06/11/2015 08:40 GMT+7

Đề xuất trại Davis (Tân Sơn Nhất) là di tích cấp quốc gia

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Trại Davis (nằm ở góc tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, phía tây nhà ga sân bay, P.12, Q.Tân Bình) được đề xuất công nhận là di tích cấp quốc gia.

Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) được đánh giá là xây dựng theo kỹ thuật phương Tây nhưng giữ được nét mỹ thuật phương Đông - Ảnh: T.T.D.
Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) được đánh giá là xây dựng theo kỹ thuật phương Tây nhưng giữ được nét mỹ thuật phương Đông - Ảnh: T.T.D.

Theo tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, Hội đồng xét duyệt di tích TP vừa thông qua đề xuất công nhận năm di tích mới trên địa bàn TP.HCM, bao gồm trại Davis, chợ Bình Tây, đình Tân Sơn Nhì, đình Tân Thông và chùa Pháp Hoa.

Theo ông Trương Kim Quân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, trong loạt năm di tích lần này chỉ có chợ Bình Tây là di tích kiến trúc nghệ thuật, bốn di tích còn lại là di tích lịch sử.

Chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, Q.6) được khởi công xây dựng từ năm 1927 đến 1929 mới hoàn thành. Công trình được đánh giá là xây dựng theo kỹ thuật phương Tây nhưng giữ được nét mỹ thuật phương Đông.

Ông Quân cho biết thêm trong quá trình lập hồ sơ di tích còn phát hiện chợ Bình Tây có những nét hoa văn, họa tiết theo phong cách nghệ thuật Chăm. Để xét công nhận chợ Bình Tây là di tích kiến trúc nghệ thuật, hội đồng xét duyệt còn ghi nhận nơi đây là đầu mối giao thương giữa TP.HCM và các vùng lân cận và là nơi tập trung nhiều mặt hàng, sản phẩm của cộng đồng người Hoa và người dân TP.HCM.

Ba di tích lịch sử còn lại đều gắn với các thời kỳ lịch sử của TP.HCM. Đình Tân Thông (ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) có từ những năm giữa thế kỷ 19.

Đình là nơi lưu giữ những giá trị thiết chế văn hóa làng xã truyền thống của người Việt thời kỳ đi mở đất lập thôn, và là địa điểm gắn với các phong trào cách mạng của địa phương và TP, đặc biệt là phong trào Thiên Địa Hội (1913 - 1916) do ông Phan Xích Long lãnh đạo.

Đình Tân Sơn Nhì (còn có tên là đình Bà Quẹo, tọa lạc tại số 207 đường Tân Kỳ - Tân Quý, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) được xây dựng từ năm 1852, hiện còn giữ được cấu trúc tổng thể của ngôi đình Nam bộ: cổng tam quan, bia thần hổ, thần nông, võ ca, chánh điện và hậu sở...

Đây là nơi diễn ra liên tục phong trào của các sĩ phu yêu nước, là cơ sở hoạt động của chi bộ xã Tân Sơn Nhì, góp phần vào thành tích chung của xã Tân Sơn Nhì - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chùa Pháp Hoa (229/24B đường Thích Quảng Đức, P.4, Q.Phú Nhuận) được xem là di tích lịch sử bởi nơi đây có căn hầm bí mật được xây dựng từ năm 1945 để nuôi giấu cán bộ cách mạng, có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền thần từ những ngày đại tang của đất nước (tháng 9-1969).

Đặc biệt nơi đây còn có ngôi mộ của nhà sư - chiến sĩ Thiện Chiếu và còn có nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ Quyết tử biệt động thuộc đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Hiện tại, năm di tích này đều được khoanh vùng bảo vệ.

Tầm quan trọng của di tích trại Davis được quan tâm từ nhiều năm trước. Địa điểm trại Davis là trụ sở của phái đoàn Liên hợp quân sự bốn bên trung ương, đồng thời là trụ sở của hai phái đoàn quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thời gian thi hành Hiệp định Paris (từ ngày 28-1-1973 đến 30-4-1975). Bộ Quốc phòng, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao đều thống nhất đề nghị trại Davis là di tích lịch sử cấp quốc gia.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên