28/06/2024 07:07 GMT+7

Đề thi văn tốt nghiệp THPT 2024: Bồi đắp lòng yêu nước

Lần thứ ba, bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào đề thi văn tốt nghiệp THPT (hai lần trước là năm 2017 và 2020).

Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Như vậy, đây là một đề tài quen thuộc đối với các thí sinh cuối cấp. Quen thuộc về tác phẩm và quen thuộc cả về cấu trúc ra đề. Đề dẫn ra 18 câu trích từ bài thơ Đất nước và đưa ra hai câu lệnh cho thí sinh: 1) phân tích nội dung đoạn thơ trích; 2) "nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ đó.

Thí sinh đọc 18 câu thơ trích phải nhớ điều đã được học là đoạn đó mở đầu cho chương "Đất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm viết về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên ở Huế những năm chiến tranh.

Chương này nhà thơ nói về đất nước như ngọn nguồn sức mạnh Việt Nam, như cái đích hướng tới của tuổi trẻ trong hành trình tìm về với dân tộc, chống lại những âm mưu đồng hóa và nô dịch của ngoại bang.

Vì vậy, có thể nghĩ tới ý tứ sâu xa của người ra đề là không chỉ kiểm tra kiến thức và năng lực cảm thụ văn chương của thí sinh mà còn muốn những người trẻ làm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông này thêm một lần được bồi đắp lòng yêu nước và trách nhiệm đối với đất nước.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Các bài thơ về chủ đề đất nước thường được cấu tứ theo cách định nghĩa đất nước của từng nhà thơ. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được định nghĩa bao trùm bằng Nhân Dân. 

Những người dân đó là những người dân thường, là Bà là Mẹ xuyên suốt lịch sử từ trong ca dao cổ tích, từ trong truyền thống phong tục tập quán, từ trong lao động sản xuất và chiến đấu, từ trong tình yêu và gia đình.

Định nghĩa đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được khái quát trong chín câu thơ đầu của đoạn trích với hai câu khẳng định chân lý mở - đóng: "Khi ta sinh ra Đất Nước đã có rồi", và khép lại "Đất Nước có từ ngày đó". Ở đây, "Đất Nước" liên tục được nêu ra dưới dạng định nghĩa liệt kê: "Đất Nước có trong…", "Đất nước bắt đầu…", "Đất nước lớn lên…".

Cấu trúc thơ này ở những câu tiếp theo được chia tách thành Đất - Nước đăng đối mà tính định nghĩa càng rõ hơn do liên từ "là", để rồi câu đóng lại đoạn trích lại thành "Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ".

Liền ngay trên câu này là hai câu "Thời gian đằng đẵng / Không gian mênh mông" tạo sự chuyển tiếp cho nhà thơ khai triển hình tượng Đất Nước theo trục không - thời gian của lịch sử ở phần sau bài thơ. Và sừng sững bất diệt trên cái trục đó là Nhân Dân.

Đề thi đã khéo chọn 18 câu trích là vừa đủ để thấy được cảm xúc và suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước. Cảm hứng thơ là ca ngợi tự hào trên trầm tích sức sống của người dân Việt, đất nước Việt. Đất nước bình dị và lớn lao. Đất nước cụ thể và hiện hữu. Đất nước yêu thương và trách nhiệm.

Đoạn trích làm đề thi và cả chương "Đất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng", như đã nói trên, là được viết trong tư tưởng chủ đạo nói với tuổi trẻ thành thị miền Nam trước 1975. Như nhà thơ đã viết, cũng trong chương này:

"Ôi ta về theo Đất Nước

Ta không chịu làm người dân không Đất Nước

Không Việt Nam

Ta trở về Đất Nước tổ tiên ơi..."

Có lẽ đây cũng là lý do bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thêm lần thứ ba được chọn vào đề thi tốt nghiệp THPT. Bài thơ - định nghĩa đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự đối với mọi người, nhất là lớp trẻ.

Đề thi này vừa tầm thí sinh học đúng chương trình. Khá hơn, học sinh có thể đặt đoạn trích trong cả bài thơ, và rộng ra có thể liên hệ với những bài thơ khác có cùng chủ đề đất nước đã được học để phát triển nâng cao.

Ở câu lệnh thứ hai yêu cầu nhận xét về sự kết hợp cảm xúc và suy tư của nhà thơ thì học sinh cũng có thể làm kết hợp cả hai vế, không cần tách ra nói cảm xúc rồi nói suy tư. Nhưng không biết khi thí sinh làm bài như thế thì bài có đúng "barem" chấm không.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là năm cuối cùng học và thi theo Chương trình giáo dục 2006. Từ năm sau, việc học và thi sẽ theo chương trình mới. Hy vọng những sự cải cách đổi mới ở môn văn gần nhất sẽ được thể hiện và có tác động tích cực đến việc thi và chấm bài thi văn, nhất là dành nhiều khoảng tự do cho sự sáng tạo của học sinh làm bài thi, ở các kỳ thi tốt nghiệp tới.

* Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Cần viết hoa cả hai từ Đất Nước

Sáng 27-6, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ sau khi bài thơ Đất Nước được đưa vào đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Nhà thơ nói rằng sẽ không bình luận gì về chuyện bài thơ được đưa vào đề thi năm nay. Theo ông, mỗi người, đặc biệt là người trẻ, sẽ có một cảm nhận, một tình yêu cá nhân dành cho Đất Nước riêng.

"Hãy để người trẻ tự cảm nhận, tự suy nghĩ về Đất Nước. Tôi nghĩ cần tôn trọng những cảm nhận đó", ông Nguyễn Khoa Điềm nói.

Về việc vì sao trong bài thơ lại viết hoa "Đất Nước", ông nói rằng đó là do ông cố tình nhấn mạnh. "Đó là cụm từ thiêng liêng, một danh từ mà trong tim mỗi người khi nhắc đến đều gợi lên sự tự hào. Do vậy cần phải viết hoa cả hai từ Đất Nước như một sự nhấn mạnh", ông nói.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Hãy để người trẻ tự cảm nhận về Đất NướcNhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Hãy để người trẻ tự cảm nhận về Đất Nước

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về bài thơ Đất Nước được đưa vào đề thi văn THPT 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên