26/12/2014 10:07 GMT+7

​Trùng tu, xây mới ở di tích Yên Tử

THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU
THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU

TT - Am Dược, chùa Một Mái là hai trong số những di tích nằm trong khu di tích quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) đang được trùng tu, tôn tạo.

Toàn bộ phần mái, cột gỗ của chùa Một Mái đã bị thay bằng ngói, gỗ mới - Ảnh: Đ.Hiếu
Toàn bộ phần mái, cột gỗ của chùa Một Mái đã bị thay bằng ngói, gỗ mới - Ảnh: Đ.Hiếu

Điều làm du khách không khỏi ngạc nhiên là nhiều hạng mục cổ của các di tích này bị phá đi và xây mới lại.

Không gian đỉnh Yên Tử những ngày này trở nên ồn ào bởi hàng loạt công trình dở dang cùng tiếng máy xây dựng vang vọng khắp vùng núi.

Non thiêng ngổn ngang sắt thép

Am Dược là nơi đức Điều Ngự trồng thảo dược để luyện chế thuốc, cứu độ chúng sinh, chữa bệnh cho các tăng sĩ và nhân dân quanh vùng.

Còn chùa Một Mái vốn là am Ly Trần - nơi vua Trần Nhân Tông thường sang đọc sách, soạn kinh.

Các kinh văn, thư tịch của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được biên soạn và tàng trữ ở đây, người sau lập chùa ở am này.

Chùa trải qua nhiều tên gọi: am Ly Trần, động Thanh Long, chùa Bồ Đà, Bán Thiên tự. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Yên Tử có hệ thống tượng thờ hoàn toàn bằng đá trắng.

Am Dược (còn có tên là am Thuốc) ở trên sườn dãy núi Thanh Long phía đông chùa Hoa Yên, được vua Trần Nhân Tông dựng lên trước khi về Yên Tử.

Dựa vào kết cấu kiến trúc và các loại hình vật liệu, di vật đồ gốm sứ, am được xác định có niên đại từ thời Lê Trung Hưng và kéo dài đến thời Nguyễn.

Trước đây, di tích của am còn sót lại là phần móng được bó bằng đá gạo còn tương đối nguyên vẹn và phần tường hai đầu hồi.

Tuy nhiên những ngày gần đây, nền cũ hoang sơ đã bị lật lên hoàn toàn, đất cũ cũng được gạt đi để thay vào đó là phần nền nhà bằng bêtông cốt thép.

Công trường xây am Dược những ngày này diễn ra rất nhộn nhịp. Đến ngày 25-12, ở đây vẫn có hơn chục công nhân miệt mài trộn vữa, xây móng trên nền cốt thép đã được đổ xong từ trước.

Toàn bộ phần móng cũ bằng đá gạo được bật lên xếp vào một góc, những tảng đá vuông xưa kia được xếp vào một chỗ không bạt che, không được bảo quản, trân mình chịu nắng mưa của trời.

Những phiến đá cổ chạm khắc tinh xảo cũng nằm ngổn ngang ven lối đi, chung bãi với khu xếp ximăng bên cạnh.

Anh Nguyễn Văn Chung, công nhân xây dựng khu am Dược, cho biết:

“Đội thợ của chúng tôi có hơn chục người đến từ nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định... Chúng tôi không thuộc công ty nào và cũng không có chuyên môn gì về xây dựng di tích. Các thầy trong chùa bảo làm hạng mục nào thì làm hạng mục đó”.

Chung số phận được làm mới với am Dược là chùa Một Mái (Bán Thiên tự). Trên nền nhà ẩm ướt, những bao ximăng chất thành đống để chuẩn bị phục vụ việc xây dựng chùa, trong khi đó phần khung chùa đã được phục dựng bằng gỗ và ngói mới hoàn toàn.

Theo sư cô trụ trì Thích Nữ Diệu Nương:

“Chùa Một Mái từng được xây dựng lại từ cách đây hơn 30 năm bằng gỗ tùng. Đến nay gỗ và mái chùa bị mục nát hết nên phải xây dựng lại bằng công đức của khách đến chùa. Còn những pho tượng cổ từ đời Trần đang được bảo quản tại chùa Hoa Yên”.

Tuy nhiên, khi được hỏi những vật liệu cũ ở đâu, sư cô cũng không biết rõ và nói “có thể những người thợ làm ở đây đã mang đi”.

Đội thi công làm móng và chuẩn bị xây tường cho am Dược. Phần móng bằng đá gạo được dỡ và xếp cạnh khu xây dựng - Ảnh: Đ.Hiếu
Đội thi công làm móng và chuẩn bị xây tường cho am Dược. Phần móng bằng đá gạo được dỡ và xếp cạnh khu xây dựng - Ảnh: Đ.Hiếu

“Phải phá đi vì có lý do”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012 Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán công trình “Phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - am Dược, khu di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh”.

Trong quyết định nêu rõ: “Giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại, dựng lại am Dược theo kích thước mặt bằng hiện trạng, hệ tường bao che xây thêm vào tường hiện trạng, gia cố nền móng bằng cách ốp đá nguyên khối vào bệ móng”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc dự án “phục hồi, tôn tạo” này đã bị biến thành công trường phá bỏ toàn bộ bờ tường, nền móng và nhiều hạng mục di tích cổ, ông Nguyễn Trung Hải - trưởng ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử - nói:

“Các thầy trong ban trị sự chùa không cố tình đào phá nền móng cũ mà do các hạng mục đều sụp đổ sẵn rồi”.

Theo ông Hải, việc trùng tu, tôn tạo được tiến hành từ cách đây một tháng.

“Phải phá đi vì có lý do. Thực tế khi làm thì hai bức tường đầu hồi đã gần đổ rồi, chỉ còn giữ lại với nhau bằng những rễ cây, dây leo. Khi trùng tu chặt các dây leo thì bức tường bị sụp đổ xuống” - ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm nền móng của am Dược theo phê duyệt trùng tu phải giữ nguyên nền mặt, nhưng trên thực tế khi phạt hết cỏ để gia cố thì thấy sân đá tảng đã bị trộm đào bới, xới tung lên để tìm đồ cổ từ trước, nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được.

Về di tích chùa Một Mái, theo ông Hải, chùa đã được ốp gỗ lại từ năm 1985 và đến nay đều mọt hết, không sử dụng được tiếp.

Ông Đào Lê Trung, chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong hôm qua (25-12), một đoàn kiểm tra của thanh tra sở phối hợp cùng phòng nghiệp vụ đã đến Yên Tử rà soát quá trình tôn tạo di tích chùa Một Mái - am Dược.

“Những việc liên quan đến tôn tạo, bảo quản di tích, xây dựng đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt hay không chúng tôi đang kiểm tra lại và chưa có kết quả.

Chúng tôi sẽ làm chặt chẽ và nhanh nhất để không ảnh hưởng đến việc tôn tạo, bảo quản di tích và sẽ thông tin đầy đủ” - ông Trung nói.

THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên