Diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch bị "chặt chém"
Phóng to |
Đi du lịch: Mẹ chở 2 con đi tham quan khu du lịch Phan Thiết bằng xe đạp. Hình chụp ngày 7-8-2009, tham dự cuộc thi ảnh Dặm đường đất nước do Tuổi Trẻ Online tổ chức - Ảnh của tác giả Nguyen Quoc Dung |
Lập những tổ tự quản du lịchĐi du lịch trong nước, giá quá cao còn bị chặt chémMời bạn đọc tham gia Diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch bị "chặt chém"
Tiếp tay cho kẻ xấu lộng hành chính là cánh lái xe, hướng dẫn viên (HDV) du lịch nhằm hưởng tiền cửa và huê hồng cao ngất ngưởng. Nhiều đoàn khách dù không có nhu cầu nhưng vẫn bị những tài xế, HDV tự ý dừng xe ở những điểm mua sắm, nhà hàng ăn uống… để khách phải xì tiền ra mua về một sản phẩm cao hơn giá thị trường đến 30%. Nếu khách không mua thì thái độ phục vụ của lái xe, HDV sau đó sẽ là một sự bực bội thấy rõ.
Nhiều năm qua mặc dù khách du lịch liên tục phản ảnh nạn chặt chém, nhưng nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn lập luận kiểu “kinh tế thị trường”: người bán bỏ vốn đầu tư muốn bán giá nào thì tùy họ, người mua thấy đắt thì từ chối. Rốt cuộc chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Theo tôi, để giải quyết vấn nạn này, trước mắt có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
1.Tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên bán hàng, phục vụ khách du lịch
Nguyên nhân chính vẫn do sự thực dụng, tính tham lam và có khi là suy nghĩ nông cạn của con người. Vì vậy nên thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho giới lái xe, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn về văn hóa giao tiếp ứng xử, tác phong phục vụ du lịch... và kiểm tra cấp bằng đạt chuẩn hành nghề.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, quản lý giá chặt chẽ và cương quyết xử lý những khách sạn, nhà hàng tăng giá bất hợp lý.
2.Công ty lữ hành hợp đồng chặt chẽ với HDV và nhà xe khi phục vụ khách trên đường tour
Để bảo vệ khách, các công ty lữ hành trước khi lên tour cần hợp đồng chặt chẽ với nhà xe, HDV... về hành trình, cương quyết không cho phép lái xe, HDV lèo lái khách đến những điểm mua sắm mà giá cả cao bất thường so với thị trường.
3.Nhà quản lý phải làm tròn vai
Chẳng hạn, với khách du lịch bị kẻ xấu dùng thủ đoạn ép buộc "ăn cá... giá chục triệu đồng" như từng xảy ra ở Hạ Long thì ban quản lý vịnh không thể đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ họ đã được Nhà nước phân công quản lý vùng vịnh ấy và bán vé kinh doanh. Ban quản lý phải chịu trách nhiệm xử lý, thậm chí bồi thường cho khách khi khách bị "chặt chém". Ngoài ra, ban quản lý còn phải hạn chế các hiện tượng quấy nhiễu du khách khác như ăn xin, chèo kéo, móc túi...
Tương tự, ở những điểm tham quan không thuộc trách nhiệm của ban quản lý mà để xảy ra tình trạng nhà hàng chặt chém, khách bị cướp giật... thì chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc xử lý, hỗ trợ khách.
Ngày lễ 30-4, công nhân viên được nghỉ dài ngày là dịp để gia đình, cơ quan tổ chức du lịch. Vì vậy các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Hạ Long không cần hoạt động quảng bá thì nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan vẫn kín chỗ. Vậy mà những năm qua chính quyền vẫn cứ nhằm ngày lễ để tổ chức sự kiện carnival, lễ hội pháo hoa... Điều này đã gây hiệu ứng “cầu nhiều hơn cung” khiến ngành dịch vụ tha hồ tăng giá, đầu cơ phòng, “chặt chém” vào giờ chót. |
Tôi nhớ trước đây ông Nguyễn Tri Diện, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, từng can thiệp kịp thời một vụ "chém" giá khách sạn. Và mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hội An Nguyễn Sự cũng đã chỉ đạo chính quyền phường kiểm điểm một chủ tiệm hớt tóc đã nhiều lần đòi khách nước ngoài trả giá cao, đồng thời chấn chỉnh đội xe xích lô có dấu hiệu "chặt chém". Chính cách hành xử quyết liệt và nhanh chóng của hai vị lãnh đạo trên đã giúp phục hồi niềm tin của du khách.
4.Thành lập công ty bảo vệ du lịch
Thực tế cho thấy hiện nay tại TP.HCM, lực lượng bảo vệ du khách trực thuộc Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong chưa thể can thiệp, ngăn chặn được chuyện du khách gặp cảnh chèo kéo, lừa đảo... mà ngược lại họ còn bị côn đồ hăm dọa, mắng chửi. Vậy làm thế nào để bảo vệ du khách?
Nên chăng thành lập công ty bảo vệ chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, được huấn luyện nghiệp vụ du lịch, võ thuật và trang bị công cụ hỗ trợ như roi điện, gậy sắt để có thể bảo vệ mình và du khách. Họ có trách nhiệm tuần tra tại khu vực được giao để bảo vệ du khách.
Kinh phí để công ty bảo vệ này hoạt động có thể lấy từ nguồn thu thuế du lịch hằng năm, từ phần đóng góp của các hãng lữ hành.
5.Giải quyết căn cơ về thu nhập cho người làm du lịch
Ở Việt Nam, khách nội địa thường đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 8, đặc biệt cao điểm trong tháng 6, tháng 7. Riêng khách nước ngoài vào Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau.
Đội ngũ HDV phần nhiều hành nghề tự do và một số ít đầu quân vào đơn vị nào đó hưởng lương phụ cấp theo chế độ cộng tác viên. Những lúc có khách đi tour, mỗi ngày HDV sẽ nhận bình quân 250.000 đồng nếu phục vụ khách nội địa và 500.000 đồng nếu hướng dẫn khách quốc tế hoặc đưa khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, theo thông lệ hướng dẫn inbound sẽ được tiền tips 3-5 USD/ngày/ người như phần thưởng về tinh thần phục vụ khi kết thúc tour. Riêng HDV nội địa nếu phục vụ tốt vẫn được tiền tips của du khách nhưng lúc có lúc không và mức độ tùy vào lòng hảo tâm của khách.
Vì vậy có thể nói ngày công, thu nhập của HDV nội địa không đều, không đủ sống. Khi đã túng thiếu còn đâu sự nhiệt tình để phục vụ khách, chưa kể khó tránh cám dỗ từ hoa hồng hậu hĩ của những nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất mỹ nghệ, trung tâm thương mại... "đi đêm" với HDV, tài xế nhằm móc túi du khách.
Để giải quyết vấn đề này, các hãng lữ hành nên áp dụng chế độ lương bổng của HDV, tài xế du lịch giống như nước bạn (ở các nước trong khu vực Đông Nam Á buộc mỗi ngày khách phải chi 3 USD tiền tips cho tài xế và HDV). Điều này tạo thu nhập ổn định cho những người trực tiếp làm du lịch, giúp họ công tâm với công việc, hết lòng với du khách và nói không với tiêu cực.
6.Thông tin đầy đủ cho khách hàng
Trên những tuyến điểm du lịch, du khách hầu hết chưa biết nhiều về nơi đến như đời sống, sinh hoạt của dân bản địa, môi trường xung quanh. Chính vì vậy, cộng với sự chủ quan, cả tin dẫn đến nhiều trường hợp khách bị kẻ bất lương lợi dụng chèn ép, bắt nạt, moi tiền với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Để bảo vệ du khách, không gì hơn là nhà điều hành tour, HDV... trước khi khởi hành nên thông tin, cảnh báo cụ thể với du khách tình hình xã hội, những mặt tốt cũng như hiện tượng tiêu cực tại các điểm đến như một sự cảnh báo, nhắc nhở khách cảnh giác, đề phòng.
Từ trước đến nay, trên ấn phẩm cẩm nang du lịch, website của các sở, ban, ngành, hiệp hội, các hãng lữ hành chỉ đơn thuần thông tin hoạt động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch... Nói cách khác là phản ánh những mặt tích cực có lợi cho du lịch chứ hiếm khi phê phán, đấu tranh những sự việc làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam.
Vậy tại sao không lập hẳn một khu vực thông tin tập trung "đánh" thẳng vào những "con sâu" để khách tránh xa và qua đó xây dựng một môi trường du lịch ngày càng trong lành hơn?
(Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam
phó giám đốc Công ty DL Thế Hệ Trẻ TP.HCM)
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch bị "chặt, chém" Bạn cũng từng là nạn nhân bị “chặt, chém” khi đi du lịch? Bạn biết được những cách làm hay ở các địa điểm du lịch để phục vụ du khách tốt nhất. Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online bằng chính những câu chuyện, hình ảnh, video clip mà bạn là người trong cuộc. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi đến TTO những sáng kiến, ý tưởng để giải quyết tình trạng “chặt, chém” cũng như nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch hiện nay. Bài viết, hình ảnh, clip vui lòng gửi về email tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi Diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch bị "chặt, chém". Bạn cũng có thể tham gia ý kiến bằng cách gửi nội dung ở phần Phản hồi bên cuối bài. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận