09/12/2005 06:05 GMT+7

"Đêm trước"đổi mới: Những thông điệp gửi đến Ba Đình

XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN
XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN

TT - Trong khi hàng rào cơ chế thủng ở nhiều nơi thì những tranh luận trên bàn tư tưởng vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng để chuyển những thông điệp trung thực từ cuộc sống đến các nhà hoạch định chính sách không chỉ cần dũng cảm mà cả nghệ thuật.

fEJJBnLM.jpgPhóng to

Các vị lãnh đạo cao cấp Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... dự Hội nghị Phước Long tổ chức tại Công ty Dệt Phước Long, TP.HCM. Ông Bùi Văn Long (nguyên tổng giám đốc Liên hiệp Dệt) ngồi bìa phải

TT - Trong khi hàng rào cơ chế thủng ở nhiều nơi thì những tranh luận trên bàn tư tưởng vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng để chuyển những thông điệp trung thực từ cuộc sống đến các nhà hoạch định chính sách không chỉ cần dũng cảm mà cả nghệ thuật.

Kỳ 1:"Đêm trước" đổi mới: Ký ức thời “sổ gạo”Kỳ 2: “Vòng kim cô”Kỳ 3: Khi chợ trời bị đánh sậpKỳ 4: Công phá “lũy tre”kỲ 5: Chiếc áo cơ chế mớiKỳ 6: Tưởng như xa xôi lắmKỳ 7: Từ chạy gạo đến phá cơ chế giáKỳ 8: Bù giá vào lương

“Thời trang” tư duy

Trước thềm Đại hội Đảng lần VI (1986), những câu hỏi, những quyết định mang tính xoay chuyển vận mệnh dân tộc vẫn chưa định hình rõ. Lãnh đạo TP.HCM nghĩ ra sáng kiến tổ chức một cuộc gặp cho các giám đốc doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ với các vị lãnh đạo cấp cao về cơ chế chính sách hiện thời.

Ông Lê Xuân Tùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nhớ lại cuộc gặp tổ chức ở Đà Lạt. Rất đông các giám đốc của TP.HCM có tư tưởng mới, có đấu tranh và có thành công đã có mặt. Họ được “bật đèn xanh” thoải mái giãi bày tâm huyết. Hàng trăm trái tim sục sôi muốn mở cửa, muốn thoát đói nghèo, lạc hậu, muốn bung khỏi cơ chế kìm nén… được dịp “thổn thức”.

Hàng trăm câu chuyện bi hài về lưu thông hàng hóa, giá cả, đồng lương... được giãi bày. Có giám đốc bật khóc giữa hội nghị khi đang phát biểu... “Mùi xét lại” đã trở thành bữa tiệc tư tưởng hân hoan và mới lạ.

Sau này có nhiều giai thoại về Hội nghị Đà Lạt nhưng nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định với chúng tôi rằng đây chỉ là một cuộc “báo cáo” đột xuất của các giám đốc quá bức xúc với các vị lãnh đạo cao cấp nhân chuyến nghỉ mát của các đồng chí lãnh đạo tại Đà Lạt. Nhưng những cuộc tranh thủ như thế cũng như đẩy sự xé rào ra công khai, đòi hỏi được thừa nhận.

XOJTlzMy.jpgPhóng to
Công nhân ngành dệt sắm vai người mẫu trình diễn thời trang tại Hội nghị Phước Long - Ảnh tư liệu của ông Bùi Văn Long
Thật ra bức thông điệp được đánh giá sâu sắc và hiệu quả nhất chính là từ Hội nghị Phước Long - TP.HCM hồi tháng 4-1984. Ông Bùi Văn Long, nguyên tổng giám đốc Liên hiệp Dệt VN, nói: năm 1984 khi làn sóng đổi mới lên cao, lãnh đạo TP.HCM là đồng chí Võ Văn Kiệt rất muốn làm sao để chuyển đến các vị lãnh đạo cao nhất tình hình thực tiễn. Ông bàn với Liên hiệp Dệt mở một hội nghị cho các DN đăng đàn và mời các vị lãnh đạo trung ương về nghe. Lúc đó toàn ngành dệt đang rùng rùng chuyển động.

Kế hoạch hội nghị gồm: phần “lễ” dành để các giám đốc nói về khó khăn vướng mắc trong cơ chế bao cấp, những động cơ, những kết quả xé rào..., tóm lại bộc bạch tất cả những gì trăn trở, thậm chí những oan trái khi bị nghi ngờ lòng trung thành với Đảng, với chế độ. Tiếp đến là những kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách...

Phần “hội” thì ngoài các gian hàng trưng bày sản phẩm mới (do xé rào mà có!) là mục trình diễn thời trang. Đây có lẽ là chương trình thời trang đầu tiên của VN. Chính anh chị em công nhân ngành dệt may trình diễn những tác phẩm của mình làm ra dưới ánh sáng cơ chế mới. Đó là quần âu, áo sơmi, blouson.

Hội nghị tổ chức tại khuôn viên Công ty Dệt Phước Long, thời gian dự kiến hai ngày. Khách mời gồm lãnh đạo, đại diện các ban ngành của thành phố, hơn 20 giám đốc các công ty trong và ngoài ngành dệt, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, chủ tịch, bí thư các tỉnh thành khác và các vị lãnh đạo cao cấp.

Các bậc “cây đa, cây đề” Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh... đã về dự cùng hơn 200 đại biểu là các thành phần nêu trên đã có mặt. Tổng giám đốc Bùi Văn Long là người đầu tiên đứng lên báo cáo về tình hình dệt may cả nước và chủ động nói bốn vấn đề xé rào của mình.

Thứ nhất là kế hoạch sản xuất phải căn cứ vào thực lực doanh nghiệp và tình hình thị trường. Phải do doanh nghiệp tự đặt ra chứ không nên là chỉ tiêu cấp trên giao xuống một cách quan liêu. Thứ hai, doanh nghiệp tự lo nguyên liệu đầu vào thì doanh nghiệp tự bán sản phẩm theo giá thị trường chứ không thể bán cho thương nghiệp theo giá qui định thấp hơn giá thành được.

Một đại biểu chất vấn tại sao doanh nghiệp của ông Long có hai sổ hạch toán tài chính. Ông Long nói: tôi có hai sổ vì một sổ hợp pháp (thu chi các sản phẩm đầu vào đầu ra theo giá nhà nước) nhưng không hợp lý và một sổ hợp lý thì không hợp pháp (thu chi theo giá thật trên thị trường). Sổ hợp pháp để báo cáo cấp trên. Sổ hợp lý để điều hành doanh nghiệp. Ví dụ tôi mua một cây tre về đóng cọc cho công ty.

Người ta bán 1,5 đồng/chiếc trở lên nhưng Ủy ban Vật giá chỉ cho phép chi 1 đồng. Tôi đành nói anh em mua một cây tre, chặt ra làm đôi tính hai gốc để vào sổ cho hợp pháp. Phần tiếp theo là lương cán bộ công nhân. Nhà nước phải trả lương để công nhân đủ khả năng tái tạo sức lao động. Không thể cào bằng.

Lương phải tính theo sản phẩm. Không cần tem phiếu nữa… Buổi sáng đi qua rất nhanh. Buổi chiều hàng loạt doanh nghiệp khác phát biểu. Hết một ngày, hai rồi ba ngày, các đồng chí lãnh đạo vẫn muốn nghe thêm hỏi thêm. Nhiều đồng chí xuống hàng ghế của anh em cán bộ, công nhân hỏi han từ lương bổng, ăn uống, con cái học hành, đi lại, chế độ sức khỏe...

Nắng đầu mùa gay gắt, hội nghị tổ chức giữa sân. Ngay cả hàng chủ tọa cũng rất oi bức nhưng ai cũng chăm chú, hăng say cả nghe lẫn hỏi và nói. Hội nghị Phước Long kéo dài quá một ngày so với kế hoạch. Những cái bắt tay, vỗ vai và ánh mắt đầy khích lệ của các vị lãnh đạo trung ương khiến những người tổ chức hội nghị hiểu rằng kinh tế đất nước không còn bao lâu nữa sẽ sang trang.

Cảm khái, ông Long viết một bài thơ mà hơn 20 năm sau ông còn nhớ:

“Thành Công (Dệt Thành Công) đổi mới đi đầuPhá rào bao cấp trên đâu có ngờ.Thành Công dệt được bài thơĐón cờ khen thưởng đó là chứng minhViệc làm có lý có tìnhCó trên có dưới có mình có ta”Lá bùa hộ mệnh

Thật ra, theo phân tích của nhiều chuyên gia am hiểu tình hình hậu trường, sự chuyển biến trong tư duy kinh tế ở cấp cao bắt đầu thể hiện rõ từ Hội nghị trung ương 6 khóa IV (9-1979). Chương trình nghị sự của trung ương dự định bàn về sản xuất hàng tiêu dùng.

Nhưng ngay trong buổi họp đầu tiên các địa phương đều nêu lên những ách tắc về cơ chế. Và trong khi trung ương đang họp thì thông tin từ các địa phương dội về rằng “hàng rào cơ chế ở nhiều địa phương đã bị vi phạm”.

Giá lúa nghĩa vụ do Nhà nước ấn định 0,52 đồng, nhưng TP.HCM rồi ĐBSCL đã tự động mua bán với giá gấp gần năm lần (2,5 đồng). Một số nơi công nhân “tự cứu trước khi trời cứu” bằng cách sản xuất để tự nuôi lấy mình, không nộp sản phẩm cho Nhà nước. Tệ hơn có xí nghiệp đóng cửa luôn vì không thể làm ăn gì được nữa.

Tình hình này buộc hội nghị trung ương “xé rào” chương trình nghị sự, chuyển sang bàn cơ chế kinh tế. Kết quả là trung ương cho ra được hai nghị quyết đột phá (một về sản xuất hàng tiêu dùng, một về sửa đổi cơ chế kinh tế) cho phép “bung ra” và “cởi trói” sản xuất. Các ủy viên trung ương mang nghị quyết trở về địa phương như là “lá bùa hộ mệnh” để xử lý những vấn đề bức xúc tồn đọng lâu nay.

Hội nghị Trung ương 6 như là cú hích dẫn tới hàng loạt sự đột phá trong đời sống kinh tế. Rồi đến lượt nó, những đột phá trong đời sống lại tạo ra cả nhu cầu lẫn khả năng đột phá tiếp về cơ chế. Cuộc chuyển biến này về tư duy kinh tế như là câu trả lời cho những ai đang ngần ngại: mở cửa, bung ra, cởi trói là nguy hiểm, làm mất CNXH, mà ngược lại cứu nguy cho nền kinh tế đất nước và cho đời sống nhân dân.

Hầu hết những người tổ chức xé rào, đi ngược lại chủ trương đều từng là những người xông pha nơi chiến trường. Trên mặt trận kinh tế, họ tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp chung. Cuộc đấu tranh trong hàng ngũ đồng chí phải chấp nhận những hi sinh không mộ chí.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc bị phê phán dám áp dụng khoán trong nông nghiệp. Anh đội trưởng đội sản xuất Đoàn Xá (Đồ Sơn, Hải Phòng) bị gọi lên huyện rồi được “mời” thẳng vào nhà giam vì tội “phá” HTX. “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn (Hà Nội) bị bắt và tịch thu tài sản, công xưởng vì tội “bóc lột”.

Số phận những nhân vật đó rất chênh vênh bởi không ít người có thế lực đã công khai tuyên bố “tội trạng” phá nguyên tắc, chống chủ trương của những công dân, đảng viên, cán bộ hay giám đốc doanh nghiệp “xé rào”.

Ông Long “calo” (nguyên tổng giám đốc Liên hiệp Dệt VN), ông Thụy “thuốc lá” (giám đốc công ty thuốc lá), ông Lộc “viso” (giám đốc công ty bột giặt)… luôn phập phồng bởi liên tục có tin đồn người này bị bắt, người kia bị kỷ luật.

Không phải không có những người bỏ cuộc. Nhiều người phải đấu tranh tư tưởng không phải trước khó khăn, nguy hiểm mà trước sự khóc lóc, can ngăn của... vợ con, thậm chí ngay cả những người cương quyết nhất cũng có những giây phút nao núng... Nhưng rồi lửa cách mạng và tinh thần đấu tranh trong sáng của họ chính là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Ba Đình.

XUÂN TRUNG - QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên