15/03/2016 07:49 GMT+7

Đêm trước ngày 14-3

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi

TT - Cất cẩn thận mật lệnh của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương, tôi truyền đạt cho các sĩ quan biết chuẩn bị hành quân đến đảo Cô Lin ngay.

Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương (dẫn đầu) - ông là người đã cống hiến hết lòng vì chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa - Ảnh: Q.V. chụp lại tư liệu Bảo tàng Hải quân

 

Toàn tàu được phát lệnh nhổ neo, rời đảo Đá Lớn, bãi san hô tuyệt đẹp của Tổ quốc mà chúng tôi đã trải qua gần 30 ngày trấn giữ đầy kỷ niệm trước sự đe dọa của những họng súng xâm lược.

Ai có nhiệm vụ trên chiếc hải vận hạm HQ-505 đã sẵn sàng. Người ở lại tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo, chào tạm biệt đồng đội với lời chúc hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khẩn cấp đến Cô Lin

Động cơ cũ kỹ của chiếc tàu vận tải đã 44 năm ngang dọc trên biển, lớn hơn cả tuổi tôi, rền lên. Mũi tàu chếch dần về phía đảo Cô Lin. Ngày 13-3-1988, sóng gió Biển Đông vẫn quăng quật dữ dội.

Nhưng thứ làm chúng tôi tập trung quan tâm chính là những chiến hạm Trung Quốc liên tục có hành vi ngăn cản thô bạo, phá rối hải trình hành quân của chúng tôi.

Thậm chí có lúc chiếc chiến hạm màu xám xịt mang số hiệu 502 của Trung Quốc còn ngang ngược dừng máy, cho thả trôi trước mũi tàu HQ-505. Một vài chiến sĩ trẻ có vẻ nôn nóng, bức xúc.

Tôi nói: “Mọi người bình tĩnh. Chúng ta cứ hành động theo đúng luật hàng hải quốc tế, mặc kệ bọn gây rối”. Tôi lệnh cho sĩ quan phòng lái kéo còi yêu cầu tàu đối phương phải tránh và vẫn kiên quyết giữ đúng tốc độ, phương hướng hành trình của mình.

Tuy không phải là tàu chiến được vũ trang hỏa lực chiến đấu đối hải, nhưng hải vận hạm của chúng tôi cũng là một con tàu lớn với khung thép rất kiên cố để chở được cả nhiều xe tăng đổ bộ.

Nếu xảy ra đâm va trực tiếp, chắc chắn những chiến hạm của Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề, thậm chí có thể phải chìm trước chúng tôi.

Thấy chiếc HQ-505 cứ kiên quyết lao thẳng đến, tàu chiến đối phương đành phải nổ máy, chếch mũi chạy ra hướng khác. Biết không thể đe dọa được chúng tôi, các tàu Trung Quốc quay sang cản phá chiếc HQ-604 do đại úy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy.

Trên tàu lúc ấy còn có mặt trung tá Trần Đức Thông, lữ đoàn phó, tham mưu trưởng lữ đoàn 146, người có cấp bậc cao nhất trong chuyến hành quân đến Gạc Ma. Qua ống nhòm, tôi quan sát rõ các anh cũng rất bình tĩnh, kiên quyết.

Mặc dù yếu thế hơn tàu chiến Trung Quốc rất nhiều vì chỉ là tàu vận tải nhỏ cũ, nhưng chiếc HQ-604 vẫn vừa giữ đúng tốc độ, phương hướng hải trình và kéo còi hiệu hàng hải dứt khoát buộc tàu Trung Quốc phải thoái lui tránh đường...

Vừa hành trình, vừa đối phó thành công trước sự cản phá của tàu chiến Trung Quốc, khoảng 16g30 chúng tôi đã có mặt ở Cô Lin. Theo đúng yêu cầu của mật lệnh, tôi điện về Sở chỉ huy trong đất liền báo cáo tình hình.

Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương trả lời chúc mừng và dặn hành động đúng như kế hoạch. Tôi cho lệnh thả neo tàu cách bãi san hô phía nam Cô Lin khoảng 200m.

Nhìn qua ống nhòm tôi thấy rõ chiếc tàu đồng đội HQ-604 cũng đã thả neo ở Gạc Ma. Bao quanh chúng tôi, các chiến hạm Trung Quốc vẫn đang lảng vảng, theo dõi...

Mây đen vần vũ kéo đến làm nắng chiều tháng 3 xuống nhanh thành ráng đỏ phía chân trời. Gió mùa đông bắc vẫn lồng lộng thổi mạnh. Anh em ăn vội bữa cơm chiều. Bữa ăn chỉ có một ít cá khô và thau nước muối nêm mì chính làm canh, nhưng ai cũng thấy ngon miệng.

Trong lúc mọi người đang ăn cơm thì chiếc chiến hạm 502 của Trung Quốc đã cản phá chúng tôi trên hải trình từ đảo Đá Lớn sang đây lại lù lù xuất hiện.

Nó rền máy, chạy quan sát một vòng quanh, nhả khói đen khét lẹt, rồi ngang ngược thả trôi chỉ cách đuôi tàu phía sau chúng tôi khoảng 50m, một khoảng cách cực kỳ nguy hiểm trong điều kiện sóng to gió lớn.

Lầm lì theo dõi chiếc HQ-505 treo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam khoảng nửa giờ, rồi thấy chúng tôi vẫn bình thản với công việc của mình, chiến hạm Trung Quốc rền máy, quay mũi chạy sang hướng Gạc Ma. Nó tiếp tục hành động thô bạo, phá rối chiếc HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ.

Đến khoảng 18g, từ phòng chỉ huy tôi lại thấy xuất hiện thêm hai chiến hạm Trung Quốc lố nhố bóng thủy quân cùng một sà lan tự hành áp vào Gạc Ma.

Cựu chiến binh trở lại thăm Cô Lin vẫn vững vàng dưới ngọn cờ Tổ quốc - Ảnh: Quốc Việt

Đêm căng thẳng

Tôi triệu tập ban chỉ huy tàu họp phân tích âm mưu xâm lược thâm hiểm của đối phương và nhận định:

“Trong đêm nay hoặc sáng mai, hải quân Trung Quốc sẽ lên chiếm đảo của chúng ta. Ngay khi thủy triều xuống ở mức thấp nhất đêm nay, chúng ta phải hạ xuồng, lên đảo, dùng cuốc chim và xà beng đào lỗ cắm cờ khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ở vị trí cao nhất”.

Các sĩ quan dự họp đều khẳng định dù bằng giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng này trước khi đối phương ra tay xâm lược.

Đã từng chỉ huy tàu vận tải đến Cô Lin, tôi hiểu muốn hoàn thành nhiệm vụ cắm quốc kỳ phải chọn đúng thời điểm thích hợp.

Đảo đá Cô Lin nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý về phía tây nam, cách Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía tây bắc và cách Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía tây nam. Nhìn từ trên cao, Cô Lin có dạng như một hình tam giác hơi cong với mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý...

Vào thời điểm nào trong ngày, tàu chúng tôi cũng chỉ có thể neo được ở vùng biển sâu gần thềm san hô, việc lên đảo phải nhờ đến xuồng đổ bộ nhỏ.

Các công việc cần thiết được từng bộ phận trên tàu chuẩn bị khẩn trương. Tôi cử một tổ đặc biệt gồm bảy sĩ quan, chiến sĩ đảm trách nhiệm vụ đổ bộ cắm cờ trên đảo trong đêm.

Đại úy, chính trị viên Võ Tá Du chỉ huy. Trong tổ còn có trưởng ngành hàng hải Phạm Xuân Điệp, trưởng ngành pháo Phạm Văn Hưng. Họ đều còn trẻ nhưng đã dày dạn kinh nghiệm đi biển và sức khỏe cũng rất tốt.

Điện về Sở chỉ huy trong đất liền, tôi báo cáo toàn bộ hoạt động của tàu Trung Quốc và nhận định của tôi về khả năng họ sẽ đưa người lên chiếm đoạt đảo. Đặc biệt, tôi cũng báo cáo kế hoạch cắm cờ chủ quyền nhanh chóng ngay trong đêm.

Để đảm bảo bí mật, tôi giao cho sĩ quan cơ yếu mã dịch. Tuy nhiên, khoảng một giờ sau, thượng úy Nguyễn Duy Hòa, trưởng ngành thông tin tàu HQ-505, chạy lên báo cáo với tôi rằng đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không bắt liên lạc được Sở chỉ huy.

Chiến hạm Trung Quốc đã gây nhiễu, phá sóng liên lạc của chúng tôi. Từ Đá Lớn sang Cô Lin, nhiều lần đã bị phá sóng như thế.

Tình hình nóng bỏng nhưng cũng không ngoài dự báo về diễn biến phía đối phương. Tôi lệnh cho sĩ quan báo vụ mở máy trực liên tục theo phương án 1. Máy rađa cũng mỗi tiếng mở một lần để theo dõi các mục tiêu Trung Quốc trên biển.

Anh em chỉ huy không ai có thể chợp mắt. Tất cả đều thức trắng đêm để theo dõi tình hình và chờ bắt liên lạc với đất liền.

Bất ngờ đến khoảng 1g ngày 14-3-1988, sĩ quan trưởng thông tin vội vã báo cáo với tôi đã bắt liên lạc được với Sở chỉ huy.

Mọi người thở ra, nhận điện: Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương nhất trí như nhận định và phương án của đồng chí Lễ, hãy cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, chủ động xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Tôi ra lệnh hạ xuồng đổ bộ lên đảo cắm cờ. Tất cả sẵn sàng dù có phải hi sinh đến người cuối cùng cho Tổ quốc mình...

_________

Kỳ tới: Ngày bi tráng

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Trường Sa 14-3 - Những hồi ức bi hùng

>> Kỳ 2: 30 ngày trấn giữ đảo Đá Lớn

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên