Ông Hoàng Trung kết luận - Clip: TRẦN MẠNH
Ông Hoàng Trung cho biết, từ tháng 5-2018 đến nay cơ quan kiểm dịch thực đã phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ kế đồng trong tổng số hơn 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu về VN.
Đây là loại thực vật nằm trong nhóm đối tượng kiểm dịch của VN vì chưa có ở VN nhưng có khả năng gây ra nguy hiểm cho môi trường và canh tác nông nghiệp cũng như xuất khẩu nông sản.
Theo quy định, nếu phát hiện ra các lô hàng chứa loại cỏ này sẽ buộc phải tái xuất, thậm chí đề nghị Bộ NN&PTNT ngưng nhập khẩu lúa mì từ quốc gia có cỏ kế đồng.
TS Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật, cho biết cỏ kế đồng có nguồn gốc từ châu Âu nhưng đã lây lan ra khắp các châu lục có người ở và được nhiều quốc gia liệt kê vào loại cỏ nguy hại.
Các cơ quan chức năng của VN đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá trong 3 năm mới đưa loại cỏ này vào nhóm đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I. Theo quy định, các lô hàng nhập khẩu chứa đối tương thuộc nhóm này sẽ bị tái xuất mà không cần cảnh báo.
Tuy nhiên, để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu lúa mì phục vụ sản xuất kinh doanh cùng với việc các quốc gia xuất khẩu lúa mì có công văn đề nghị phối hợp xem xét giải quyết, Cục BVTV quyết định chưa thực hiện quy định tái xuất lúa mì nhiễm kế đồng từ ngày 1-11 tới như thông báo trước đây.
Thời hạn áp dụng quy định mới sẽ căn cứ vào kết quả làm việc của Cục BVTV với cơ quan chức năng các nước xuất khẩu và với doanh nghiệp để tìm ra phương pháp xử lý tốt nhất.
Trong trường hợp các bên không tìm được giải pháp thích hợp, Cục BVTV sẽ áp dụng biện pháp tái xuất như thông báo trước đây thậm chí đề nghị Bộ NN&PTNT tạm ngưng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng.
"Chúng tôi sẽ thông báo trước cho doanh nghiệp 1 tháng nếu áp dụng biện pháp tái xuất", ông Hoàng Trung cho hay.
Doanh nghiệp trao đổi với Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Hoàng Trung (trái) - Ảnh: TRẦN MẠNH
Các doanh nghiệp kinh doanh lúa mì tỏ ra rất vui mừng trước quyết định của Cục bảo vệ thực vật vì có thêm thời gian để đàm phán với các đối tác và tìm kiếm nguồn hàng thay thế. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho hay, đây là một kết quả rất đáng mừng cho các doanh nghiệp sau thời gian lo lắng thời gian qua.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cho biết kế hoạch kinh doanh của họ sẽ gặp khó thậm chí phải đóng cửa nhà máy nếu quy định tái xuất lúa mì được áp dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận