06/04/2023 07:14 GMT+7

Để người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên

Hôm nay 6-4, tọa đàm "Người trẻ có sợ trách nhiệm?" do báo Tuổi Trẻ cùng Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật tổ chức, với sự định hướng của Ban Nội chính trung ương.

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng tọa đàm để cùng thảo luận, qua đó lan tỏa sâu rộng giá trị cốt lõi cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến với lớp trẻ. Ông Học nói:

- Qua cuốn sách, chúng ta thấy hình ảnh của Tổng bí thư khi còn trẻ đã thể hiện rõ thái độ phê phán, lên án thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ qua ngòi bút của mình. Lớp trẻ khi soi mình vào cuốn sách, vào những suy nghĩ, tư tưởng của Tổng bí thư giúp định hình những giá trị đích thực cho bản thân trong quá trình phấn đấu vươn lên.

* Chúng ta bắt đầu từ bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" đã xuất bản từ 50 năm trước được trích đăng lại song vẫn giữ tính thời sự khi soi vào tình hình hiện nay.

- Trong phần thứ 2 của sách, Tổng bí thư nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rèn luyện tư cách đạo đức cán bộ, đảng viên với các bài viết: Bệnh sợ trách nhiệm, Móc ngoặc, Làm xiếc, Của công - của riêng, Một sự thật nhức nhối... Qua ngòi bút của nhà báo trẻ Nguyễn Phú Trọng, những thói hư, tật xấu này đã được phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ở bài "Bệnh sợ trách nhiệm" viết năm 1973, Tổng bí thư phân tích, đánh giá tình hình khó khăn của đất nước lúc bấy giờ, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải làm việc bằng hai, bằng ba để góp công, góp của, góp sức vào nhiệm vụ chung. Nhưng thực tế có một bộ phận cán bộ, đảng viên làm việc cầm chừng, né tránh, an phận thủ thường.

Bài viết ấy chỉ ra nguyên nhân của vấn đề chính là do chủ nghĩa cá nhân của bản thân cán bộ, đảng viên không muốn bứt phá, phấn đấu, vươn lên, hay chỉ muốn an toàn, làm việc cầm chừng, khỏi phải đụng chạm tới trách nhiệm của mình. 

Thêm vào đó là do người lãnh đạo nhìn nhận, đánh giá cán bộ không khách quan, không công bằng. Người làm được cũng như người không làm được, tích cực cũng như cầm chừng, dẫn đến cán bộ, đảng viên không có động lực phấn đấu vươn lên.

* Người trẻ vốn gắn với tinh thần xung kích, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tại sao lại cần đặt vấn đề "Người trẻ có sợ trách nhiệm?", thưa ông?

Để người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên - Ảnh 1.

Các bạn trẻ tình nguyện TP.HCM chuyển vật dụng từ đất liền ra lắp tặng công trình cho bà con tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) trong chiến dịch Mùa hè xanh - Ảnh: Q.L.

- Bài viết trên được Tổng bí thư viết cách đây 50 năm, tình hình khó khăn lúc đó khác xa bây giờ. Nhưng đến nay vẫn có những điểm tương đồng để chúng ta phải suy nghĩ, bởi đất nước hiện đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Trước những yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, nỗ lực lớn và hết lòng vì Đảng, vì dân. Vậy nhưng thực tế lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Chính điều này, Ban Nội chính trung ương gợi mở Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Người trẻ có sợ trách nhiệm?". Nội dung mang tính thời sự, rất thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để nhận diện, phân tích, đánh giá về việc người trẻ có sợ trách nhiệm không? Nếu có thì ở đối tượng, lĩnh vực, mức độ nào.

Cùng với đó, xác định rõ nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc sợ trách nhiệm, không dám làm. Có phải do bản thân nhụt chí, không muốn phấn đấu vươn lên, không có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến? Hay do những vấn đề về thể chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không khuyến khích, bảo vệ được người trẻ dám nghĩ, dám làm? Hoặc do lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa tạo được môi trường làm việc công khai, minh bạch, khách quan, công bằng? Hay vì thủ trưởng, cấp trên chỉ đạo theo kiểu áp đặt, mệnh lệnh buộc phải làm không vì cái chung mà vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, cá nhân...

Tôi nghĩ đây là cơ hội để giúp các bạn trẻ nhận diện, tiếp xúc rõ hơn với đánh giá của Tổng bí thư khi nói về bệnh "sợ trách nhiệm". Từ đó người trẻ khẳng định được sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá vươn lên.

* Có ý kiến cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng vừa qua quá mạnh mẽ cũng gây tâm lý lo ngại cho nhiều người sợ làm sai và phải chịu trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi khẳng định chống tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ, quyết liệt, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm không phải là nguyên nhân gây ra tâm lý sợ sai, không dám làm. Chỉ khi làm sai, có hành vi tham nhũng, tiêu cực gây ra hậu quả mới bị xem xét xử lý, còn làm đúng, làm vì cái chung sẽ được khuyến khích, bảo vệ.

Có thể có trường hợp nêu trên nhưng là do cán bộ không hiểu, không nắm vững quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và năng lực hạn chế nên sợ sai, ngại không dám làm. Những người như vậy không nên giữ những vị trí, chức trách quan trọng mà cần nhường chỗ cho người xứng đáng đảm nhận.

Cạnh đó, một phần nguyên nhân còn do các quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, hiểu thế nào cũng được, dẫn đến cán bộ khó thực hiện. Với những quy định như vậy cần phải rà soát, chỉnh sửa sớm, không thể để những người làm đúng trách nhiệm, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân lại bị xử lý.

Tuổi Trẻ là tờ báo uy tín, được bạn đọc trẻ rất quan tâm. Nhiều thông tin, định hướng của báo được người trẻ đón nhận tích cực. Do đó, việc báo cùng phối hợp tổ chức tọa đàm này gắn với việc quán triệt tư tưởng, tinh thần của Tổng bí thư về phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng. Điều này truyền thêm sự tự tin, vững vàng, đồng thời nâng cao bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cho giới trẻ.

Ông NGUYỄN THÁI HỌC

Đòi hỏi bản lĩnh người trẻ

* Qua theo dõi, quan sát, ông có thấy nhiều người trẻ có biểu hiện sợ sai, không dám làm?

- Đúng là có những người trẻ làm việc cầm chừng, thiếu chí tiến thủ, ngại va chạm. Điều này không phải là tố chất của cán bộ trẻ, cần xem nguyên nhân từ đâu. Có phải do môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương hay người đứng đầu, tập thể lãnh đạo thiếu quan tâm, thiếu xem xét, cất nhắc, đề bạt, động viên, khen thưởng những người tích cực, luôn làm việc, năng động, sáng tạo?

Tuy nhiên cán bộ trẻ cũng cần xác định phải luôn luôn phấn đấu, vươn lên, không nề hà, không sợ khó, không sợ khổ. Cán bộ trẻ phải thể hiện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết đấu tranh. Đồng thời, dù đối mặt với khó khăn, với sự thiếu công bằng, thậm chí là chèn ép càng cần có bản lĩnh để vượt qua.

Cần xây dựng được môi trường làm việc hết sức bình đẳng để mọi sự cố gắng, phấn đấu vươn lên đều được trân trọng, ghi nhận, mọi hành vi vi phạm đều phải bị xem xét xử lý. Khi có sự công khai, minh bạch, công bằng ở môi trường công tác sẽ tạo ra được ý chí, sự năng động, sáng tạo cho người trẻ.

Tọa đàm Tọa đàm 'Người trẻ có sợ trách nhiệm?'

Ngày 6-4, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật tổ chức tọa đàm "Người trẻ có sợ trách nhiệm" với sự định hướng của Ban Nội chính trung ương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên