Tại nhiều làng quê ở miền Tây, chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em bởi lao động chính đã đi nơi khác kiếm sống - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những năm gần đây, nhiều người dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường có câu nói cửa miệng "đi Bình Dương", nhưng chuyện đi tìm việc ở phương xa này cũng nhiều bấp bênh.
Lúc mới đầu, nghe "đi Bình Dương" có vẻ kích thích tò mò - tìm hiểu; phấn chấn khi nghĩ đến công việc làm mới; hi vọng từ giã nghề nông - thoát nghèo!
Dần dà, nghe nhiều, nhất là thông tin phản hồi từ người đi trước - trong đó có những người ở nhà có việc gấp như có tang chẳng hạn, có khi phải gửi tiền lên mới có lộ phí đi về - nghe nó có âm điệu buồn làm sao!
Đi Bình Dương là phải rồi!
Vậy mà người ta vẫn đi Bình Dương, thậm chí đóng cửa nhà, đi hết gia đình, lên đó đùm đậu nhau để giảm chi phí ăn ở. Có người khéo tổ chức cuộc sống, còn có dư chút đỉnh, so ra vẫn tốt hơn nếu họ bám lại quê nhà.
Có người tính kỹ: lao động nông nghiệp ở nông thôn ĐBSCL bây giờ giá thuê tương đối cao, từ 200.000 đồng/ngày trở lên, nhưng nhìn chung lại rơi vào dạng thời vụ, bình quân chỉ làm được 4-5 tháng/năm.
Nếu cả vợ chồng cùng đi làm công nhân ở Bình Dương thì mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng, trừ chi phí họ vẫn còn dư 50%; tính ra ổn hơn ở quê làm thuê nông nghiệp. Nên đi Bình Dương là phải rồi!
Theo số liệu thống kê, ĐBSCL chiếm 13% diện tích và hơn 19% dân số cả nước, có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước nhưng thu nhập bình quân đầu người với mức 40,2 triệu đồng, trong khi cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm.
Đây là lý do phải chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp, nhưng chính quyền không giải quyết được thì người dân tự giải quyết bằng "đi Bình Dương" cũng là phải rồi!
Nhưng nỗi buồn có tên "đi tìm việc trên Bình Dương" là có thật. Tôi có đứa cháu ở An Giang, cả nhà cùng lên Bình Dương thuê nhà đi kiếm việc làm, nhà ở quê đóng cửa bỏ đó.
Cháu tôi tính có tiền, về sẽ mua đất làm nhà ra riêng cho con, vì sợ việc làm trên đó không bền. Điều đó phần nào nói lên tính bấp bênh của chuyện đi tìm việc ở nơi xa.
Và đó là sự thật. Lao động rời quê đi tìm việc như vậy hầu hết là lao động giản đơn, lao động cơ bắp, không có chuyên môn, khi trên 40 tuổi dễ bị loại. Đi tìm việc đã khó, tìm việc có thu nhập cao và giữ việc làm ổn định dài lâu càng khó hơn.
Nguyễn Minh Nhị - Ảnh: CHÍ QUỐC
“Nếu các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều phát triển như tỉnh Đồng Tháp hiện nay, chắc chắn sẽ không còn nỗi buồn “đi Bình Dương” tìm việc làm
Nguyễn Minh Nhị
Hãy làm như Đồng Tháp
Giải pháp cho vấn đề nguồn nhân lực ĐBSCL, theo nhiều nhà quản lý, phải bắt đầu từ công tác giáo dục phổ thông. Tôi thấy đúng vậy.
Cách đây khoảng 60 năm, xã tôi không mấy người học hết tiểu học. Người nào có trình độ như vậy nếu không là giáo làng dạy sơ học thì cũng là nông dân giàu có, vì họ có kiến thức cơ bản để làm người lao động ở nông thôn, có kỹ năng làm ruộng, làm vườn...
Họ không bao giờ kêu gọi Nhà nước, xã hội làm cái gì để giúp họ làm ra và bán giùm sản phẩm. Nghĩa là họ có bản lĩnh tồn tại. Năm 1989, lần đầu tiên ở An Giang tổ chức đại hội nông dân sản xuất giỏi, qua điều tra nhanh cho thấy 100% nông dân sản xuất giỏi này là thầy giáo nghỉ dạy hoặc có học vấn hết tiểu học trở lên (trước năm 1975).
Tôi nghĩ, họ thành công như vậy trước hết là nhờ chương trình học ngày trước trang bị cho họ đủ kiến thức, kỹ năng, nhân cách... Còn bây giờ, có thể phải hết lớp 9 hoặc tốt nghiệp THPT, nhưng muốn đạt yêu cầu cho một lao động biết tự lập như vậy không dễ.
Một vấn đề quan trọng không kém là đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân. Từ lâu, ta giao việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân và chuyển dịch lao động trong nông thôn cho doanh nghiệp nhà nước.
Cái đó đúng với nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng nay phải đổi lại mới đúng. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân đứng ra tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cả việc tổ chức hợp tác xã cho nông dân mới thành công. Nhà nước chỉ thủ vai trò hỗ trợ và chế tài luật pháp.
Ai cũng thấy, gần 10 năm nay, nổi lên điểm sáng Đồng Tháp về phát triển khá toàn diện và bền vững, trong đó có vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng Tháp là tỉnh có các khu công nghiệp thu hút nhà đầu tư nhưng cũng có số lao động kỹ thuật xuất khẩu vào thị trường có giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... đứng đầu cả khu vực ĐBSCL (1.600 người năm 2017).
Không muốn người dân "đi Bình Dương" thì hãy làm như Đồng Tháp!
18,4% lao động xuất cư
Theo số liệu thống kê, trong 5 năm từ 2011-2016, số hộ nông thôn tăng 640.000 hộ nhưng số lao động lại giảm gần 1 triệu người.
Riêng ở ĐBSCL, tỉ lệ tăng trưởng dân số trong 20 năm nay là con số âm (-0,13%) vì đây là nơi có tỉ lệ lao động xuất cư ra khỏi vùng chiếm đến 18,4% (chỉ sau Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là 20%).
Và TP.HCM là nơi tiếp nhận khoảng 1/2 số dân di cư từ Tây Nam Bộ. Điều này ứng với việc nhiều người kể, số nóc gia ở nông thôn tăng nhưng nhân khẩu lại giảm là vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận