Việt Nam mang lại cho họ nhiều cơ hội trong kinh doanh và họ chọn cách "trả ơn" thông qua đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam.
Đến và không muốn rời đi
14 năm trước, khi chỉ còn ba ngày nữa là đến Tết dương lịch, một sinh viên người Anh vừa tốt nghiệp đại học đã đáp máy bay đến Việt Nam. Đó là Rafael Masters, người sáng lập Vulcan Augmetics, công ty khởi nghiệp sản xuất cánh tay giả điện tử dành cho người khuyết tật có trụ sở tại quận 2, TP.HCM.
Kế hoạch ban đầu của Rafael là bước ra thế giới và trải nghiệm các nền văn hóa mới. Sau vài lần tìm kiếm trên mạng, anh nhìn thấy một bài đăng về công việc dạy tiếng Anh tại Việt Nam. "Tôi dự định giảng dạy một năm và sau đó trở về nhà.
Tuy nhiên, điều thực sự xảy ra là tôi bắt đầu nảy sinh tình yêu với văn hóa, đất nước và cả công việc dạy học ở Việt Nam. Nhìn những trẻ em ở nhiều độ tuổi được cung cấp các công cụ giáo dục, sau đó phát triển và xây dựng bản thân bằng chính những công cụ đó là một cảm giác vô cùng thú vị", anh nói.
Các học sinh đầu tiên mà Rafael dạy khi vừa sang Việt Nam giờ đây đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư, người làm hóa sinh và đang công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 23 tuổi, Rafael từng khởi nghiệp lần đầu ở Việt Nam và thất bại. Những bài học về quản lý và tuyển dụng nhân sự từ thất bại đó đã giúp anh gom góp kinh nghiệm cho lần thứ hai. Năm 2017, Rafael bắt đầu các ý tưởng đầu tiên về Vulcan.
Một năm sau, công ty thành lập và có thêm cộng sự - Trịnh Khánh Hạ, một cô gái 9X năng động và cũng dành hết tâm huyết, nỗ lực mang lại cuộc sống tốt hơn cho người khuyết tật Việt Nam.
Trong khi đó, với Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures, mối duyên với Việt Nam khởi đầu từ hơn 10 năm trước, khi ông vừa kết hôn và quyết định cùng vợ trải qua kỳ nghỉ trăng mật kéo dài 13 tháng qua nhiều quốc gia châu Á.
"Lúc đầu tôi không có kế hoạch lập quỹ đầu tư mạo hiểm, không có kế hoạch chuyển đến Việt Nam nhưng sau đó tôi có những trải nghiệm tuyệt vời ở nơi đây.
Chúng tôi rong ruổi khắp các vùng đồng bằng, đón xe buýt lên phía Bắc, đi bộ đường dài. Phần lớn chuyến đi là những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, gặp gỡ người Việt. Chúng tôi kết nối qua Facebook và có những người đến giờ vẫn là bạn tôi", ông kể.
Trong hành trình đặt chân sang các quốc gia châu Á, nhà đầu tư người Mỹ đã gặp cộng sự của mình, ông Jeffrey Paine và họ quyết định thành lập quỹ đầu tư sau khi nhận ra tiềm năng phát triển khi ấy của Singapore.
"Lúc đó tôi đã lao vào Singapore khi nhận ra cơ hội kinh doanh. Giờ đây tôi lại làm điều tương tự khi nhìn vào thị trường Việt Nam", ông nói.
Vinnie sau đó ký hợp tác để mở văn phòng của quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tại Việt Nam vào năm 2019 nhưng dịch bệnh khiến các kế hoạch bị gián đoạn. Ông cùng gia đình quyết định chuyển đến Việt Nam sinh sống lâu dài vào mùa hè năm 2021 - thời điểm dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất.
Tương tự như Rafael và Vinnie, Charles Lee, người sáng lập trường dạy lập trình, trí tuệ nhân tạo và học máy CoderSchool có văn phòng tại tòa nhà Sonatus (quận 1) cũng từng lên kế hoạch đặt chân đến vài quốc gia, bao gồm Việt Nam. Cuối cùng vị doanh nhân người Mỹ gốc Hàn quyết định ở lại Việt Nam và không đi sang nước nào khác nữa.
Năm 2015, sau khi rời công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, Charles nói mối quan tâm lớn nhất của một kỹ sư như ông khi đó là về tương lai của công nghệ toàn cầu. Trong đó, Việt Nam không chỉ là một quốc gia được biết đến với môi trường khá tốt để sinh sống, mà còn khiến Charles chú ý vì tốc độ và tỉ lệ phổ cập Internet và công nghệ.
Đến Việt Nam năm 2015, Charles đang dạy lập trình trực tuyến cho công ty của một người bạn. CEO CoderSchool nói ông nhận thấy người Việt Nam rất quan tâm đến lập trình, trong khi thị trường chưa có một nơi nào dạy bài bản.
"Mọi người bắt đầu nói với tôi hãy dạy lập trình đi. Tôi bắt đầu lên mạng tìm kiếm và thấy không có nơi nào cung cấp các khóa học về lập trình cả", Charles nhớ lại. Lớp học đầu tiên của CEO người Mỹ gốc Hàn được tổ chức tại một không gian làm việc chung nằm trong con hẻm nhỏ ở quận 1.
Đó cũng là khởi điểm cho sự ra đời của CoderSchool, ngôi trường được thành lập ban đầu để dạy lập trình, và sau đó đặt những viên gạch xa hơn khi chuyển sang giảng dạy về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning).
Mong muốn đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới
Với những doanh nhân nước ngoài như Rafael, Vinnie hay Charles, góc nhìn về Việt Nam không chỉ dừng lại ở những cơ hội và tiềm năng kinh tế cho bản thân. Đó là những tầm nhìn xa hơn, nhiều hoài bão hơn, khát khao nhìn thấy một Việt Nam ghi dấu thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế và một phần thành công đến từ sự đóng góp của họ.
Ở Vulcan Augmetics, doanh nghiệp xã hội này đang nỗ lực tạo ra giá trị cho những người khuyết tật tại Việt Nam. Theo Rafael, tại Việt Nam có khoảng 7 đến 13 triệu người bị tàn tật do tai nạn trong lao động và sinh hoạt, kể cả các trẻ em gặp nạn khi chơi pháo hoa hoặc chất nổ.
"Khi một gia đình có một thành viên không thể tự chăm sóc bản thân, điều đó đồng nghĩa với việc có ít nhất một hoặc hai người khác không thể làm việc vì phải chăm sóc người kia. Điều này ảnh hưởng đến khả năng lao động và duy trì tài chính của họ", anh nói.
Tại Vulcan, có những khách hàng sau đó trở thành nhân viên và thậm chí là đại sứ thương hiệu. Đó là Phạm Văn Được, người đã mất cánh tay do một tai nạn khi mới 1 tuổi hay Hoàng Văn Dũng, giờ đã trở thành một huấn luyện viên thể thao.
Mỗi cánh tay giả được bán với giá tương đương một chiếc xe máy, đồng thời tích hợp nhiều chương trình hỗ trợ tài chính để đảm bảo mọi người khuyết tật đều có thể tiếp cận.
"Ngoại trừ bảng mạch hiện đang phải sản xuất tại Trung Quốc, toàn bộ cánh tay, bao gồm cả thiết kế, công nghệ đều được sản xuất tại Việt Nam và bởi người Việt Nam. Đó là điều khiến tôi tự hào nhất", anh Rafael nhấn mạnh.
Vị CEO người Anh nhấn mạnh dù có kế hoạch mở rộng thị trường và hiện có nhiều đối tác tiếp cận như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, khát vọng của anh không chỉ là đưa Vulcan trở thành lựa chọn đầu tiên của người khuyết tật ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Mặc dù được sáng lập bởi người nước ngoài nhưng Vulcan vẫn đang là một công ty Việt Nam, đặt tại Việt Nam và do chính người Việt làm ra.
Khi các sản phẩm của Vulcan tiến ra thị trường quốc tế, tôi muốn xây dựng thương hiệu những kỹ sư người Việt - những người đã đứng sau tất cả những công nghệ và sáng tạo của chúng tôi", anh chia sẻ.
Rafael nhận xét rằng người Việt Nam luôn tìm ra giải pháp trong điều kiện tồi tệ nhất. "Việt Nam là nơi bạn có thể tìm thấy những người nông dân muốn được bay và họ sẽ chế tạo trực thăng ngay trên cánh đồng của mình.
Những đứa trẻ xem phim người dơi và tạo ra dơi bằng máy. Đó là những thế mạnh mà từ đó chúng tôi có thể xây dựng thương hiệu và phát triển một thế hệ kỹ sư người Việt sáng tạo ra những sản phẩm thiết bị y tế có ích cho cộng đồng và sau này là vươn ra thế giới", anh nói.
Tương tự, CEO CoderSchool Charles Lee nhấn mạnh tầm nhìn của mình dành cho Việt Nam là tạo ra một thế hệ những lập trình viên đủ năng lực để đầu quân vào các công ty, tập đoàn lớn không chỉ trong nước mà còn trên thế giới - một thế hệ tự hào nói rằng họ đã được đào tạo từ CoderSchool, một công ty khởi nghiệp có trụ sở đặt tại Việt Nam.
"Điều khiến Thung lũng Silicon thành công là khi những cựu nhân viên từ các công ty này bước ra thế giới, họ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của mảng công nghệ trên toàn cầu và cho bất kỳ công ty nào mà họ làm việc. Tôi cũng kỳ vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ nhìn thấy những tài năng trong lĩnh vực công nghệ thế giới xuất hiện tại Việt Nam", ông nói.
Người Việt Nam là "chìa khóa" thành công
Cả ông Vinnie và Charles đều tỏ ra ấn tượng với tinh thần ham học hỏi và đầu tư vào giáo dục ngày càng tăng của người Việt Nam. Theo ông Vinnie, chi tiêu trung bình dành cho giáo dục tính theo phần trăm GDP đạt mức cao nhất trong khu vực, vượt qua cả Singapore.
"Điều thú vị nhất và khiến tôi ngạc nhiên ở Việt Nam là ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động, rất nhiều người vẫn muốn tập trung học tập và phát triển bản thân.
Họ liên hệ và hỏi về các khóa học và đó là lúc chúng tôi có thêm động lực để phát triển các chương trình dạy trực tuyến", ông Charles nói và cho biết học viên đến từ rất nhiều lĩnh vực như marketing, tài chính và cả nghệ thuật.
"Người Việt Nam và thị trường ở đây có xu hướng cởi mở, chấp nhận và chịu thử nghiệm những điều mới mẻ thay vì từ chối và nói rằng đây không phải là cách họ thường làm. Điều này tạo điều kiện cho sự ra đời của những ý tưởng khởi nghiệp", ông giải thích.
Trong khi đó, theo CEO của Vulcan, người Việt Nam rất năng nổ và cố gắng đạt được mục tiêu với những khát vọng rất lớn, đặc biệt là hình ảnh của Vingroup khi đưa xe điện vào thị trường Mỹ và nỗ lực để thương hiệu Việt được công nhận trên thị trường quốc tế.
"Ở Việt Nam nếu tìm được đội ngũ phù hợp mọi người chắc chắn sẽ hoàn thành công việc. Chúng tôi có một nhân viên đang theo học tiến sĩ về học máy và robot tại Đại học Princeton. Anh ấy cũng là một người Việt Nam và rất thông minh. Chúng tôi nhất định sẽ chờ anh ấy hoàn thành việc học và quay về với Vulcan", anh Rafael nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận