20/11/2020 13:13 GMT+7

'Chọn về Việt Nam, tôi chọn con đường giáo dục thực chất và bền vững'

VINH SAN
VINH SAN

TTO - 'Hai lần quyết định quay trở về Việt Nam, tôi đều đã xác định lợi ích kinh tế không là yếu tố quan trọng nhất rồi'. TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ về con đường làm giáo dục bền vững.

Chọn về Việt Nam, tôi chọn con đường giáo dục thực chất và bền vững - Ảnh 1.

TS Nguyễn Chí Hiếu trong một buổi chia sẻ phương pháp giảng dạy với giảng viên một số trường - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Chí Hiếu (sinh năm 1984) hiện là giám đốc điều hành Học viện phát triển tư duy và kỹ năng IEG. Anh tốt nghiệp từ những ngôi trường hàng đầu thế giới như ĐH Oxford (Anh), Stanford (Mỹ). Anh từng được chọn là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006...

* Ngoài đi dạy, gần đây bạn viết sách rất nhiều, dù việc viết sách ở Việt Nam hiếm khi nào đem lại lợi ích kinh tế. Vì sao?

Tôi từ chối nhiều lời mời sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế ĐH Stanford (Mỹ) và thạc sĩ MBA ở ĐH Oxford (Anh). Gia đình tôi không giàu có, đến thời điểm này tôi vẫn đang phụng dưỡng cha mẹ. Chọn về Việt Nam, tôi chọn con đường giáo dục thực chất và bền vững.

Một xã hội thật sự đáng sống là nơi có một nền giáo dục đào tạo được những con người không chỉ tài giỏi, mà còn phải có đức và tử tế. Điều đó cần mỗi người lớn, dù có làm trong ngành giáo dục hay ngành khác, đều phải ý thức được vai trò, trách nhiệm - mà cũng là niềm vui, hỗ trợ những đứa trẻ được trưởng thành với tư tưởng tích cực, lạc quan, cống hiến.

Với tôi, bên cạnh việc giảng dạy, viết sách là một trong những công việc "chuyển giao" cho thế hệ sau. Có thể không đạt lợi ích kinh tế, nhưng chỉ cần một người đọc và hiểu sách tôi, tác động thay đổi bản thân và những người khác xung quanh, đã là điều khiến tôi vui sướng.

* Dẫu vậy, việc thay đổi tư duy với người lớn luôn đầy khó khăn…

- Chính vì biết thay đổi tư duy người lớn rất khó, tôi lại càng thấy cần phải viết sách.

Đến thời điểm này, tôi đã theo đuổi gần 200 dự án giáo dục lớn nhỏ ở nhiều trường học tại Việt Nam. Tôi dạy từ trẻ nhỏ đến sinh viên đại học, và nhận ra bức tranh giáo dục sẽ khó thể thay đổi hiệu quả nếu chỉ có thể tác động đến người học. 

Tôi rất hiểu việc tư duy người lớn không thay đổi thì những thế hệ học trò sẽ gánh nhiều hệ lụy. Vì vậy, dù bản tính tôi là một người không thích va chạm, nhưng chính trẻ con, học trò là động lực "hút" tôi ra khỏi vỏ ốc của mình, để mạnh mẽ và quyết liệt nói, làm, viết.

Muốn thay đổi tư duy thì chấp nhận phải "mưa dầm thấm lâu", và sách là cách lan tỏa những gì mình muốn chia sẻ. 

Có nhiều dự án tìm tới tôi, và tôi muốn nhận tất cả, vì học sinh ở đâu cũng là học sinh, làm được gì cho các em, tôi sẽ làm.

Nhưng thời gian và sức lực bản thân có hạn, tôi phải từ chối. Viết sách là một trong những cách tôi chia sẻ cho những con người tôi không có duyên được trực tiếp làm việc cùng. 

Như trong quyển sách Giáo dục, tương lai và đổi mới, tôi gom góp những kiến thức giáo dục khắp nơi để đưa ra một góc nhìn, cách nghĩ để người lớn, các thầy cô giáo, nhà làm giáo dục ở bất kỳ thành thị, vùng nông thôn nào cũng được tương tác thêm những luồng tư tưởng, cách làm giáo dục mới.

Chọn về Việt Nam, tôi chọn con đường giáo dục thực chất và bền vững - Ảnh 2.

TS Nguyễn Chí Hiếu (thứ ba từ phải sang) trong một chương trình học thuật tại nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Bạn nhận thấy việc giảng dạy ở môi trường giáo dục Việt có những điểm thăng trầm gì?

Thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là Gen Z (những bạn sinh trong khoảng thời gian 1995 đến đầu những năm 2010) có thể nói đang sống chơi vơi giữa hai thế giới ảo - thật, bị công nghệ tác động mạnh mẽ. 

Công nghệ, ứng dụng  có điểm cộng là giúp cuộc sống con người tiện lợi hơn, nhưng mặt trái là bào mòn rất nhiều kỹ năng ở họ. Từ đó, thế giới quan và cách các bạn nhìn nhận mọi thứ khá khác biệt, nhiệm vụ của người thầy theo đó thêm thử thách.

Chẳng hạn, không ít người hiện nay có khuynh hướng đọc và nghĩ nhanh chứ không sâu, giới trẻ không là ngoại lệ. 

Với những nhiệm vụ đầy thử thách như vậy, không ít bạn nghĩ rằng giáo viên đang "làm khó" mình, chứ không biết điều gì là thật sự tốt và cần. Không đọc sâu, tư duy phản biện hay EQ (trí tuệ cảm xúc) theo đó sẽ bị ảnh hưởng, và các bạn khó thể cạnh tranh khi bước vào thị trường lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo thống trị.

* Trên Facebook, tôi thấy bạn có những lập luận, quan điểm có thể gây phật lòng, tranh cãi. Bạn có suy nghĩ thiệt hơn?

- Tôi viết có thể nhanh, nhưng mỗi chữ tôi đều suy nghĩ kỹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ về việc thiệt hơn nếu thấy điều gì thật sự cần phải viết.

Những vấn đề chúng ta đang gặp phải trong giáo dục ở trường, ở nhà và trong xã hội - xã hội thực và xã hội trên mạng - không còn là những chuyện tiểu tiết nữa, mà đôi khi đã thành hiện tượng, bám rễ khá sâu vào trong cách nghĩ, cách làm của nhiều người, đôi khi trở thành vô thức. Với những vấn đề như vậy, cứ nói thảo mai, dĩ hoa vi quý thì sẽ như "cơn gió thoảng qua". 

Đối tượng phục vụ tối cao của tôi là những đứa trẻ. Tôi sẵn sàng nhận phần thiệt về mình nếu những gì tôi viết ra làm người lớn "nhột", thậm chí "ném đá" mình. Cuốn sách thứ 3 của tôi trước đây còn có tít phụ là Thuốc đắng tặng cha mẹ thời 4.0.

Những đứa trẻ xứng đáng để người lớn phải "nhột" và thay đổi thật sự vì chúng.

TS Nguyễn Chí Hiếu đã xuất bản 4 quyển sách: Nghiện giấc mơ bơ lối mòn; Làm như lửa yêu như đất; Thay đổi vì con; Giáo dục, tương lai và đổi mới. Mỗi quyển sách, anh viết để dành tặng những đối tượng khác nhau như phụ huynh, học sinh và người làm giáo dục, giới trẻ.

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn cầu Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn cầu

TTO - Ngày 11-11, Tổ chức Varkey Foundation đã công bố cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu.

VINH SAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên