13/03/2016 11:16 GMT+7

Trường Sa 14-3 - Những hồi ức bi hùng

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi

TT - “Máu xương đồng đội tôi đang còn nằm dưới đáy biển sâu ấy để nhắc nhớ thế hệ sau không một giây phút được lãng quên tấc đất, tấc biển của cha ông”.

28 năm đã trôi qua, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn ứa nước mắt xúc động khi nhớ lại những ngày vệ quốc bi tráng ở Trường Sa - Ảnh: Quốc Việt
28 năm đã trôi qua, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn ứa nước mắt xúc động khi nhớ lại những ngày vệ quốc bi tráng ở Trường Sa - Ảnh: Quốc Việt

 

>> Kỳ 1: Hải trình sóng gió

Nhắc nhớ những ngày bi tráng tháng 3-1988 ở Trường Sa, đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 đã kiên cường trấn giữ thành công đảo Cô Lin trước họng súng xâm lược, vẫn đanh giọng.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Mậu Thìn 1988. Đồng bào trên bờ đã chuẩn bị đón xuân. Vợ con chiến sĩ cũng khấp khởi đợi mong bóng chồng, cha mình trở về. Nhưng lực lượng hải quân chúng tôi lại đang trong tình hình hết sức căng thẳng vì diễn biến ngày càng nóng bỏng ở Biển Đông.

Một lần nữa Tổ quốc lại bị quấy phá, rình rập xâm lược. Những người lính biển chúng tôi phải siết chặt tay súng, gác nỗi niềm gia đình, sẵn sàng đổ máu vệ quốc...

Xuất phát ngày cuối năm

Ngày 13-2-1988, đúng 27 tháng chạp, chúng tôi được lệnh xuất phát ra Biển Đông từ vịnh Cam Ranh. Tình hình căng như thùng thuốc súng sắp nổ. Bằng mọi giá chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trong chiến dịch CQ-88.

Nhiều anh em tình nguyện hủy phép tết. Tôi lo các chiến sĩ trẻ buồn, nhưng mọi người đều hăng hái ở lại nhận nhiệm vụ.

Giờ lên đường...

Tôi cho lệnh rúc mấy hồi còi tàu tạm biệt đất liền thay lời hứa tất cả sẵn sàng vì Tổ quốc. Mũi tàu rẽ sóng vượt vịnh Cam Ranh, hướng ra phía Mặt trời mọc. Nhiều chiến sĩ trẻ ngoái lại nhìn đất liền lần cuối...

Chiếc hải vận hạm này do tôi làm thuyền trưởng có nguồn gốc từ hải quân Việt Nam Cộng hòa, được tiếp quản sau tháng 4-1975. Loại tàu quân sự hạng trung chuyên dụng đổ bộ xe tăng và thủy quân lục chiến của Mỹ trong Thế chiến thứ 2.

Nó thuộc lớp tàu LST-491 được khởi đóng tại Mỹ vào đầu tháng 10-1943, đã tham chiến trận đổ bộ lịch sử của quân đồng minh vào bờ biển Normandie, Pháp giữa năm 1944.

Thế chiến kết thúc, chiếc hải vận hạm được đổi tên thành USS Bulloch County mang số hiệu LST-509. Đến năm 1970, nó được chuyển giao cho hải quân Việt Nam Cộng hòa với tên gọi mới là dương vận hạm Quy Nhơn, số hiệu HQ-504.

Sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa đầu năm 1974, chiếc tàu này được sử dụng chuyên chở vật liệu, binh sĩ ra xây dựng căn cứ bảo vệ quần đảo Trường Sa cùng chiếc khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-04.

Sau bước ngoặt lịch sử chiến tranh kết thúc năm 1975, con tàu thuộc lực lượng hải quân Việt Nam và có tên mới là HQ-505.

Tuy chỉ tiếp quản tàu, nhưng tôi đã có thời gian làm quen với tàu. Trong thời gian giúp đỡ nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ, HQ-505 thuộc hạm đội 171, chở chiến sĩ, vũ khí đổ bộ lên chiến trường nước bạn.

Năm 1981, tàu được biên chế về lữ đoàn 125 hải quân. Là thuyền trưởng tàu vận tải này, tôi cùng đồng đội đã nhiều chuyến ngang dọc xây dựng, bảo vệ Biển Đông, kể cả chở gạo miền Nam ra Bắc, vật tư xây dựng công trình thủy điện Trị An...

Thời tiết đầu năm 1988 thất thường. Gió mùa đông bắc lúc lặng lúc thổi dữ dội. Trong chuyến hải trình đặc biệt ra Trường Sa này, ngoài 40 chiến sĩ hải quân, hàng hải trên tàu còn chở thêm 60 chiến sĩ ngành công binh ra xây dựng đảo.

Đặc biệt, tàu còn kéo theo chiếc LCU 556 và pôngtông Đ02 chở vật tư xây dựng đảo.

Lẽ ra chiếc tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCU có thể tự hành, nhưng cấp trên chỉ thị cho tôi sử dụng HQ-505 phối hợp kéo luôn để tiết kiệm xăng dầu trong hoàn cảnh đất nước đang cực kỳ khan hiếm nhiên liệu phục vụ dân sự lẫn quốc phòng.

Bình thường, chúng tôi chỉ đi khoảng hai ngày một đêm để vượt mấy trăm hải lý ra đảo Đá Lớn, nhưng chuyến đi này mất ròng rã đến năm ngày trong điều kiện sóng to gió lớn và phải chở, kéo nặng.

Đến thời điểm 1988, chiếc HQ-505 cũng tròn 44 tuổi hoạt động trên biển và trải qua mấy cuộc chiến lớn nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Hải quân đã cố gắng bảo trì, duy tu tàu trong điều kiện không có phụ tùng phù hợp thay thế. Tôi và đồng đội trực tiếp vận hành con tàu cũng phải cố gắng bảo quản kéo dài tuổi thọ máy móc, thiết bị để tàu hoạt động ở mức ổn định nhất có thể.

Tàu vận tải HQ-505 tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền Trường Sa - Ảnh: Q.V. chụp lại tư liệu
Tàu vận tải HQ-505 tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền Trường Sa - Ảnh: Q.V. chụp lại tư liệu

Vượt sóng gió

Với những hải trình sóng gió bình thường, chiếc hải vận hạm dài 100m, rộng 15m, gần 4.000 tấn toàn tải này là một trong những phương tiện chuyên chở hải quân tốt nhất bấy giờ. Nhưng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt gió mùa đông bắc, lại phải kéo chiếc LCU, nó vẫn chao đảo dữ dội.

Nhiều chiến sĩ công binh trẻ chưa kinh nghiệm đi biển bị say sóng, ói mật xanh mật vàng. Tôi phải chỉ cách bấm huyệt, giảm mức độ say sóng và khích lệ anh em ca hát, quên đi sóng gió... Tổ bếp cũng tích cực nấu thêm cháo phục vụ anh em không nuốt cơm nổi.

Mọi người đều hiểu trách nhiệm phía trước rất nặng nề và thiêng liêng. Tất cả phải bảo đảm sức khỏe, sẵn sàng vì Tổ quốc đang bị lăm le xâm lược.

Trong chuyến hành quân đặc biệt này tôi là người lớn tuổi nhất. Tôi sinh sau cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 lịch sử của dân tộc đúng một năm, ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 2 đầu năm 1988, tôi được 23 năm 5 tháng trong quân ngũ.

Những lúc nghỉ ngơi, nhiều chiến sĩ trẻ cứ tếu táo gọi tôi là “bố” mặc dù lúc ấy con tôi mới đi học lớp 8. Trên tàu ngoài tôi là thiếu tá thuyền trưởng còn có đại úy Võ Tá Du làm chính trị viên, đại úy thuyền phó 1 Đậu Anh Tư, đại úy thuyền phó 2 Nguyễn Huy Cường...

Suốt năm ngày ròng rã tiến ra đảo Đá Lớn, tôi hiếm khi rời phòng lái. Ai cũng căng mắt quan sát mặt biển, đề phòng phía Trung Quốc quấy rối. Sau khi xâm lược Hoàng Sa năm 1974, nước này bắt đầu nhòm ngó đến quần đảo Trường Sa.

Năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Trường Sa, đối phương cũng cho tàu chiến giả trang đến theo dõi nhưng chưa dám làm gì. Sau khi bất ngờ xua quân đánh phá biên giới phía Bắc, họ gia tăng xâm nhập xuống quần đảo Trường Sa.

Đến những năm 1986, 1987, tình hình ngày càng nóng lên. Từ những con tàu giả trang lén lút ẩn hiện, chiến hạm Trung Quốc công khai lộ rõ mặt đe đọa, hung hãn cản phá hoạt động bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Trường Sa.

Là những người lính từng đi qua chiến cuộc vệ quốc, chúng tôi hiểu đạn đã lên nòng súng quân xâm lược. Tôi bảo với đồng đội: “Nếu phải hi sinh đến người cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc, tất cả chúng ta vẫn sẵn sàng”. Anh em đồng thanh hô to: “Sẵn sàng, sẵn sàng”...

Lòng tham của Trung Quốc ngày càng lộ rõ theo quá trình Việt Nam thăm dò dầu khí thuộc chủ quyền của mình. Năm 1974, chính quyền Sài Gòn khởi động thăm dò dầu khí, họ liền ra tay xâm lược Hoàng Sa.

Khi chúng tôi tiếp tục nỗ lực khai thác dầu khí, Trung Quốc cũng gia tăng áp lực xâm chiếm Trường Sa và vùng biển phía dưới.

Nhiều đợt chúng tôi lắp đặt giàn khoan, tàu chiến Trung Quốc vây quanh nhưng không làm gì được trước thái độ đúng mực và kiên quyết của người Việt Nam trên thềm lục địa chủ quyền của mình. 

Ông NGÔ THƯỜNG SAN
(nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí VN)

_________

Kỳ tới: 30 ngày trấn giữ đảo Đá Lớn

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên