10/07/2023 08:20 GMT+7

Đề nghị thi hành án phúc thẩm kéo dài quá lâu ở Khánh Hòa

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thi hành án hành chính phúc thẩm vụ dân bị lấy đất thừa kế 123 năm, thắng kiện nhưng không được thi hành án đúng Hiến pháp, pháp luật.

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa thực hiện giám sát, tiếp công dân bị lấy đất thừa kế 123 năm, thắng kiện nhưng không được thi hành án hành chính phúc thẩm đúng Hiến pháp, pháp luật - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa thực hiện giám sát, tiếp công dân bị lấy đất thừa kế 123 năm, thắng kiện nhưng không được thi hành án hành chính phúc thẩm đúng Hiến pháp, pháp luật - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa vừa trả lời Tuổi Trẻ Online về kết quả giám sát vụ thi hành án hành chính phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật hơn 2 năm rưỡi nhưng người dân thắng kiện vẫn chưa được thi hành án đúng quy định pháp luật.

Án có hiệu lực hơn 2 năm rưỡi, chính quyền chưa thi hành án

Đó là việc thi hành bản án hành chính phúc thẩm số 96/2021/HC-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật từ ngày 21-1-2021.

Hai nguyên đơn thắng kiện theo bản án trên là vợ chồng ông Nguyễn Văn Lụm (71 tuổi) và bà Lê Thị Thôi (66 tuổi) ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang.

Hai ông bà đã khiếu nại, kêu cứu liên tục đến nhiều nơi, nhiều cấp do các cơ quan hành chính là bị đơn thua kiện vẫn không thi hành án đúng Hiến pháp, pháp luật.

Theo ông Hà Quốc Trị - phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - ngày 6-7-2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có thông báo kết luận tiếp công dân phản ánh về việc thi hành án nêu trên.

Buổi tiếp công dân tổ chức ngày 13-6-2023, theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, có các đại diện của 18 cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể của Khánh Hòa tham dự, trả lời công khai cho công dân.

Theo thông báo kết luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã "đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND TP Nha Trang, UBND xã Vĩnh Ngọc và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thi hành bản án hành chính phúc thẩm số 96/2021/HC-PT có hiệu lực từ ngày 21-1-2021 theo quy định của pháp luật".

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá và có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương liên quan về việc thi hành án bản án hành chính phúc thẩm đã nêu tại Khánh Hòa.

Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ "có văn bản kiến nghị cơ quan trung ương xem xét, xử lý trách nhiệm công vụ của các cơ quan có liên quan về việc thi hành bản án hành chính phúc thẩm số 96/2021/HC-PT trong trường hợp bản án không được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật".

Bị bác đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vẫn chưa chịu thi hành án

Theo hồ sơ và bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, một trong các nội dung khởi kiện của ông Lụm, bà Thôi là yêu cầu UBND TP Nha Trang công nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 297 (920m2) của họ.

Thửa đất trên chỉ là một phần nhỏ diện tích thuộc khu đất lớn (2.600m2, có 14 ngôi mộ của gia tộc) mà ông Lụm, bà Thôi được thừa kế từ cha, ông đã mua hợp pháp, sử dụng liên tục 3 đời, cách đây 123 năm.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Khánh Hòa (tháng 1-2017) và thông báo của Viện KSND tối cao (tháng 4-2023), cho đến trước tháng 7-2018 thửa đất số 297 nêu trên "vẫn là đất của gia đình ông Lụm, bà Thôi quản lý, sử dụng ổn định và không phải là đất công ích 5%".

Vì vậy, Viện KSND tối cao đã bác đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án hành chính phúc thẩm đã nêu.

Bản án hành chính phúc thẩm trên cũng phán quyết: "Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Lụm, bà Lê Thị Thôi, buộc UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP Nha Trang xác định thửa đất 297 (920m2) tờ bản đồ số 05 xã Vĩnh Ngọc không thuộc đất công ích 5%, yêu cầu UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP Nha Trang xem xét, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ xác định quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật".

Nhưng theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, đến nay quyết định tại bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa được các bị đơn là UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP Nha Trang chấp hành, thi hành án.

Chậm thi hành án là sai, không đảm bảo quyền lợi của dân

Ông Lê Quang Trung - phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa - nói rằng theo quy định tại điều 106 Hiến pháp, "bản án, quyết định của tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".

"Cho đến thời điểm này bản án hành chính phúc thẩm đã nêu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là bản án đã có hiệu lực pháp luật, chưa có quyết định tạm dừng hay tạm đình chỉ thi hành án của chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay viện trưởng Viện KSND tối cao. Vì vậy, việc chậm thi hành án đó là sai" - ông Trung phát biểu tại buổi tiếp 2 công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Đồng quan điểm, luật sư Phan Bạch Mai - phó trưởng Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - nói: "Khi chưa có cơ sở tạm dừng việc thi hành án thì bản án hành chính phúc thẩm số 96/2021/HC-PT phải được thi hành để đảm bảo quyền lợi của người dân".

Vụ dân thắng kiện ở Nha Trang: Không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩmVụ dân thắng kiện ở Nha Trang: Không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm

Theo Viện KSND tối cao, “không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” bản án hành chính phúc thẩm vụ lấy đất của dân ở xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) đưa vào quỹ đất công ích 5% trái pháp luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên