
Đề xuất sáp nhập TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu là biểu hiện của một tư duy dám nhìn xa hơn ranh giới hành chính - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là một lựa chọn đặt trong tổng thể chiến lược quốc gia về nâng cao hiệu quả quản trị, tích hợp thể chế và tăng cường khả năng cạnh tranh khu vực.
Thực tế cho thấy mối liên kết giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành từ lâu và phát triển một cách tự nhiên.
TP.HCM là trung tâm tài chính - thương mại lớn nhất cả nước, nơi tập trung ngân hàng, sàn chứng khoán, trường đại học hàng đầu và hệ thống đổi mới sáng tạo.
Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn của công nghiệp chế biến - chế tạo nhờ hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ và chính quyền năng động. Bà Rịa - Vũng Tàu nắm giữ những lợi thế chiến lược về cảng biển nước sâu, năng lượng và du lịch biển.
Tuy nhiên sự phân tán về hành chính khiến cả ba địa phương không thể vận hành như một hệ thống đô thị thống nhất. Các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh thường bị chia cắt, thiếu đầu mối điều phối.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics hay du lịch bị trùng lặp, cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí nguồn lực.
Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện hợp nhất thể chế, giúp quy hoạch phát triển theo không gian chức năng liên kết, tổ chức lại các cực tăng trưởng, cân bằng giữa phát triển đô thị - công nghiệp - biển - nông thôn.
Đây chính là cách xây dựng một siêu đô thị tích hợp có khả năng phát triển hài hòa và bền vững hơn nhiều so với mô hình phát triển đơn lẻ hiện nay.
Các mô hình đại đô thị (megacity) thành công trên thế giới đều có một điểm chung: đó là sự tái cấu trúc mạnh mẽ về thể chế quản trị, đi kèm với một chiến lược phát triển lâu dài.
Tại Nhật, Tokyo không chỉ là một thành phố lớn mà là một vùng đô thị tích hợp với hơn 13 triệu dân, được điều hành bởi Chính quyền vùng Tokyo (Tokyo Metropolitan Government).
Tại Hàn Quốc, vùng đô thị Seoul tích hợp nhiều thành phố vệ tinh như Incheon, Suwon trở thành trung tâm hơn 25 triệu dân.
Ở phía Nam Trung Quốc, vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area) quy tụ Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Hoản, Hong Kong và Macau - là mô hình đô thị liên kết với chính sách đặc thù và thể chế hỗn hợp, tạo nên vùng đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Những ví dụ này cho thấy rằng sáp nhập không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là một lựa chọn chính trị - kinh tế có tính chiến lược quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình quốc tế, chọn lọc tinh hoa để xây dựng thể chế vùng hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.
Nếu sáp nhập thành công, vùng TP.HCM mở rộng sẽ có quy mô tương đương với các vùng đô thị bậc nhất châu Á. Dân số hơn 20 triệu người, diện tích trên 10.000km², GDP đóng góp hơn 45% cả nước - một con số thể hiện vai trò then chốt của vùng trong tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Dù tiềm năng của siêu đô thị TP.HCM tương lai là rất lớn nhưng quá trình sáp nhập chắc chắn sẽ đối diện với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là về thể chế. Để đảm bảo đề án sáp nhập trở thành một cú hích chiến lược chứ không rơi vào hình thức, cần có những nhóm chính sách rõ ràng, quyết liệt nhưng thận trọng.
Trước hết, Quốc hội và Chính phủ cần sớm xây dựng một khung pháp lý đặc thù cho vùng đô thị mới.
Việc ban hành một luật hoặc nghị quyết thí điểm là cần thiết để thiết lập một chính quyền vùng có quyền lực tương đương cấp tỉnh nhưng với phạm vi và thẩm quyền rộng hơn - từ quy hoạch, tài chính, đầu tư, đất đai đến tổ chức bộ máy và các dịch vụ công liên tỉnh.
Về tài chính, cần thiết lập cơ chế tài khóa riêng cho vùng đô thị đặc biệt. Có thể cho phép giữ lại một tỉ lệ cao hơn trong các khoản thu ngân sách trung ương (thuế VAT, TNDN, TNCN, phí cảng biển...), đồng thời chủ động trong việc phát hành trái phiếu đô thị, kêu gọi đầu tư PPP và thiết lập quỹ phát triển vùng.
Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược như tuyến metro xuyên vùng, cảng trung chuyển quốc tế, vành đai logistics hay các đô thị vệ tinh.
Về tổ chức bộ máy, cần thiết kế lộ trình ba giai đoạn rõ ràng: phối hợp thể chế - hợp nhất bộ máy - vận hành chính quyền tích hợp.
Trong quá trình này nên thành lập một ban điều phối phát triển vùng đô thị đặc biệt, hoạt động như "cơ quan đầu não" có nhiệm vụ giám sát quy hoạch, đầu tư, tổ chức lại hệ thống quản lý công, đồng thời làm cầu nối giữa trung ương - địa phương - doanh nghiệp - người dân.
Về dài hạn, cần xây dựng một chiến lược phát triển vùng đô thị TP.HCM mở rộng đến năm 2050 với tầm nhìn trở thành siêu đô thị hàng đầu Đông Nam Á về công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng sống và bền vững môi trường.
Tại đó các trung tâm tài chính - khoa học - sản xuất xanh - logistics biển - giáo dục quốc tế và thành phố thông minh sẽ cùng song hành, hình thành một mô hình phát triển mới cho Việt Nam trong thế kỷ 21.
Sáp nhập không phải là dấu chấm hết của ba địa phương mà là sự mở đầu cho một chương mới. Hành động hôm nay không chỉ để giải quyết những bất cập của hiện tại mà còn để tránh tụt lại trong tương lai. Và đôi khi chỉ một lựa chọn chính xác về thể chế có thể tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cả quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận