kiến chiếm tỉ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (tiêu chí 2: dự kiến chiếm tỉ trọng 60% điểm trúng tuyển) từ cao xuống thấp để xác định những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ.

Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển.

Bước 2: xét trúng tuyển, chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (tiêu chí 3). Bài kiểm tra này dự kiến chiếm tỉ trọng 30% điểm trúng tuyển vào trường.

Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn xét tuyển. Thí sinh có đầy đủ các điều kiện sau thuộc diện trúng tuyển: có đủ điểm của 3 tiêu chí xét tuyển nêu trên; có kết quả điểm của 3 tiêu chí này nằm trong chỉ tiêu được phép tuyển; có điểm của từng môn của 3 tiêu chí không bị điểm liệt theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Điểm trúng tuyển được xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, căn cứ vào 3 tiêu chí: điểm học bạ (xét 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của 3 môn thuộc tổ hợp đã đăng ký ở tiêu chí 1; điểm của bài kiểm tra đánh giá năng lực.

Cách thức đăng ký xét tuyển mới

Năm nay, nhà trường chỉ có một hình thức duy nhất, đó là đăng ký trực tuyến (online) với hệ thống phần mềm mới. Do đó, thí sinh phải kê khai thông tin cá nhân và nguyện vọng xét tuyển theo cách thức mới.

Để hoàn tất quá trình đăng ký xét tuyển, trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi có kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh điền kết quả thi THPT quốc gia của 3 môn thuộc tổ hợp đã đăng ký xét tuyển.

ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo nhà trường lưu ý: "Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển. Nhà trường sẽ từ chối tiếp nhận nhập học hoặc buộc thôi học (khi thí sinh đã nhập học) nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển với hồ sơ gốc".

Bài kiểm tra năng lực

Thí sinh làm bài kiểm tra năng lực theo hình thức trắc nghiệm trên giấy với 100 câu, trong thời gian 75 phút.

Nội dung gồm 4 nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; kư duy lôgic và khả năng lập luận.

ThS Lê Văn Hiển lưu ý nhà trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực; và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của trường.

"Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh", ông Hiển khẳng định.

Cũng theo ông Hiển, việc tổ chức kiểm tra năng lực giúp nhà trường tuyển được các thí sinh có tố chất, có tư duy lôgic tốt, có hiểu biết sâu rộng các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội...; có thêm kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh (nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia).

Đồng thời giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn học tại Trường ĐH Luật TP.HCM là phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.

Thông tin tuyển sinh chi tiết TẠI ĐÂY .

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên