10/02/2020 09:45 GMT+7

'Dường như Việt Nam chọn tôi'

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - Cô Veronica Romeo, giảng viên người Ý tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, tiết lộ như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Dường như Việt Nam chọn tôi - Ảnh 1.

Cô Veronica Romeo (giữa) luôn tạo được sự gần gũi với sinh viên - Ảnh: THANH TÂM

Biết 6 thứ tiếng, từng dạy tại nhiều nước nhưng ở Việt Nam lâu nhất, cô đang ấp ủ nhiều dự định kết nối Việt Nam với nước Ý và với thế giới.

Tôi nghĩ mình đã làm mọi thứ ở đây. Tôi yêu dạy học, tôi thích đất nước này, tôi cũng đã đi nhiều nơi: Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long... Điều tôi tiếc nhất có thể là tôi không được ở nhiều hơn.

Cô Veronica Romeo

Chúng tôi hẹn gặp cô trước ngày cô về Ý nghỉ phép, trong bối cảnh nhiều trường ĐH Việt Nam đang tạm cho sinh viên nghỉ vì dịch virus corona.

Sinh viên không nên sợ

* Thưa cô, vì sao cô chọn đến Việt Nam dạy học?

- Thật ra tôi không chọn Việt Nam mà dường như Việt Nam chọn tôi. Tôi tham gia chương trình của Bộ Ngoại giao Ý, đưa giáo viên bản ngữ đến các trường có giảng dạy bộ môn này. Trước đó, tôi ít nghe đến Việt Nam. Nhưng sau 3 năm, tôi nghĩ mình sẽ khóc rất nhiều khi phải rời nơi đây. Ngày đó có lẽ sắp đến. Bộ vừa thông báo tôi phải luân chuyển về Ý sau năm học này. Tin đó làm tôi rất sốc vì tôi đã xem Việt Nam như ngôi nhà thứ hai.

Một lớp năm nhất biết tôi sẽ rời đi, nên trong ngày kết thúc học phần, các em cho tôi một bất ngờ. Sắp hết tiết, các em gửi cho tôi một lá thư cảm ơn, xin phép được bật một đoạn nhạc và rồi đem chiếc bánh kem vào lớp. Thật xúc động. Khoảnh khắc đó gần như không thể tìm thấy ở các trường châu Âu.

* Theo cô, cách tiếp cận bài giảng của cô có khác gì với các giảng viên Việt Nam?

- Với tôi, các thầy cô Việt Nam đều giỏi và tốt bụng, nhưng một số vẫn giữ phương pháp truyền đạt cũ, ít nhất là với tôi, nên đôi lúc có thể chưa hấp dẫn các em. Tôi có bằng ĐH ở cả 2 chuyên ngành: ngoại ngữ và sư phạm tiếng Ý. Do đó, tôi được các thầy hướng dẫn rất kỹ những cách tiếp cận sinh viên, quan trọng nhất khi đứng trên bục giảng là giúp các em cảm thấy mình là một phần của bài học.

Tôi từng dạy ở Áo và Ý, nên nếu phải so sánh, sinh viên Việt Nam thông minh và tiếp thu rất nhanh, chỉ có điều khá... nhát. Tôi thường động viên các em không nên sợ gì: không sợ giảng viên, điểm số, thay vào đó hãy chăm chỉ luyện tập và đưa cảm xúc vào bài học. Nhiều sinh viên rụt rè, tôi khuyên họ đối diện và vượt qua bản thân. Tôi thích quan tâm các em, tôi không muốn tự biến mình thành một người nghiêm khắc không có lý do bởi sinh viên của tôi đã lớn và tôi không muốn dạy các em như những đứa trẻ.

Trong các tiết học, tôi muốn áp dụng nhiều loại tư liệu như video, âm nhạc... nhưng phải được nghiên cứu kỹ chứ không dùng lung tung. Mỗi cuối tuần, tôi thường đến quán cà phê chúng ta đang ngồi đây để suy nghĩ cách dạy cho tuần sau, làm thế nào để bài giảng ấn tượng nhất và giúp sinh viên dễ tiếp thu nhất.

Cô là người truyền động lực, là người giúp mình càng học càng thấy tiếng Ý thú vị. Mình đã từng nghĩ sẽ không theo hết 4 năm đại học cho đến khi gặp cô. Chính cái tâm của cô đã níu mình lại và giờ đây mình đã tốt nghiệp và tìm được một công việc đúng ngành.

Nguyễn Khoa (cựu sinh viên khóa 4 bộ môn ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Dường như Việt Nam chọn tôi - Ảnh 4.

Cô Veronica Romeo

* Tôi có dịp nói chuyện với nhiều sinh viên bộ môn ngữ văn Ý và hầu như ai cũng yêu mến cô. Cô có biết điều này không?

- Tôi cảm nhận được tình cảm sinh viên Việt Nam dành cho mình. Họ thường nhắn tin chúc tôi những điều tốt lành, gửi tôi nhiều yêu thương trong những ngày đặc biệt. Đây, đây là quyển sổ tay sinh viên viết tặng mà tôi luôn mang theo bên mình. Tôi sẽ đọc cho bạn nghe: "Cảm ơn cô vì đã tôn trọng ý kiến của chúng em, không quan trọng nó khác biệt như thế nào. Cô cho chúng em một điều mới mẻ: sự tự do trong việc bày tỏ ý tưởng của mình"...

Tôi thường nhắc nhở các em cần tôn trọng ý kiến của mỗi người và khi đánh giá cần nhiều chiều. Có lần, sau khi cùng xem một đoạn phim tiếng Ý, tôi ra bài tập nhận xét phát hiện mới của đạo diễn. Bất ngờ, một sinh viên viết: "Em không thích phim này và sẽ không bao giờ xem lại" và nêu lý do. Đó mới là điều quan trọng - giải thích được "vì sao".

Mê ăn tết Sài Gòn

* Trên Facebook, cô thường đăng tải nhiều hình ảnh về Sài Gòn. Phải chăng với cô, thành phố này rất đẹp?

- Không hẳn, nhất là những hôm 5 giờ chiều tan trường, nhìn dòng xe cộ như một con sông. Nhưng khi dậy sớm, ngắm mặt trời mọc trên thành phố này, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi yêu những cái tết ở Sài Gòn. Đối với tôi, Sài Gòn xinh đẹp nhất, nhiều màu sắc và giàu sức sống nhất khi tết. Các bạn tôi thường bĩu môi: Tết ở thành phố này chán lắm, nên đi du lịch, nhưng những năm qua tôi đều ở lại đây. Tôi thức dậy và diện áo quần đi ngắm phố phường, xem mặt người, nghe họ nói chuyện với nhau, tôi ra công viên Tao Đàn đầy hoa, tôi tham dự những sự kiện, những lễ hội âm nhạc đầu năm ở Sài Gòn. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời.

Bạn biết không, nhiều người Ý vẫn nghĩ "Việt Nam" chỉ là tên một cuộc chiến và thậm chí có người đã lo sợ khi tôi đến đây. Đó là lý do tôi thường đăng nhiều hình ảnh cho bạn bè hiểu Việt Nam hơn. Ba năm qua đã có 5 người bạn Ý của tôi đến thăm Sài Gòn, họ nói cảm thấy thú vị vì những bức hình của tôi nên muốn trải nghiệm. Tôi làm marketing tốt quá đúng không?

* Nhiều sinh viên cho tôi hay rằng cô biết đến 6 ngôn ngữ. Thành thạo nhiều thứ tiếng sẽ giúp ích gì cho việc giảng dạy?

- Thời sinh viên, chuyên ngành của tôi là ngoại ngữ nên tôi học tiếng Tây Ban Nha, Đức, Nga, trước đó tôi học tiếng Anh và Pháp ở bậc phổ thông. Vì từng là sinh viên ngành ngoại ngữ, tôi hiểu rất rõ những khó khăn mà học trò gặp phải khi theo đuổi một thứ tiếng mới. Có lần, tôi thấy một sinh viên viết vào vở hàng trăm lần một từ vựng. Tôi la lên: "Trời ơi! Em phí thời gian nhưng sẽ chỉ nhớ được 10 phút thôi". Giờ đây tôi biết nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng học từ vựng theo cách đó. Vậy là tôi thường nhắc các em rằng từ vựng phải nằm trong một ngữ cảnh, một câu, một hình ảnh mới nhớ lâu. Ngoài ra, không phải lúc nào gặp từ mới cũng lật tra từ điển, mà nên học cách phân tích nội hàm bên trong từ đó.

Dường như việc học ngôn ngữ ở Việt Nam vẫn thiên về kỹ năng viết, nhiều bạn viết rất giỏi nhưng nói không tốt, giống ở Ý khoảng 30 năm trước. Do đó, trong giờ học nói, tôi khuyến khích các em mạnh dạn. Tôi nhận ra không phải sinh viên ngại nói, mà là sợ không giống những ý kiến bạn bè, sợ bị chê. Với những bạn than không đủ vốn từ, tôi khuyên nên xem thêm tivi, xem phim, nghe nhạc, đọc báo...

anh02(2) 4(read-only)

Cô Veronica Romeo và các sinh viên trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: THANH TÂM

Ngoài công tác giảng dạy, cô Veronica Romeo thể hiện sự tích cực trong việc tổ chức các hoạt động giao lưu về ẩm thực, âm nhạc... cho giảng viên và sinh viên của bộ môn ngữ văn Ý. Chẳng hạn, buổi nói chuyện về "Ngôn ngữ cơ thể" của nhà làm phim người Ý Luca Vullo, buổi trình diễn của ban nhạc Ý "Mezzotono"...

Với tư cách là người đại diện cho ban chủ nhiệm bộ môn, tôi đánh giá cao vai trò là "cầu nối văn hóa" giữa nhà trường và Tổng lãnh sự quán Ý tại TP.HCM. Chúng tôi biết rằng khi cô về nước, chúng tôi sẽ được tiếp nhận một giảng viên người Ý khác do chính phủ nước này cử sang. Chúng tôi trân trọng những đóng góp, tình cảm và tinh thần phục vụ của cô.

TS Trần Cao Bội Ngọc (trưởng bộ môn ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Cô giáo mặc nguyên bộ đồ họa tiết nội tạng để dạy học Cô giáo mặc nguyên bộ đồ họa tiết nội tạng để dạy học

TTO - Nhằm giúp học sinh có cái nhìn trực quan và dễ hiểu nhất, nữ giáo viên người Tây Ban Nha đã lấy luôn thân mình làm mẫu trong giờ học giải phẫu bằng cách mặc bộ đồ bó sát họa tiết nội tạng.

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên