Cảnh chen chúc ở ga tàu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc năm 2014 - Ảnh chụp màn hình
Giai đoạn "xuân vận" - thời điểm hàng trăm triệu người ngược xuôi về quê ăn Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu từ ngày 21-1 tới và kéo dài trong suốt 40 ngày. Áp lực đang đè nặng không chỉ lên ngành giao thông vận tải mà còn nhiều cơ quan khác trong thời kỳ này.
Theo báo Straits Times của Singapore ngày 7-1, chín cơ quan Chính phủ Trung Quốc, bao gồm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, đã kêu gọi phạt nặng những người cư xử thiếu văn hóa trên các chuyến tàu, xe và máy bay trong giai đoạn xuân vận.
Theo đó, các hành vi như bán lại vé xe lửa, hút thuốc trong toa tàu, trốn vé, không trả thêm phí ở nơi đến, sử dụng căn cước giả hoặc gây rối trật tự công cộng, đe dọa an ninh đường sắt sẽ bị xử lý nghiêm.
Người vi phạm không chỉ bị cấm đi xe lửa hay máy bay trong một khoảng thời gian nhất định, mà các hành vi vi phạm của họ sẽ bị ghi vào hệ thống chấm điểm công dân quốc gia - cơ sở thưởng phạt công dân được Trung Quốc áp dụng rộng rãi trong thời gian gần đây.
Theo creditchina.gov.cn - cổng thông tin hệ thống chấm điểm công dân - kể từ tháng 6-2018, 5.099 người đã bị cấm mua vé máy bay, 1.604 người bị cấm mua vé tàu vì cư xử kém văn hóa.
Một phụ nữ Trung Quốc lăn xả, dùng cả người chặn cửa tàu cao tốc để chờ chồng - Nguồn: YOUTUBE
Cướp ghế là hành vi vi phạm phổ biến nhất của những người này.
Trong một bản tin phát sóng ngày 6-1, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết cảnh sát đường sắt Trung Quốc đã bắt giữ hơn 450 hành khách có hành vi kém văn hóa trên xe lửa trong năm 2018.
Chẳng hạn, ngày 1-12, một phụ nữ say rượu đã ngồi nhầm chỗ của một người khác nhưng nhất quyết không chịu rời ghế, thậm chí tranh cãi và xô xát với các hành khách khác cũng như nhân viên đường sắt. Bà này sau đó bị nhốt 7 ngày.
Cùng tuần đó, một phụ nữ khác chiếm ba ghế trên xe lửa và không cho ai khác ngồi. Sau nhiều lời khuyên răn và đe dọa, cảnh sát cuối cùng phải sử dụng vũ lực để lôi bà ta ra khỏi tàu và tống giam 5 ngày.
Trước đó, vào tháng 8, một nghiên cứu sinh tên Sun đã bị bêu tên và hứng đủ "gạch đá" trên mạng sau video ghi lại cảnh anh ta nhất quyết không rời khỏi ghế dành riêng cho phụ nữ trên tàu cao tốc đến Bắc Kinh.
Sun sau đó đã phải cúi gập người xin lỗi "toàn bộ nhân dân Trung Quốc" vì "vi phạm đạo đức, làm tổn thương người phụ nữ và làm ảnh hưởng xấu đến xã hội".
Tranh cãi về chỗ ngồi trên xe lửa - Nguồn: YOUTUBE
"Hệ thống chấm điểm công dân là thứ không thể thiếu đối với bất kỳ chính phủ hiện đại nào" - ông Zhu Lijia, giáo sư về quản lý công Học viện Quản trị Trung Quốc, ca ngợi.
"Thay vì phạt tiền hoặc các hình phạt nhẹ khác, việc bêu tên những người vi phạm nghiêm trọng và công bố danh sách đen công khai sẽ kiểm soát hiệu quả hơn các hành vi của họ" - ông Zhu khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận