28/04/2013 14:20 GMT+7

Đi du lịch trong nước, giá quá cao còn bị chặt chém

Trần Tấn Phát
Trần Tấn Phát

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ triển khai diễn đàn Giải quyết tình trạng du lịch bị "chặt, chém", bạn đọc gửi nhiều ý kiến về tòa soạn như: tình trạng chặt chém đã tồn tại quá lâu sao không xử lý triệt để; giá du lịch quá cao; du khách cần làm gì trước tệ nạn này...

TTO xin trích đăng:

Yob5qrZi.jpgPhóng to
Bà Trần Thanh Hương (ngồi), chủ quán Thu Mai (vốn là quán Như Ý trước đây chuyên chặt chém du khách), tại buổi kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu - Ảnh: Đông Hà

Đĩa cơm trắng giá 1 triệu đồng!Chia sẻ kinh nghiệm chống “chặt chém” ở Vũng TàuChống "chặt chém" ở Vũng Tàu: chính quyền ở đâu?

Du lịch trong nước đắt hơn du lịch nước ngoài

Nghịch lý này cho thấy du lịch Việt Nam tự làm cho mình mất đi thị phần nội địa rất lớn. Nước ta có khoảng 80 triệu dân, trong đó chỉ cần 50% đi du lịch 1 lần 1 năm thì các tỉnh đã có một nguồn thu đáng kể.

Ở đây các tỉnh không quản lý được giá cả khiến cho du khách mất lòng tin vào nơi mình đã đến, gây thất vọng khi mà đi du lịch nghỉ dưỡng cứ như là đi kinh doanh hoặc đánh trận với những chiêu trò do các địa điểm du lịch bày ra mà chính quyền địa phương không biết.

So sánh du lịch Singapore tầm 8 triệu, nếu đi du lịch Hà Nội khoảng 10 triệu (chưa kể các phí và các loại tiền khác), đi Singapore chúng ta sẽ được phục vụ chu đáo, ân cần, thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ và sẽ sẵn sàng sử dụng tiền vào các dịch vụ họ cung cấp. Còn tại Hà Nội, chuyện chặt chém ngay cả người trong nước (1 ly trà đá vỉa hè 10.000 đồng, đi vệ sinh công cộng 10.000 - 20.000đ) đi du lịch mà khi trả tiền cứ như mang cục tức vào người thì còn gì thoải mái, còn dám nghĩ đến chuyện trở lại lần sau hay không!

Chất lượng dịch vụ không đồng nhất, khách sạn 3 sao này chất lượng khác khách sạn 3 sao khác.

Tổng cục Du lịch và các sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh làm gì khi khách có phản ảnh? Có chế tài nào hay không? Có nên lập một trang web để hướng dẫn du lịch an toàn tại Việt Nam nhằm đưa lên những đơn vị làm ăn bất chính và những đơn vị làm ăn đàng hoàng cho người dân và du khách biết?

Khi khách bị chèn ép, bắt chẹt, giá không đúng niêm yết khách nên làm gì?

Người dân nên làm gì khi bị như vậy?

Ngành du lịch Việt Nam có phát triển hơn không nếu cứ làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay?

Mong lãnh đạo đầu ngành làm việc tốt hơn, nghĩ đến khách du lịch hơn, nghĩ đến những con người ngành mình đang phục vụ!

Du lịch Việt Nam không thể phát triển và cạnh tranh nổi với giá cả tăng cao như hiện nay, trong đó chưa kể đến hạ tầng, chất lượng phục vụ và địa điểm. Nếu cộng tất cả chi phí từ A đến Z và các phí không thể nói ra, giá tour cao ngất không thể chấp nhận được. Cứ thế, khách trong nước sẽ chuyển sang du lịch nước ngoài, cụ thể là các nước trong khu vực như thời gian qua. Ở đó chất lượng phục vụ tốt hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, đặc biệt là không có chèo kéo, bát nháo, mất vệ sinh nơi tham quan như ở ta. Yếu tố quan trọng nữa là an toàn, văn minh, lịch sự.

Taxi cũng chặt chém

Tôi thường xuyên đi Vũng Tàu du lịch, thông thường thì đi bằng xe máy, nhưng có một lần vào năm ngoái đi bằng xe khách xuống mới ngỡ ngàng là đi taxi ở đây giá cực kỳ cao tuy tôi đã chọn những hãng taxi nổi tiếng.

Tôi không hiểu tại sao nhưng nếu đi tại Sài Gòn với quãng đường như vậy nhưng xuống Vũng Tàu giá gần như gấp rưỡi. Ngoài ra, nếu không để ý kỹ thì có một số xe dù ngụy trang như xe của hãng, bà con đi du lịch không để ý cũng dễ bị lừa lắm. Từ đó đến nay tôi rất hạn chế đi Vũng Tàu.

Chuyện xảy ra hầu như công khai từ xưa đến nay ở những nơi có điều kiện làm du lịch, báo chí, khách du lịch phản ánh quá nhiều rồi nhưng không hiểu sao tệ nạn này vẫn tồn tại hoạt động. Ngành quản lý du lịch nghĩ sao khi khách không dám đến địa phương của mình, thậm chí sẽ tẩy chay địa phương có những kiểu làm ăn chặt chém như thế?

Phần nhiều hàng quán đến kinh doanh tại Vũng Tàu đều là người nơi khác, họ kinh doanh chụp giật, kinh doanh lớn thì chụp giật kiểu lớn, kinh doanh cò con thì chụp giật kiểu cò con. Tốt nhất hãy là người đi du lịch thông minh. Chính quyền TP Vũng Tàu nên phối hợp chặt chẽ với truyền thông truyền hình chỉ tên, điểm mặt những cơ sở làm ăn gian dối, mất văn hóa, vô đạo đức. Phải mạnh tay thì mới giữ được hình ảnh đẹp của xứ biển Vũng Tàu.

Thành phố Vũng Tàu là nơi du khách đến đông mùa lễ tết. Với những hàng quán chặt chém tự do như thế ảnh hưởng nhiều đến khách du lịch. Mong chính quyền kiểm tra xử lý mạnh tay với những quán ăn chặt chém này để du lịch Việt Nam tốt đẹp hơn.

Hãy là người du lịch thông minh!

Tôi là dân Vũng Tàu, đang kinh doanh cho thuê nhà cuối tuần cho khách du lịch khu vực Bãi Sau. Tôi quan sát thấy khách đến chỗ tôi thuê được đáp ứng tất cả các nhu cầu, từ bản đồ Vũng Tàu, cẩm nang hướng dẫn, các địa chỉ ăn uống tin cậy (do tôi sưu tầm) đến bếp với đầy đủ đồ dùng cho khách tự tổ chức nấu nướng, ăn uống. So với giá nhà nghỉ thì chỗ tôi tương đương. Phần lớn khách đến chỗ tôi nghỉ đều hài lòng và có ấn tượng tốt. Nhưng không phải ai cũng vậy.

Tôi có gặp phải vài người khách không hài lòng. Họ thích được chèo kéo mua bán rầm rộ khu vực Phó Đức Chính và bị hấp dẫn bởi những lời mời chào mua cua ghẹ giá rẻ ngoài biển (để rồi bị lừa)... Như quán ăn Hương Việt đây, hằng ngày qua lại tôi vẫn thấy khách ra vô tấp nập (dù có những lời cảnh báo ầm ĩ trên báo)...

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói: hãy là người đi du lịch thông minh.

Tôi có sở thích đi du lịch bụi cùng bạn bè. Trước khi lên đường tôi thường bỏ 1 tháng hoặc ít nhất 1 tuần để tham khảo thông tin nơi sẽ đến tham quan. Xem kỹ bản đồ đường đi để chọn con đường tốt nhất. Ngoài ra, trên mạng có nhiều thông tin kinh nghiệm đi du lịch và nhiều người sẵn sàng tư vấn chỗ ở, quán ăn, nơi cần tham quan. Có sẵn thông tin và kế hoạch trong tay, các chuyến đi luôn diễn ra suôn sẻ, chi tiêu hợp lý như dự kiến, tôi không gặp các quán chặt chém bao giờ. Dù vậy, ngành du lịch của Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa. Các cơ quan quản lý phải mạnh tay dẹp bỏ nạn rải đinh, nạn móc túi, giật đồ, ăn xin, bán vé số, hàng rong bám lấy du khách. Dù đi du lịch tự túc hay đi tour khách trong và ngoài nước đều sợ các vấn nạn này của Việt Nam.

Để giải quyết tệ nạn này không chỉ với khách du lịch mà còn với người tiêu dùng nên:

1. Tất cả cửa hàng, quán ăn, xe khách... đều phải niêm yết giá rõ ràng.

2. Khi thu tiền phải xuất biên nhận hay hóa đơn, có ghi rõ số điện thoại, địa chỉ người bán để người tiêu dùng dễ kiểm tra.

Nếu ai vi phạm thì phạt nặng, thu hồi giấy phép, đóng cửa, ngay cả truy tố ra tòa.

Quy định đã có, vấn đề là thực thi nghiêm minh và có kiểm tra, giám sát mới mong tạo văn hóa kinh doanh lành mạnh.

Phải nói là nạn chặt chém khách du lịch đã làm hỏng đi hình ảnh tốt đẹp của đất nước ta trước du khách nước ngoài và cả người VN.

Nhân đây tôi xin có ý kiến:

1. Phải mạnh tay với kiểu kinh doanh chặt chém vô đạo đức, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của VN trong mắt người nước ngoài.

2. Bất cứ ai bao che, dung túng tệ nạn này phải bị kỷ luật thật nặng.

3. Phải có quy chế về du lịch cho từng nơi như: Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Huế, Hạ Long, Sài Gòn, Hà Nội... Tùy nơi mà có quy định cụ thể để việc du lịch đi vào nề nếp, phạt thật nặng bất cứ hành vi chặt chém du khách, bảo vệ hình ảnh của VN trong mắt người nước ngoài.

Trần Tấn Phát
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Gi\u1ea3i quy\u1ebft t\u00ecnh tr\u1ea1ng du l\u1ecbch b\u1ecb "ch\u1eb7t, ch\u00e9m", b\u1ea1n \u0111\u1ecdc g\u1eedi nhi\u1ec1u \u00fd ki\u1ebfn v\u1ec1 t\u00f2a so\u1ea1n nh\u01b0: t\u00ecnh tr\u1ea1ng ch\u1eb7t ch\u00e9m \u0111\u00e3 t\u1ed3n t\u1ea1i qu\u00e1 l\u00e2u sao kh\u00f4ng x\u1eed l\u00fd tri\u1ec7t \u0111\u1ec3; gi\u00e1 du l\u1ecbch qu\u00e1 cao; du kh\u00e1ch c\u1ea7n l\u00e0m g\u00ec tr\u01b0\u1edbc t\u1ec7 n\u1ea1n n\u00e0y..." />