Ngày 23-7, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) - cho biết các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó về bao bì sản phẩm. Cụ thể, kể từ 1-7, địa chỉ thực tế của các cơ sở sản xuất đã thay đổi khi TP.HCM mới hình thành và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.
Trong khi đó, bao bì dùng cho sản phẩm sản xuất từ ngày này vốn đã in từ trước, sử dụng địa chỉ cũ.
Theo bà Chi, không ít doanh nghiệp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", một mặt dùng bao bì cũ là sai địa chỉ thực tế, mặt khác muốn chủ động thay bao bì mới cũng không được vì chưa điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
"Từ 2-7 đến nay, cơ quan chức năng chưa cập nhật được giấy phép kinh doanh cho chúng tôi. Dùng bao bì địa chỉ mới thì không trùng với giấy phép, dẫn đến sai về chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm nghẽn vô cùng lớn", bà Chi nói.
Tại "Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025" của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) ngày 23-7, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch HUBA - cũng đặt vấn đề có thành viên bối rối với vấn đề địa chỉ và làm xuất xứ sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tại hội nghị sáng ngày 23-7.
Từ thực tế đó, hiệp hội kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cho phép doanh nghiệp được sử dụng bao bì, nhãn mác, thiết kế thương hiệu in theo địa chỉ cũ đến hết ngày 31-12-2025. Đề xuất này áp dụng cho các hoạt động như: xuất nhập khẩu, khai báo thuế, hồ sơ giao dịch và hợp đồng thương mại.
Theo các doanh nghiệp, thông thường bao bì sản phẩm thường được in trước 3 tháng đến một năm. HUBA cho rằng việc dùng hết lượng bao bì đã in giúp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và tránh lãng phí trong giai đoạn chuyển tiếp.
"Đây là giải pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng với thay đổi về hành chính, đồng thời bảo đảm tính liên tục trong sản xuất, thương mại và lưu thông hàng hóa", hiệp hội đặt vấn đề.
Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo tính "thuần Việt" trong các sản phẩm
Cũng tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, chủ tịch HUBA đưa ra kiến nghị nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trước những vấn đề. Theo đó, hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng có giải pháp tách luồng và xác định rõ những mặt hàng nào là "hàng thuần Việt".
Hiệp hội cũng cho rằng việc tái cơ cấu và tổ chức tốt chuỗi cung ứng trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, da giày… có thể mở ra lợi thế cạnh tranh chiến lược cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, riêng ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động có các giải pháp để đảm bảo tính minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào.
"Một số đã áp dụng các chip điện tử để xác định nguồn gốc nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm", ông Việt chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận