Những con đường ven sông ngập hoa dại
Tôi biết thành phố này có một quá khứ đau thương, nên cảnh yên bình hai bên đường trong mắt tôi dường như càng thêm phần trìu mến.
Không náo nhiệt như Tokyo, không vồn vã như Osaka, cũng không công nghiệp hóa như Fukuoka, Hiroshima duyên dáng với những dòng sông, triền cỏ và hoa dại ven đường.
Giờ tan tầm, trẻ con chơi ở công viên, học sinh vừa tan học, người lao động cũng kết thúc một ngày làm việc. Chiếc xe buýt chở tôi lướt qua những gương mặt hiền hòa, vui tươi và bình thản. Nhịp sống ở đây có vẻ chậm hơn mức độ trung bình của Nhật Bản, và vì vậy, có nét gì đó hạnh phúc hơn.
Công viên Hòa Bình
Tôi xuống xe trước công viên Heiwa, tiếng Nhật có nghĩa là Hòa Bình. Mấy chú mèo hoang béo ú đang nằm phơi nắng trên bãi cỏ xanh lốm đốm hoa trắng ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi đi qua bảo tàng, nơi ghi lại những điều tàn nhẫn của lịch sử. Tôi không cảm nhận được dù chỉ một chút không khí hận thù, mà chỉ thấy đau thương, và xót xa đến buốt trái tim.
Đọng lại trong tôi là sự tiếc nuối, là những câu hỏi quay quắt vì sao, và những lời nguyện cầu cho những điều tương tự đừng bao giờ lặp lại.
Tượng đài trong công viên Hòa Bình, phía sau là căn nhà Vòm Bom Nguyên Tử
Ở những góc nhỏ trong công viên là các công trình tưởng niệm, với hoa tươi từ khách viễn phương như sẻ chia về những điều kinh hoàng vùng đất này từng trải qua.
Một khu vực nọ rực rỡ sắc màu với những chú hạc giấy và hàng trăm bức tranh của trẻ em, ghi lại câu chuyện của Sasaki Sadako, cô bé 2 tuổi sống sót thần kỳ sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1945, để rồi phát bệnh ung thư vào năm 10 tuổi và ra đi 2 năm sau đó, dù cô bé đã tự mình gấp hơn 1.000 chú hạc giấy với khao khát sống và niềm tin mãnh liệt vào một phép màu.
Bạn học của Sadako, cùng toàn thể học sinh Nhật Bản, sau cái chết của cô, đã quyên góp để xây dựng nên Tượng đài hòa bình của trẻ em, đặt tại công viên này.
Khi đứng lặng người ngắm nhìn tượng đài ấy, tôi đã có một niềm tin, rằng nếu mọi trẻ em đều được nghe về câu chuyện này, thì tương lai sẽ không còn chiến tranh nữa.
Tượng đài Hòa Bình của Trẻ em
Hoàng hôn đang dịu dàng thả nắng và gió xuống. Tôi tới cây cầu Aioi bắc qua ngã ba sông Honkawa và Motoyasu, là nơi quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ được thả xuống. Bên phải tôi là công viên Hoà Bình, bên trái là phế tích Vòm bom nguyên tử - di sản lịch sử của thế giới. Một bên xanh rì, đậm màu đau thương, tiếc nuối và hy vọng. Một bên hoang tàn, còn đó khung sắt, còn đó những vỡ vụn của bê tông.
Nhà vòm Bom Nguyên Tử bên bờ sông
Hiroshima còn những di tích lịch sử và văn hóa khác. Một lâu đài xinh đẹp được xây lại trên nền lâu đài cũ, vốn đã bị bom hủy hoại gần như hoàn toàn. Buổi tối hôm ấy, khi ngồi trong một quán ăn nhỏ địa phương, nhấm nháp Okonomiyaki, món ăn đặc sản của Hiroshima, thường được người Việt gọi là bánh xèo Nhật, và nhâm nhi rượu gạo, tôi đã cảm thấy thật yên bình và hạnh phúc.
Lâu đài Hiroshima
Mời độc giả chia sẻ bài, ảnh, video về các chuyến du lịch tại địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận