29/04/2013 08:23 GMT+7

Đừng để phải xin lỗi

THU HÀ
THU HÀ

TT - Tuần qua, người ta chú ý đến việc tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn xin lỗi du khách người Úc vì người lái xích lô đã “chặt chém”, nâng giá xích lô cao hơn giá thực tế nhiều lần. Ông Tuấn cho biết đó là “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hà Nội và du lịch Việt Nam.

Người đứng đầu Tổng cục Du lịch đến xin lỗi kháchXích lô "chém" du khách 1,3 triệu đồng đã bị bắt

Lời xin lỗi chỉ vừa kịp cất lên, lời hứa chưa kịp thực hiện thì ngay sau đó vài hôm, lại một chuyện xấu hổ xảy ra với ngành du lịch thủ đô.

Ba vị khách Pháp đã được taxi tự ý đưa vào một khách sạn hoàn toàn không liên quan đến khách sạn họ đã đặt phòng qua mạng, ở đến hôm sau mới biết và khi họ đòi đi khỏi khách sạn thì bị nhân viên dọa hành hung. Nội vụ, cũng như trường hợp trên, chỉ được ngã ngũ khi các vị khách trình báo với công an.

Chuyện xảy ra trong dịp nghỉ lễ, nên chắc ông tổng cục trưởng không thể đến xin lỗi ba vị khách Pháp này ngay. Mà dù cho có trong ngày làm việc, dù bằng tất cả sự nhiệt tình của mình, ông cũng không thể cứ có du khách khiếu kiện, trình báo với công an lại thân chinh đứng ra xin lỗi, dẫu cho động thái xin lỗi ấy đầy tính phục thiện và rất đáng ghi nhận.

Bởi vì hễ mỗi khi có chuyện khách du lịch nước ngoài phàn nàn, kêu cứu, tố cáo, hoặc thậm chí về nước hậm hực viết báo “kể tội” du lịch VN, báo chí và ngành du lịch mới xôn xao chụp ảnh ghi hình trình bày diễn tiến vụ việc rồi... xin lỗi. Còn hằng ngày hằng giờ, khách VN chịu đựng cảnh cơm ép, cảnh xe nhồi. Lướt một vòng báo chí ngày đầu của kỳ nghỉ lễ dài năm ngày đâu đâu cũng thấy: khách sạn, nhà nghỉ tăng giá dù kinh tế suy thoái, khách đi du lịch thưa hơn mọi năm. Trên những chuyến xe “chất lượng cao”, xe giường nằm 45 chỗ mà bị nhồi tới hơn 70 người... thì ít thấy bóng dáng của ngành du lịch. Vẫn là công an và cảnh sát giao thông.

Chỉ quy trách nhiệm cho một mình ngành du lịch cũng hơi khiên cưỡng. Bà bán hàng rong, anh lơ xe bắt khách dọc đường, anh taxi cố tình đưa nhầm địa chỉ khách sạn, bác xích lô tính hơn triệu bạc cho cuốc xe 5km, nhân viên bảo vệ khách sạn tư nhân dọa đánh khách... không thuộc diện quản lý nhân sự của ngành du lịch. Cái tâm lý “ăn xổi ở thì”, “ham lợi trước mắt” của họ không chỉ nảy sinh khi có khách du lịch đến, nó được sinh ra và nuôi dưỡng trong suốt quá trình sống của họ. Và nó đã được kích thích bởi môi trường xung quanh khi thấy người ta kiếm tiền quá dễ từ việc “chặt chém” những vị khách phương xa, dù là người Việt hay người nước ngoài. Nó chưa hề bị trừng phạt bởi cả lương tâm lẫn pháp luật, nên nó cứ thế ngang nhiên tồn tại. Cho đến khi công luận lên tiếng, và công an vào cuộc.

Cách đây chừng ba năm, trong một cuộc phỏng vấn của Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng bày tỏ mong muốn lực lượng cảnh sát du lịch được thành lập theo mô hình của các nước có nền du lịch phát triển như Pháp, Tây Ban Nha hay Ai Cập, Thái Lan... để giải quyết tại chỗ những hiện tượng lừa đảo, “chặt chém” ép khách, ép giá nêu trên. Nhưng ông không quên tỏ rõ sự lo ngại: cảnh sát du lịch có được thành lập thì cũng có ba đầu sáu tay đâu mà giải quyết từng vụ việc nhỏ. Cái chính vẫn là ý thức toàn xã hội. Khi nào mỗi người dân VN đều có ý thức như mỗi người dân Hội An với từng du khách thì mới hết những tệ nạn du lịch này.

Hội An thì nhỏ, người thì ít, VN chỉ có một Hội An và Hội An có ông Nguyễn Sự. Ông Sự từng xin lỗi nhân dân Hội An vì trót mơ mộng nghe bài hát Hoa sữa rồi đem cây về trồng khắp thị xã, hoa nở thơm sặc sụa dân thở không thấu. Ông xin lỗi, dân chấp thuận. Nhưng ông cũng nói luôn để răn mình: “Tốt nhất là đừng để phải nói lời xin lỗi”.

Tổng cục Du lịch, đáng tiếc, lại cứ phải xin lỗi hoài.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên