18/01/2006 14:48 GMT+7

Di tích Làng Cả: Những phát hiện mới

PGS-TS TRỊNH SINH (Báo Lao động)
PGS-TS TRỊNH SINH (Báo Lao động)

Cuộc khai quật Làng Cả vừa kết thúc sau hai tháng. 22 mộ táng thuộc thời kỳ Hùng Vương lại được phát hiện đã khẳng định tại đây là một trung tâm chính trị kinh tế lớn bậc nhất của nước ta thời dựng nước.

EJNuexVR.jpgPhóng to

Quang cảnh khai quật hố khai quật 20 và 21 Làng Cả

Cuộc khai quật Làng Cả vừa kết thúc sau hai tháng. 22 mộ táng thuộc thời kỳ Hùng Vương lại được phát hiện đã khẳng định tại đây là một trung tâm chính trị kinh tế lớn bậc nhất của nước ta thời dựng nước.

Làng Cả thuộc địa phận của phường Thọ Sơn, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là di tích khảo cổ nổi tiếng trong giới khoa học trong và ngoài nước. Nằm giữa một khu vực "đất thiêng" mà những huyền thoại, truyền thuyết và thư tịch cổ đan xen dày đặc và đều nói đến một kinh đô Văn Lang xưa ở chính khu vực này. Nơi đây vào năm 1976 và 1977 đã có những cuộc khai quật lớn, tìm được 314 mộ táng và 307 hiện vật, có nhiều hiện vật giá trị của văn hoá Đông Sơn.

Vì thế, đợt khai quật cuối năm 2005 của Bảo tàng Phú Thọ và Viện Khảo cổ học Việt Nam được lãnh đạo tỉnh, quản lý văn hoá và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh hết sức quan tâm. Trong đợt khai quật này, các nhà khoa học đã khai quật và đào thám sát 24 hố với diện tích khác nhau.

Trong đó, đáng chú ý là hố khai quật số 20 và hố khai quật số 21, đều ở khu vực nằm giữa tường Nhà máy mì chính Miwon và đường sắt, tức là ở khu vực phía tây bắc quả gò xưa kia. Hố khai quật 20 có diện tích là 87m2, đã phát hiện ra 10 mộ táng đều là loại mộ đất thuộc thời đại kim khí. Không tìm được biên mộ. Đồ tuỳ táng đều là đồ gốm của văn hoá Đông Sơn, không có đồ đá và đồ đồng.

Đáng lưu ý là mộ 5 và mộ 8 đều có đồ gốm, có thể là vò có kích thước lớn. Địa tầng của hố khai quật cho thấy nơi đây gần với đỉnh gò xưa nên các lớp đất thoải dần từ phía đông sang tây và có cả dấu tích cư trú. Hố khai quật 21 có diện tích là 39m2, đã phát hiện ra 10 mộ táng, trong đó có 7 mộ táng thuộc thời đại kim khí và 3 mộ táng thuộc thời phong kiến. Không tìm được biên mộ.

Đáng chú ý trong 7 mộ táng thời đại kim khí của hố này đều là mộ đất và có đồ tùy táng là đồ gốm. Mộ số 3 là mộ có hiện tượng rải gốm hai bên thân người chết. Mộ số 8 có đồ tuỳ táng là 1 khuyên tai đá và 3 chiếc giáo bằng đồng. Mộ thời phong kiến có 3 mộ đều có đồ tuỳ táng là sành và sứ, có loại là bát đĩa có trôn nâu, một trong những đặc trưng đồ gốm thời Trần. Các nhà khảo cổ cũng đào ở khu vực trong vườn bạch đàn, tìm được 2 mộ táng thời đại kim khí, có gốm thô và một số mảnh đinh đồng là hiện vật dùng để đóng quan tài.

Cũng trong đợt khai quật này, ở khu vực nhà dân ở phía tây của quả gò xưa, các nhà khoa học còn đào được 1 ngôi mộ thời Bắc thuộc, phát lộ một cấu trúc mộ gạch, có khả năng là kiến trúc "mộ đạo" tức lối vào mộ với vật liệu xây dựng là những viên gạch có hình ô trám lồng. Ngôi mộ gạch này có cấu trúc khá đồ sộ mà phần lớn còn nằm trong lòng đất và đang trong phạm vi địa giới của nhà dân, vì thế chưa có điều kiện khai quật tiếp. Cuộc khai quật Làng Cả năm 2005 đang trong giai đoạn chỉnh lý các hiện vật đào được, nhưng bước đầu có thể nhận định như sau:

1- Cuộc khai quật đã cung cấp thêm tư liệu khoa học quý báu từ 22 mộ táng thời đại kim khí, có niên đại tương đương với các mộ táng cùng thời của các cuộc khai quật trước đây, có thể từ nửa cuối thế kỷ thứ tư đến nửa cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, thuộc văn hoá Đông Sơn và nằm trong phạm trù nghiên cứu thời đại dựng nước của các vua Hùng.

Bên cạnh khu mộ táng lớn, Làng Cả còn có dấu vết cư trú của người thời Đông Sơn. Đợt khai quật này còn tìm được 3 mộ táng thời đại phong kiến độc lập tự chủ với cách chôn cất khá giống với cách chôn cất của cư dân văn hoá Đông Sơn. Có thể niên đại của những mộ này vào khoảng thời Trần, Hậu Lê. Ngoài ra, ngôi mộ gạch mới xuất lộ có niên đại khoảng đầu Công nguyên.

2 - Kết quả khai quật Làng Cả năm 2005 đã cho thấy đây không chỉ là một khu mộ lớn thời Hùng Vương mà còn là khu mộ của những thời đại sau này. Chứng tỏ đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá sầm uất và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ. Có thể truyền thuyết, thư tịch từng đề cập đến một dạng kinh đô của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông hàm chứa một phần sự thật lịch sử, trong đó, di tích Làng Cả trở thành di tích nổi nét để nghiên cứu thời này.

Di tích Làng Cả đã bị phá huỷ nhiều do trước đây định giải phóng mặt bằng để mở rộng Nhà máy mì chính Miwon. Đến nay, may mắn là vẫn còn có những khu vực có di tích mà chưa bị xâm phạm, vì thế cần có một sự quy hoạch rộng toàn vùng, giữ những gì còn lại để tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.

4- Hiện tại, Nhà máy mì chính Miwon đang toạ lạc chính ngay trên phạm vi di tích phân bố, nơi mà trong phạm vi nhà máy, các nhà khảo cổ đào thám sát năm 1977 phát hiện một tầng văn hoá dày tới 60cm, có giáo đồng, mảnh nồi nấu đồng và gốm thô... Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải có kế hoạch bảo vệ di tích ngay trong phạm vi của nhà máy?

5 - Di tích Làng Cả thật sự có ý nghĩa quan trọng, nằm ở vùng đất địa linh, giữa vùng mà các di tích khảo cổ thời tiền Hùng Vương và Hùng Vương dày đặc, có tới 67 làng cổ và khu mộ cổ, lại nằm trong khu vực tương truyền là kinh đô thời Hùng Vương, vì thế, cần có sự bảo tồn lâu dài và phục dựng một phần di tích đã khai quật phục vụ cho việc phát huy giá trị văn hoá lịch sử và phục vụ cho việc du lịch về nguồn, nhất là Việt Trì và đền Hùng trở thành điểm sáng của các lễ hội vùng đất tổ.

PGS-TS TRỊNH SINH (Báo Lao động)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên