03/06/2021 15:26 GMT+7

Đề văn lớp 10 ở Khánh Hòa: 'Tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ?'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Câu chuyện giãy nảy, từ chối những ân cần, sự quan tâm của cha mẹ của không ít bạn trẻ hiện nay là vấn đề đáng lắng lại để suy ngẫm trong đề thi văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa.

Đề văn lớp 10 ở Khánh Hòa: Tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ? - Ảnh 1.

Đề thi môn văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2021-2022 của tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: P.H.

Sáng 3-6, các thí sinh dự thi tuyển vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa trải qua môn thi ngữ văn (thời gian 120 phút).

Đề thi gồm có 2 phần. Trong phần đọc hiểu là hai khổ thơ được trích từ bài "Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con..." của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, gồm có 4 yêu cầu. 

Đặc biệt yêu cầu 4: "Trong cuộc sống, có những đứa con đôi khi tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ. Ở vị trí của một người con, theo em, điều đó đáng chê trách hay có thể cảm thông? Vì sao?".

Phần làm văn cũng có hai yêu cầu: từ nội dung đoạn trích viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về cách thể hiện tình yêu thương của bản thân đối với gia đình; cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng). 

Nhiều học sinh, giáo viên cho rằng vấn đề con cái từ chối những ân cần của cha mẹ trong đề là vấn đề có ý nghĩa, thú vị vì có câu chuyện giáo dục cho người trẻ.

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên văn ở tỉnh Quảng Ngãi, nêu ý kiến: "Tôi không bàn đề văn hay hay dở, nhưng có điều đề văn đả động được suy nghĩ của học trò. Không dừng lại ở điểm số, ở kỳ thi, mà kết thúc môn thi điều đọng lại ở các em là câu chuyện mình có nên từ chối sự quan tâm của cha mẹ? Hay là mình dung hòa cả ý chí nghị lực tự vươn lên của bản thân, và 'hậu phương' là sự quan tâm lo lắng của cha mẹ. 

Có lẽ em nào cũng một lần nữa nhận ra cha mẹ luôn yêu thương ta, vậy tại sao ta phải từ chối những ân cần. Điều đó khiến các em trăn trở, nghĩ về nó, và biết làm gì khi va vấp hay quyết định cuộc đời. Chung quy, tôi thấy vấn đề này trong đề văn không đao to nhưng ý nghĩa, vì đụng chạm được suy nghĩ của bạn trẻ hiện nay".

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên - nhận định câu đọc hiểu trong đề thi trên với việc trích dẫn đoạn thơ của Nguyễn Phong Việt đã đặt ra một vấn đề khá nhức nhối. 

"Đây không phải hiếm gặp trong cuộc sống hôm nay. Đó là tình trạng trẻ con cảm thấy khó chịu, từ đó ngỗ ngược, ngang ngạnh, phản ứng tiêu cực trước những yêu thương, những ân cần của cha mẹ. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này. Nhưng cái chính có lẽ là do cái tôi quá lớn, quá ngông nghênh, trẻ muốn mình có một thế giới riêng bất khả xâm phạm, tự do theo ý mình mà không ý thức được đúng sai. 

Từ điều này, trẻ con xem những ân cần, những quan tâm của ba mẹ là những dò xét thái quá, xâm phạm đời tư, từ đó mà khó chịu, phản ứng tiêu cực. Vấn đề đặt ra khiến ta phải giật mình về sự thay đổi phức tạp đến khó lường trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái trong cuộc sống hôm nay. Để từ đó có những thay đổi linh hoạt hơn trong cách yêu thương, quan tâm, uốn nắn, dạy dỗ con cái", thầy Minh chia sẻ.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị An có nguyện vọng vào lớp 10 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) chia sẻ đề thi không khó vì cả phần đọc hiểu và nghị luận có cách hỏi quen thuộc, cùng "một khuôn" như các đề An đã luyện.

Em nói: "Nhưng em thú vị với vấn đề con cái từ chối sự quan tâm của cha mẹ. Em thấy mình đôi khi cũng bốc đồng, muốn tự khẳng định, muốn thể hiện mình nên bỏ ngoài tai và mặc cho những ân cần của mẹ em. Đề thi làm em nghĩ ngẫm và chột dạ".

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ:

Tôi viết bài thơ này vào mùa hè năm 2017, nằm trong tập thơ "Sao phải đau đớn như vậy". Thời điểm viết bài này khi tôi đọc nhiều tin tức tiêu cực trên báo chí về những trường hợp con cái đối xử không tốt với người thân, đặc biệt là mẹ ruột. Và rồi nhìn lại chính mình, có lúc tôi đã giãy nảy với sự quan tâm mà mẹ dành cho mình.

Tôi viết những cảm xúc ấy xuống, như cho bản thân thêm một lần thấu hiểu. Bất chấp mọi thứ có ra sao, mẹ vẫn ở đó với tình thương chân thành, dù con vẫn nhỏ dại hay trưởng thành.

Tôi nhận ra mối quan hệ con cái và cha mẹ ngày nay càng lúc càng xa cách so với thập niên trước. Có thể vì khoảng cách địa lý, công việc, sự gấp gáp của đời sống… nhưng trên hết có lẽ khát khao cá nhân của người trẻ càng lúc càng mãnh liệt và cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hiện đại.

Một khi người trẻ cảm giác "đủ lông đủ cánh", muốn nỗ lực tự thân để thực hiện ước mơ, có khi sẽ cảm thấy những bao dung, ân cần của cha mẹ như một sự cản trở ngầm với mục tiêu hướng đến. Những ngông nghênh, bất chấp và cái tôi của tuổi trẻ là một rào cản không nhỏ để ngăn cách sợi dây yêu thương của gia đình bền chặt.

Không thể đòi hỏi quá nhiều ở giới trẻ về giá trị gia đình. Nhưng việc gì cũng cần thời gian để chiêm nghiệm và nhận ra, "từ chối những ân cần của cha mẹ" cũng là thử thách để con mạnh mẽ, trưởng thành trong đời sống ngày càng khắc nghiệt. Song, nó còn là bài học, để sau này vỡ lẽ ra, chúng ta mới biết trân trọng, quý giá những yêu thương mà mẹ cha trao đổi không cần hồi đáp.

Đề thi văn Phổ thông năng khiếu: 200 năm nữa, chỉ còn 5 cuốn sách thời nay ‘sống sót’ Đề thi văn Phổ thông năng khiếu: 200 năm nữa, chỉ còn 5 cuốn sách thời nay ‘sống sót’

TTO - Sự thay đổi về nhận thức thông qua các quyển sách suốt quá trình phát triển của cuộc sống là vấn đề đáng suy ngẫm trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), môn ngữ văn (chuyên).

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên