12/12/2015 13:59 GMT+7

​Đề nghị tịch thu tài sản bất minh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT -  Các chuyên gia cho rằng pháp luật VN đang có khoảng trống mênh mông “giúp” các khối tài sản bất minh dễ dàng dịch chuyển.

Ông Alan Doig
Ông Alan Doig
“Nếu các cơ quan chức năng không có sự phối hợp với nhau để đảm bảo các bản kê khai này là trung thực, minh bạch thì kê khai cũng không có hiệu quả gì. Những đối tượng có liên quan với người phải kê khai tài sản thì pháp luật cũng cần có cơ chế để xử lý. Ví dụ một bà mẹ nắm giữ tiền của con mình do tham nhũng mà có thì đó phải coi là hành vi tội phạm
Ông Alan Doig 

Tại hội thảo quốc tế “Xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn” diễn ra ở Quảng Ninh ngày 11-12, các chuyên gia nhận định như trên. 

Ông Trần Văn Dũng, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết theo luật chống tham nhũng của Singapore, tòa án được phép tịch thu bất cứ khoản tiền và tài sản nào của một công chức nếu họ không giải trình được nguồn gốc.

Biện pháp này được đánh giá là sẽ giảm thiểu gánh nặng chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, với biện pháp này, tài sản vẫn có thể bị thu hồi khi bị cáo đã được tuyên trắng án, đã chết, vắng mặt, chạy trốn hay được hưởng quyền miễn trừ.

Con “tham”, mẹ “hưởng”, pháp luật “bó tay”

Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng VN nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính của cán bộ, công chức. “Tuy nhiên, do chúng ta chưa thể phân biệt rạch ròi đâu là tài sản bất minh, đâu là tài sản hợp pháp; công tác kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều bất cập; tập quán tiêu tiền mặt còn phổ biến thì việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cũng có thể dẫn đến nguy cơ oan sai.

Ở VN hiện nay, biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chỉ thông qua truy tố hình sự. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ vô hiệu nếu người phạm tội đã chuyển hóa tài sản cho người thân” - ông Dũng nêu thực tế.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu đã dẫn chứng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã “bó tay” trước căn biệt thự bờ biển có giá trị nhiều chục tỉ đồng do mẹ Huyền Như đứng tên.

“Không ai tin một bà mẹ ở quê có tài sản mấy chục tỉ đồng để mua biệt thự bờ biển, nhưng pháp luật hiện hành không buộc một người như mẹ của Huyền Như phải kê khai và có trách nhiệm giải trình đối với khối tài sản đó” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói. Ông Quyền cho rằng đây là một thực tế gây ra rất nhiều bức xúc.

Ông Trần Văn Dũng - Ảnh: L.Kiên
Ông Trần Văn Dũng - Ảnh: L.Kiên
“Để thu hồi được tài sản do phạm tội tham nhũng, nhất thiết phải có cơ chế cho phép cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu người thân của người phạm tội phải chứng minh tính chất hợp pháp đối với những tài sản thuộc sở hữu của họ. Nếu những người này không thể chứng minh tính hợp pháp của các tài sản bị nghi ngờ thì các tài sản này sẽ bị tịch thu 
Ông Trần Văn Dũng

Một triệu bản kê khai chỉ là giấy lộn?

Ông Nguyễn Văn Kim, vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, thừa nhận hiện nay với những tài sản không giải trình được thì chúng ta chưa xử lý được, trong khi các nước họ xử lý rất mạnh, thậm chí xử lý trực tiếp là tịch thu.

Đối với chúng ta cứ phải chứng minh tài sản đó có liên quan đến phạm tội tham nhũng mà có thì mới tịch thu được, chứ còn tài sản có "khủng" đến bao nhiêu mà không giải trình được thì cùng lắm cán bộ, công chức đó chỉ bị kỷ luật (vừa qua chủ yếu là khiển trách).

“Tôi đề nghị khoanh vùng đối tượng kê khai tài sản, chỉ tập trung vào một số đối tượng. Phải giao trách nhiệm cho các cơ quan như cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất... trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Ví dụ, cơ quan thuế phải xử lý được (thu thuế) đối với những cán bộ, công chức có khối tài sản tăng thêm lớn” - ông Kim đề nghị.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền: “Nếu rải 1 triệu bản kê khai tài sản thì sẽ có chiều dài từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhưng sự đồ sộ này chẳng nói lên điều gì.

Thậm chí, có thành viên Ủy ban Tư pháp chúng tôi nói rằng vì biện pháp quá hình thức, không có tác dụng gì thì nên bỏ đi, bởi thực hiện thì tốn kém tiền của Nhà nước, mất công kê khai để rồi những bản kê khai ấy cũng chỉ là giấy lộn.

Người ta nói vậy bởi vì hàng triệu bản kê khai nhưng chỉ vài người bị phát hiện không trung thực, và nhức nhối hơn là qua kê khai tài sản phát hiện những khối tài sản lớn không giải trình được nguồn gốc mà không làm được gì.

Người ta nói rằng em cứ kê khai, các bác cứ phát hiện, cùng lắm thì em bị khiển trách, còn tài sản đó thì vẫn là của em”.

Ông cho rằng phải có hàng loạt thiết chế đồng bộ thì mới xử lý được, đó là thuế, chứng khoán, ngân hàng, nhà đất, pháp luật về dân sự, hành chính...

Quan điểm trên được ông Alan Doig, chuyên gia chống tham nhũng của UNDP, chia sẻ: “Để kiểm soát tài sản, thu nhập tốt thì các cơ quan có trách nhiệm phải phối hợp tốt với nhau.

Nếu như cơ quan thuế chỉ thu thuế và lưu hồ sơ của mình, không phối hợp với cơ quan khác để làm rõ biến động tài sản, thu nhập thì việc phát hiện tài sản đó là hợp pháp hay bất hợp pháp là rất khó khăn.

Hệ thống dữ liệu cần được tích hợp và chia sẻ giữa các cơ quan mới giúp sự phối hợp để làm minh bạch các khối tài sản biến động, truy dấu được đường đi của các khối tài sản”.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định Luật phòng chống tham nhũng trải qua 10 năm thực hiện, tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, những vấn đề đặt ra tại hội thảo này có ý nghĩa quan trọng đối với việc sửa đổi toàn diện đạo luật này sẽ được Quốc hội tiến hành trong thời gian tới.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên