06/05/2013 12:58 GMT+7

Dẹp tận gốc "chặt chém": cần sự quyết liệt của cộng đồng!

TTO
TTO

TTO - Diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch “chặt, chém” do Tuổi Trẻ Online tổ chức từ ngày 27-4 trên tuoitre.vn đã nhận được gần 160 ý kiến tham gia của bạn đọc.

2TkQg6cl.jpgPhóng to
Festival Vũng Tàu - ảnh của tác giả Nguyễn Trần Hùng dự thi Góc ảnh lữ hành do Tuổi Trẻ Online tổ chức.

Bên cạnh việc kể lại những câu chuyện mà chính bạn đọc là nạn nhân của “chặt chém”, bạn đọc cũng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này. Có thể gom thành các nhóm vấn đề sau:

1. Là người du lịch thông minh: thừa nhận tình trạng “chặt chém” đâu đâu cũng có thể diễn ra, hơn ai hết, mỗi du khách hãy tìm hiểu cho mình thật kỹ các thông tin về hành trình du lịch, về điểm đến. Trước khi sử dụng dịch vụ phải hỏi giá cẩn thận trước. Khi bị “chặt chém”, đừng ngần ngại tố cáo với chính quyền địa phương.

Không để xảy ra "chặt chém" thì cái lợi trước hết là về văn hóa. Không có "chặt chém", không chạy theo "chặt chém" nên nếp sống thân thiện ngàn đời của người dân không bị xáo trộn.

Bản thân người dân cũng tự tạo “chất kháng thể” cho mình khi không tham gia nạn "chặt chém", nếu không sẽ bị cả cộng đồng lên án. Người dân nhờ vậy được sống trong môi trường an lành, tin tưởng lẫn nhau.

Đối với môi trường du lịch, không có "chặt chém" cũng dẫn đến không có nạn cò mồi, chèo kéo, chụp giật, mang lại một niềm tin tốt đẹp đối với du khách. Từ đó, hình ảnh đẹp của một Hội An - di sản văn hóa thế giới - ngày càng vang tiếng khắp năm châu, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Mà khách đến đông thì người dân càng được nhờ. Lợi cả trăm bề như thế hà cớ gì phải nâng giá, "chặt chém"!

Trích ý kiến của ông Nguyễn Sự trong bài Trò chuyện với thủ lĩnh Hội An: "Hà cớ gì phải chặt, chém"?

Như ví dụ của bạn đọc Tạ Văn Lâm (giảng viên Đại học Đại Nam, Hà Nội) chia sẻ: Đầu năm nay, đoàn chúng tôi đi du lịch, kết hợp với phóng sinh tại vịnh Hạ Long. Đoàn rất đông, thuê tới 5 chiếc tàu. Trong khi mới chỉ được 3/4 hành trình thì một tàu bất ngờ quay đầu chạy thẳng về bến. Mọi người lên hỏi thì lái tàu tỏ thái độ xấc xược và có lời lẽ rất không hay, phụ tàu thì đôi co và có thái độ vòi vĩnh. Mọi người rất bức xúc, sau khi về bến đã cùng nhau tới gặp ban quản lý và chủ tàu, viết đề nghị phản hồi sự việc.

Ban quản lý, chủ tàu đã gọi trực tiếp lái tàu tới để làm rõ sự việc và nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, hứa sẽ sớm họp ban để giải quyết ngay trường hợp này.

Qua câu chuyện trên tôi chỉ xin chia sẻ là khách du lịch, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về địa danh, nơi chốn, giá cả và những khuyến cáo về nơi mình sẽ tới đồng thời cũng nên trang bị kiến thức, phương tiện để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết. Cũng như đừng ngại chia sẻ sự hài lòng và không hài lòng của mình tới cơ quan quản lý hay tới các phương tiện thông tin đại chúng;

2. Cung cấp thông tin đường dây nóng, yêu cầu niêm yết giá: Đối với chính quyền địa phương, với cơ quan chức năng, bạn đọc đề nghị mỗi điểm đến hãy cung cấp số điện thoại đường dây nóng để xử lý các vụ chặt chém như thế này; cùng với đó là yêu cầu các hàng, quán, dịch vụ phải niêm yết bảng giá chi tiết.

Bạn đọc quochung1401@... gợi ý “mỗi du khách khi tới TP nào thì hướng dẫn viên hoặc hãng vận chuyển hãy trao số điện thoại đường dây nóng đó cho khách. Đường dây nóng này cần hoạt động có hiệu quả”.

Bạn đọc phuongnam@... cũng gợi ý: Khi khách xuống sân bay nên phát cho mỗi người một tờ rơi nhỏ, ghi chú cụ thể số điện thoại của công an từng vùng để báo ngay khi bị tình trạng "chặt chém"...

Bạn đọc Lê Hùng nhấn mạnh các giải pháp: “Tại các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch, mua sắm... cần niêm yết giá công khai bằng tiếng Việt và tiếng Anh (có thể bằng tiếng Nhật, Nga, Hàn, Trung... ở những nơi đông du khách đến từ các nước đó). Trên các bảng niêm yết giá, có ghi số điện thoại nóng của công an và thanh tra du lịch địa phương, để du khách có thể ngay lập tức thông báo khi bị “chặt chém”, lừa đảo. Đòi hỏi lực lượng công an và thanh tra phải là những người tận tụy, có mặt ngay sau khi nhận được cuộc gọi của khách, để nhanh chóng xử lý vụ việc đem lại niềm tin cho du khách. Yêu cầu lực lượng thực thi công vụ tại các điểm du lịch phải biết ngoại ngữ để có thể lắng nghe phản ảnh của du khách một cách chính xác.

Bạn đọc Văn Lâm cho rằng việc công khai minh bạch góp phần tạo một áp lực cho địa phương, ngành đó cải thiện dịch vụ mình. Cũng như vậy, đối với tình trạng “chặt chém”, tôi tin rằng việc công khai, chỉ đích danh địa chỉ, nhà hàng, tên những người gây phiền phức khách hàng là một biện pháp phù hợp trong bối cảnh các dịch vụ du lịch nước nhà còn yếu kém như hiện nay. Tất nhiên chẳng ai muốn mất thời gian vướng vào những tranh cãi phiền phức cả nhất là khi đang đi du lịch, nhưng nếu cần thiết mà chúng ta né tránh thì cũng không phải là một thái độ tích cực.

3. Mạnh tay trong việc xử lý tình trạng “chặt chém”: Bạn đọc Trần Văn Thuận nhấn mạnh: “Đã tới lúc các cơ quan chức năng cũng nên có động thái tích cực khi có du khách trình báo những sự việc "chặt chém" nhằm có biện pháp can thiệp tích cực hơn, nghiêm khắc hơn”.

Bạn đọc Thanh Vân cho rằng: Chính quyền phải đưa ra được những quy định cụ thể có thưởng phạt nghiêm minh. Tất nhiên đòi hỏi phải có hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói suông. Hộ kinh doanh nào vi phạm lần thứ 3 phải rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn. Không chỉ người đứng tên kinh doanh không được đăng ký kinh doanh nữa mà cả mặt bằng nơi vi phạm cũng không được kinh doanh những ngành nghề liên quan tới du lịch, nhất là ngành nghề vừa vi phạm.

Các mức phạt (tiền) phải đủ sức răn đe (thậm chí khiếp sợ) mới hi vọng có hiệu quả. Nếu vượt ngoài quy định của Nhà nước thì địa phương cần xin quy chế đặc biệt từ Chính phủ, sử dụng quyền lực của hội đồng nhân dân để có cơ sở giải quyết.

Rất nhiều bạn đọc cho rằng một khi chính quyền địa phương không xử lý triệt để vấn đề này thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, và hành động cụ thể cần làm là nên từ chức.

4. Hỗ trợ kỹ năng, kiến thức cho người kinh doanh: Nhiều bạn đọc cho rằng người kinh doanh cũng cần được ngành du lịch, các đoàn thể hỗ trợ, trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết… chứ không chỉ chăm chăm xử phạt, cấm kinh doanh. Cụ thể, người kinh doanh cần nhận thức được tác hại của việc “chặt chém”, kinh doanh kiểu “ăn xổi, ở thì”, thấy được lợi ích của việc chăm sóc khách hàng, của việc xây dựng một cộng đồng kinh doanh lành mạnh.

Bạn đọc Tran Van chia sẻ: “Khi chính các cửa hàng giám sát lẫn nhau, thì đó là cách để giải quyết tình trạng “chặt chém”. Khi có cửa hàng nào lừa đảo khách hàng, các cửa hàng khác có thể báo cáo để giữ môi trường kinh doanh trong sạch”.

Ngoài ra, bạn đọc cũng gợi ý một số giải pháp khác như: thành lập lực lượng cảnh sát du lịch hoặc công ty bảo vệ du lịch; nâng thu nhập cho hướng dẫn viên và đội ngũ làm du lịch để hướng dẫn viên không câu kết với các cơ sở kinh doanh ăn hoa hồng; cung cấp thông tin chi tiết hơn cho mọi người từ cả thông tin xấu đến thông tin tốt.

Mời bạn xem thêm những bài viết của diễn đàn

Trò chuyện với thủ lĩnh Hội An: "Hà cớ gì phải chặt, chém?"Đừng xem du khách như “mỏ vàng” để moi tiền mọi cách!"Huê hồng" tiếp tay đắc lực cho "chặt chém"Du lịch "chặt chém" làm xấu hình ảnh Việt NamĐi du lịch trong nước, giá quá cao còn bị "chặt chém"Lập những tổ tự quản du lịch

Tuổi Trẻ Online xin tạm khép lại diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch “chặt chém” ở đây. Rất cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, chia sẻ và xin hẹn gặp lại ở những diễn đàn sau.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Gi\u1ea3i quy\u1ebft t\u00ecnh tr\u1ea1ng du l\u1ecbch \u201cch\u1eb7t, ch\u00e9m\u201d do Tu\u1ed5i Tr\u1ebb Online t\u1ed5 ch\u1ee9c t\u1eeb ng\u00e0y 27-4 tr\u00ean tuoitre.vn \u0111\u00e3 nh\u1eadn \u0111\u01b0\u1ee3c g\u1ea7n 160 \u00fd ki\u1ebfn tham gia c\u1ee7a b\u1ea1n \u0111\u1ecdc." />