18/10/2018 12:29 GMT+7

Đến đậu nành vào tầm ngắm vì có cỏ kế đồng

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Không chỉ lúa mì, đậu nành cũng bị phát hiện có cỏ kế đồng và các cơ quan đang tìm biện pháp xử lý liệu có hay không chuyện tái xuất cả lúa mì lẫn đậu nành nhập khẩu.

Đến đậu nành vào tầm ngắm vì có cỏ kế đồng - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi với cục trưởng Cục BVTV về vấn đề lúa mì lẫn cỏ kế đồng sáng 17-10 - Ảnh: TR. MẠNH

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chưa áp dụng biện pháp tái xuất đối với mặt hàng lúa mì có chứa cỏ kế đồng (Cirsium Arvense), nhưng chỉ là giải pháp tình thế để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đã khẳng định như vậy tại cuộc họp với các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh lúa mì ở Hà Nội ngày 17-10, đồng thời cho biết đậu nành nhập khẩu cũng bị phát hiện có loại cỏ này.

Đến lượt đậu nành vào tầm ngắm

Trong thời gian tới, theo ông Trung, Cục BVTV sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của các nước xuất khẩu lúa mì có lẫn cỏ kế đồng sang VN để tìm biện pháp xử lý phù hợp. Nếu các bên có biện pháp chấp nhận được, sẽ không cần bàn tới tái xuất hay cấm nhập nữa.

Ngược lại, nếu không có biện pháp khả thi, cơ quan này sẽ áp dụng việc tái xuất các lô hàng lúa mì chứa cỏ kế đồng, thậm chí còn đề nghị Bộ NN&PTNT tạm ngưng nhập khẩu lúa mì từ quốc gia bị phát hiện lẫn loại cỏ này. "Chúng tôi sẽ thông báo cho doanh nghiệp trước ít nhất một tháng nếu áp dụng biện pháp này" - ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, thời gian qua, cơ quan BVTV của VN còn phát hiện một số lô đậu tương nhập khẩu cũng lẫn hạt cỏ kế đồng nhưng với mức độ ít hơn so với lúa mì. "Nếu phát hiện hạt cỏ kế đồng trong đậu nành nhập khẩu nhiều hơn, cơ quan này cũng sẽ áp dụng các biện pháp tái xuất như lúa mì" - ông Trung khẳng định.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh lúa mì và bột mì trong nước, quyết định của Cục BVTV sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa được khó khăn trước mắt. Bà Huỳnh Kim Chi, chủ tịch HĐQT Công ty Vikybomi, cho hay thời gian qua doanh nghiệp phải tính toán rất căng thẳng về việc có nên ký tiếp các hợp đồng mới hay không.

Bởi vì theo quy định tái xuất, doanh nghiệp cực kỳ rủi ro khi nhập khẩu về mà phát hiện lẫn cỏ kế đồng. Tuy nhiên, nếu không mua hàng, nhà máy có nguy cơ đóng cửa vì không có hàng cho công nhân làm việc.

Phải bảo vệ "nồi cơm" cho nông dân Việt

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng công văn của chi cục kiểm dịch vùng I và vùng II gửi các doanh nghiệp ngày 5-9 là trái pháp luật. Theo một số doanh nghiệp, trong cuộc họp về các điều kiện kinh doanh sáng cùng ngày, đã có ý kiến của lãnh đạo cho rằng công văn buộc tái xuất các lô hàng lúa mì có lẫn cỏ dại là sai thẩm quyền, phải thu hồi ngay và "không thể chấp nhận...".

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung cho rằng các quy định và văn bản mà Cục BVTV cũng như trung tâm kiểm dịch thực vật vùng gửi cho doanh nghiệp là đúng pháp luật VN và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo ông Trung, ngay sau khi nhận công văn của Cục BVTV, một số nước xuất khẩu (Nga, Mỹ, Canada...) đã có văn bản phản hồi, trong đó thừa nhận các nước xuất khẩu phải chịu trách nhiệm vì không tuân thủ quy định kiểm soát. Các quốc gia này cũng khẳng định cần có kiểm soát với loại cỏ này.

Cũng theo ông Trung, cỏ kế đồng bị đưa vào danh mục kiểm dịch thực vật của VN bởi mức độ nguy hại của loài này. Nếu loại cỏ này thiết lập được quần thể ở VN, tất cả thị trường của VN bị đóng sập trở lại hoặc áp dụng hàng rào kiểm dịch cao hơn nhiều. Trên 20 tỉ USD xuất khẩu các mặt hàng trồng trọt năm 2017 của VN có nguy cơ bị ảnh hưởng.

"Cơ sở pháp lý để tái xuất là đúng. Lẽ ra phải tái xuất ngay từ khi phát hiện và báo với Bộ NN&PTNT cho dừng nhập khẩu. Không có đất nước nào mà phát hiện từ tháng 5-2018 vẫn cho phép nhập khẩu 6 tháng, lên đến 1,6 triệu tấn, tức đã hỗ trợ doanh nghiệp rồi. Đây không phải là quyết định đột ngột. EU chỉ cần 5 lô vi phạm là đóng cửa thị trường" - ông Trung nhấn mạnh.

Mỹ cũng buộc tái xuất nếu phát hiện cỏ kế đồng

TS Dương Minh Tú, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật, cho biết cỏ kế đồng có bộ rễ dài, nhiều chồi nhọn phát triển, có thể ăn sâu tới 3m, sinh sản bằng chồi, rễ ngầm và cả hạt. Một cây có thể tạo 5.000 hạt. Đây là cây trồng nguy hiểm tại vùng bản địa ở đông nam châu Âu, riêng VN vẫn chưa có loại cỏ kế đồng.

Theo ông Lê Sơn Hà - trưởng phòng kiểm dịch Cục BVTV, dù 43 bang của Mỹ có loại cỏ này nhưng quốc gia này cũng đưa cỏ kế đồng vào danh mục nguy hại và buộc tái xuất các lô hàng nhập nếu phát hiện loại cỏ này.

Chưa buộc tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng Chưa buộc tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng

TTO - Đó là kết luận của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tại cuộc họp với các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh lúa mì tại Hà Nội ngày 17-10.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên