30/12/2018 11:10 GMT+7

Để người Việt không còn thói quen chen lấn

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Chỉ khi nào văn hóa xếp hàng hình thành, ăn sâu thành nếp sống, quy tắc sinh hoạt bình thường của người dân thì khi đó mới không còn "Chuyện người đàn ông thơm phức nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất".

Để người Việt không còn thói quen chen lấn - Ảnh 1.

Xếp hàng mua bánh khuyến mãi ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Sau bài "Chuyện người đàn ông thơm phức nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất", kể về người đàn ông bảnh bao, khoác trên mình toàn đồ "xịn" nhưng hành động rất xấu xí là chen ngang vào hàng khi làm thủ tục lên máy bay, nhiều người bức xúc với hành động mất lịch sự, thiếu ý thức của người đàn ông này. 

Hành vi chen lấn, không tự nguyện xếp hàng kiểu này đáng buồn thay xảy ra ngày càng nhiều.

Ở nước ta trước đây, trong thời kỳ bao cấp, việc xếp hàng đã có và rất trật tự, văn hóa. Những người đến sớm chỉ cần đặt vật gì đó "làm tin" thì coi như người đó đến trước, được mua trước, nhận hàng trước rất văn minh dù thời đó kinh tế còn khó khăn. 

Vậy tại sao hiện nay xã hội ngày càng phát triển thì việc xếp hàng lại khó khăn đến vậy? Thậm chí nó đã trở thành một hiện tượng xã hội tiêu cực khiến nhiều người phản ứng, bức xúc!

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân như sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân; tác động mặt trái của cơ chế thị trường... Tuy nhiên, có một nguyên nhân ít được đề cập là chúng ta chưa có biện pháp giáo dục, tuyên truyền về văn hóa xếp hàng. 

Đặc biệt là chưa tổ chức tốt việc xếp hàng cũng như chưa có biện pháp chế tài cụ thể. Ví dụ, nếu ai chen lấn, gây mất trật tự sẽ bị đuổi ra khỏi hàng, không cung cấp dịch vụ, giải quyết yêu cầu...

Thử hỏi có bao nhiêu địa điểm công cộng có bảng chỉ dẫn người dân phải xếp hàng? Hiện nay, thường thì người dân tự xếp hàng, khi có người nào đó chen lấn, phá vỡ trật tự này thì người khác thấy nhưng cũng... bó tay. 

"Chế tài" cao nhất thường là có người nào đó đang xếp hàng bức xúc nhắc nhở, yêu cầu xếp hàng theo thứ tự mà thôi, nhưng số người này rất hiếm. Đa số người dân thường chọn cách im lặng, mặc kệ, coi như không phải việc của mình. Cứ như thế hành vi xấu này cứ lặp đi lặp lại, diễn ra nhiều nơi.

Khi người dân chưa tự nguyện xếp hàng ở nơi công cộng, ở các điểm công cộng cần có bảng quy định, cử nhân viên trực tiếp hướng dẫn, yêu cầu người dân phải xếp hàng theo thứ tự, trật tự. 

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong ổn định trật tự ở nơi công cộng, địa điểm đông người. Khi đó buộc mọi người phải xếp hàng theo quy định, nếu không thực hiện sẽ bị chế tài. Thậm chí quy định về xử lý hành chính đối với những người cố tình chen lấn, gây rối, ảnh hưởng đến những người khác.

Thiết nghĩ việc này rất cần thiết, quan trọng trong thời điểm hiện nay để người dân thực hiện tốt, nghiêm túc việc xếp hàng ở nơi công cộng. Chỉ khi nào văn hóa xếp hàng hình thành, ăn sâu thành nếp sống, quy tắc sinh hoạt bình thường của người dân thì khi đó mới không còn "Chuyện người đàn ông thơm phức nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất".

Chuyện người đàn ông thơm phức nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất Chuyện người đàn ông thơm phức nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất

TTO - Một người đàn ông ăn mặc lịch sự xức nước hoa thơm phức vậy mà hành xử của anh ta khiến nhiều người đợi làm thủ tục lên máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất đã phải lắc đầu ngao ngán.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xếp hàng chen lấn