Tại một doanh nghiệp chế biến bột mì ở VN - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong khi đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng vẫn phải theo quy định đã ban hành một năm trước.
Đề nghị đối thoại
Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch FFA, ngoài đề xuất tạm ngưng áp dụng thời gian thực hiện quy định của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), FFA đề nghị Bộ NN&PTNT đối thoại với doanh nghiệp (DN) để nghe ý kiến, sửa đổi quy định.
Bà Chi tái khẳng định các DN trong ngành lúa mì chỉ nhận được thông báo từ Chi cục kiểm dịch thực vật vùng I và vùng II (thuộc Cục BVTV) về tái xuất lô lúa mì chứa cỏ kế đồng (Cirsium arvense) từ ngày 5-9-2018. Hạn áp dụng 1-11 là quá gấp, bị buộc tái xuất sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn.
Bà Chi nhấn mạnh quy định sẽ ảnh hưởng đến nhiều DN thực phẩm, làm bánh mì, bánh ngọt, mì gói, thức ăn nhanh, thức ăn chăn nuôi...
Ông Lê Văn Vu, phó tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông, cho hay do đặc điểm thổ nhưỡng các nước khác nhau nên có những loại thực phẩm chỉ hợp với lúa mì ở một quốc gia nhất định. Lúa mì từ Mỹ khá rẻ nên nếu chuyển sang các nước khác DN sẽ phải tăng chi phí 20-30 USD/tấn, khiến khó cạnh tranh.
Hầu hết DN sản xuất, kinh doanh liên quan đến lúa mì đều cho biết việc VN yêu cầu các nước như Mỹ, Nga, Canada... "thiết kế" riêng một quy trình sản xuất cho nhà nhập khẩu VN khó được chấp nhận, vì họ đang bán đi khắp thế giới theo quy trình đã áp dụng lâu nay.
Tình trạng ở mức báo động
Trong khi đó, theo Cục BVTV, đã phát hiện hơn 1,2 triệu tấn lúa mì bị nhiễm cỏ Cirsium arvense trong gần 4 triệu tấn nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay. Đây là vấn đề nghiêm trọng.
Tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 01-163 năm 2014 đã xác định cây kế đồng (Cirsium arvense) là dịch hại kiểm dịch thực vật nhóm I của VN.
Ông Lê Sơn Hà, trưởng phòng kiểm dịch thực vật Cục BVTV, cho hay để đưa cỏ Cirsium arvense vào danh sách dịch hại cần kiểm dịch đã trải qua quá trình xem xét các bằng chứng khoa học. Nói Cục BVTV không có bằng chứng khoa học về việc gây hại là không chính xác.
Một cán bộ ngành BVTV cho hay theo quy định của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, những lô hàng nhập khẩu phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I sẽ buộc tiêu hủy. Cục BVTV chưa áp dụng là đang hỗ trợ DN.
"Ốc bươu vàng, cây mai dương là điển hình sinh vật ngoại lai gây hại. Chúng không phát triển trong vài ngày hay vài tháng, đến khi đủ số lượng sẽ bùng phát. Không kiểm soát chặt từ sớm, đến lúc nhận ra đã muộn", vị cán bộ này nói.
Cục BVTV cho biết đã phải tập trung toàn bộ nhân lực để đảm bảo quá trình vận chuyển, bốc dỡ, chế biến lúa mì không phát tán cỏ Cirsium arvense ra môi trường. Với tỉ lệ nhiễm Cirsium arvense ngày càng nhiều, ngành BVTV không đủ nhân lực.
Theo ông Lê Sơn Hà, trước khi ban hành công văn, Cục BVTV đã mời DN đến họp để phổ biến quy định mới. Vì vậy, việc áp dụng quy định tái xuất các lô hàng lúa mì có chứa hạt kế đồng sẽ thực hiện theo quy định.
Chuyên gia sinh học - nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng:
Cần nghiên cứu kỹ
Việc Cục BVTV có phương án đề phòng cỏ Cirsium arvense là cần thiết. Tuy nhiên, phải xem xét ở VN loại cỏ trên có phát triển được không.
Cây lúa mì được trồng thử ở Cao Bằng bị lép rất nhiều, trồng được mấy năm dân đã bỏ.
Loại cỏ trên đi theo cây lúa mì, nó phân tán nhưng chưa chắc gì đã phát triển được. Thực tế, tất cả các vùng ở VN nhập về đều không phát tán ra nên cần xem trong thực tiễn loại cỏ này có gây tác động đến sản xuất không.
Nếu chưa chứng minh được gây hại mà ra quyết định cấm ngay là không hợp lý. Cục BVTV cần tính toán lộ trình phù hợp...
CHÍ TUỆ ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận