Xem toàn bộ thông tin chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên trên TTO
Phóng to |
Theo kế hoạch, CHDCND Triều Tiên sẽ bắn một quả tên lửa Unha-3 để đưa vệ tinh thời tiết lên quỹ đạo từ ngày 12 đến 16-4. Hôm qua 7-4, Hãng tin AFP cho biết theo phân tích của trang web 38North.org, ảnh chụp từ quỹ đạo cho thấy Bình Nhưỡng đã bắt đầu lắp tầng đầu tiên của quả tên lửa lên bệ phóng ở Tongchang-ri tại vùng tây bắc CHDCND Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên từng hai lần bắn tên lửa bay qua khu vực phía bắc nước Nhật, vào tháng 8-1998 và tháng 4-2009. Lần này, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ bắn tên lửa về hướng nam. Điều đó có nghĩa tên lửa dự kiến sẽ bay qua quần đảo Okinawa nằm trên biển Hoa Đông. Đây là khu vực Nhật và Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải. Điểm nóng là quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), nằm ở phía tây quần đảo Okinawa.
Tập trận trong tình huống thực
Theo báo Yomiuri, Bộ Quốc phòng Nhật đã hoàn tất việc triển khai hai tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 đến biển Hoa Đông. Hai chiếc Aegis khác đã đến vùng biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật cũng sẽ điều máy bay chiến đấu F-15 để bảo vệ các tàu Aegis. “Cần phải có chiến đấu cơ F-15 bởi máy bay do thám của Nga và Trung Quốc có thể tiếp cận các tàu Aegis” - một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật giải thích.
Khi tàu khu trục Aegis theo dõi tên lửa, nó sẽ phải tập trung toàn bộ hệ thống rađa vào tên lửa đó. Khi đó, con tàu hầu như không còn khả năng phòng vệ. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết mỗi tàu Aegis sẽ được hai máy bay F-15 bảo vệ. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ biển Nhật (SDF) cũng đã dàn tám đơn vị lá chắn tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3), bốn trên quần đảo Okinawa, bốn ở Tokyo và các vùng lân cận.
Báo Japan Times dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho biết tàu Aegis và hệ thống PAC-3 tạo thành lá chắn tên lửa hai tầng. Tên lửa SM-3 phóng đi từ tàu Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa CHDCND Triều Tiên bên trên bầu khí quyển Trái đất. Nếu SM-3 trượt mục tiêu, tên lửa PAC-3 sẽ bắn phá tên lửa Bình Nhưỡng khi nó đi vào bầu khí quyển Trái đất.
Mới đây, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Naoki Tanaka tuyên bố việc Tokyo triển khai lực lượng ở khu vực phía nam chỉ nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ trước nguy cơ tên lửa CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, báo Yomiuri bình luận tàu Aegis và máy bay F-15 cũng nhằm mục tiêu “gây sức ép lên Trung Quốc”. Báo Japan Times khẳng định Nhật muốn mạnh tay với CHDCND Triều Tiên “bởi không muốn gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng Tokyo chỉ giỏi võ miệng”.
“Bộ Quốc phòng Nhật và SDF chắc hẳn phải cảm ơn Bình Nhưỡng vì đã tạo cơ hội để Tokyo tập trận trong tình huống thực nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc” - báo Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Nhật Tetsuo Maeda bình luận.
Phòng ngự để chặn “phá vỡ”
Trên thực tế, Chính phủ Nhật chẳng hề che giấu sự lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với vùng biển gần quần đảo Okinawa. Theo báo Mainichi, tháng trước Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda mô tả tình hình quanh Nhật “rất nghiêm trọng” do cả việc CHDCND Triều Tiên phát triển tên lửa và các hoạt động hải quân của Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Chính phủ và truyền thông Nhật luôn bày tỏ sự lo ngại đối với các hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Chính quyền Tokyo liên tục lên tiếng báo động về việc tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyakojima để tiến ra Thái Bình Dương.
Hồi cuối tháng 3, báo chí Nhật xôn xao về việc Cơ quan Quản lý hàng hải Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh muốn “làm suy yếu và phá vỡ” quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo Senkaku. Chiến lược của Trung Quốc là tăng cường hoạt động của các tàu tuần tra ở khu vực này. Chính phủ Nhật phản ứng dữ dội với diễn biến này.
“Người dân ở các quần đảo phía nam bắt đầu hiểu rõ họ phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên” - báo Yomiuri dẫn lời một quan chức SDF mới đây cảnh báo. Trong báo cáo công bố hồi tháng 2-2012, Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật cũng cảnh báo các hoạt động hải quân của Trung Quốc đe dọa an ninh Nhật.
Giới quan sát khẳng định đó mới thật sự là lý do tại sao Tokyo triển khai rầm rộ lá chắn tên lửa ở các đảo miền nam. Bởi đa số khảo sát cho thấy tên lửa CHDCND Triều Tiên khó có khả năng rơi xuống lãnh thổ Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận