29/01/2015 12:24 GMT+7

​Đề nghị tách cơ sở tạm giữ với điều tra

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Thứ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là xử lý nghiêm các trường hợp bức cung, dùng nhục hình.

Ông Vương khẳng định như trên ngày 28-1, tại phiên thẩm tra dự án Luật tạm giữ, tạm giam của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Ảnh: Việt Dũng
Thời gian qua Bộ Công an đã kiên quyết xử lý. Trong công tác năm 2015, khẩu hiệu quan trọng mà bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu là thượng tôn pháp luật
Thượng tướng LÊ QUÝ VƯƠNG

“Tình trạng bức cung, dùng nhục hình xảy ra trong thời gian qua Bộ Công an đã xử lý được bao nhiêu trưởng công an huyện, giám đốc công an tỉnh và cán bộ điều tra, cách xử lý như thế nào?” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hỏi.

Ông Vương trả lời: “Tôi xin nói luôn, rõ ràng là thời gian qua Bộ Công an đã kiên quyết xử lý. Một là kỷ luật cảnh cáo giám đốc, phó giám đốc rồi cho thôi giữ chức vụ (đối với giám đốc, phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang). Có địa phương như ở Sóc Trăng kỷ luật 25 người, khởi tố hai người liên quan đến chuyện bức cung.

Ở Tuy Hòa (Phú Yên) vừa qua đã khởi tố thêm phó trưởng công an thành phố. Ở Đắk Nông, vụ nạn nhân bị chết trong lúc tạm giữ của Công an Gia Nghĩa, chúng tôi cũng đã xử lý rất nghiêm. Trong công tác năm 2015, khẩu hiệu quan trọng mà bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu là thượng tôn pháp luật”.

Từ quan điểm đến xử lý cụ thể còn khoảng cách

“Ghi nhận quan điểm xử lý kiên quyết của lãnh đạo Bộ Công an”, nhưng bà Nga cho rằng “từ quan điểm đó đến việc xử lý cụ thể ở các địa phương vẫn còn khoảng cách, có khác nhau. Tôi lấy ví dụ như vụ việc dùng nhục hình ở Tuy Hòa (Phú Yên), nếu kiên quyết từ đầu thì chắc chắn không để xảy ra tình trạng xử đi xử lại, gây bức xúc dư luận như vậy”.

Theo bà Nga, vụ dùng nhục hình làm chết người ngay tại cơ quan Công an Tuy Hòa đã rất rõ, nhưng mãi đến khi dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng, tức là phải có áp lực thì mới hủy án, điều tra lại và khởi tố bổ sung ông Lê Đức Hoàn - nguyên phó trưởng Công an Tuy Hòa.

Bà Nga hỏi tiếp: “Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, tôi có đề nghị lắp camera tại các phòng hỏi cung, vậy tôi xin hỏi việc lắp camera đến nay thực hiện như thế nào rồi?”.

Ông Vương đáp: “Về việc lắp camera đến nay chúng tôi chưa làm được, vì muốn làm phải có tiền, có dự án. Điều kiện kinh phí khó khăn nên đến nay có một số đơn vị công an cấp huyện chia tách nhưng vẫn chưa làm được nhà tạm giữ. Chúng tôi cho rằng nếu trang bị được camera để giám sát thì tốt, ở nước ngoài hệ thống này họ ưu tiên thực hiện”.

Bà Lê Thị Nga bình luận: “Dư luận rất bức xúc trước tình trạng bức cung, dùng nhục hình, mặc dù nó chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng số vụ bị tạm giữ, tạm giam. Thế nhưng số lượng thống kê trong mấy năm gần đây cho thấy cũng có đến hàng chục vụ, tuy nhỏ nhưng gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến quyền của người bị xâm phạm và tạo hình ảnh rất xấu cho lực lượng công an.

Hầu hết những vụ oan sai lớn làm dư luận bức xúc có nguyên nhân từ giai đoạn ban đầu, nhất là trong quản lý giám sát các hoạt động tố tụng tiến hành trong cơ sở giam giữ.

Hiện nay bối cảnh hỏi cung về cơ bản là chỉ có điều tra viên và bị can. Cho nên đại đa số trường hợp ra tòa khai bị bức cung, dùng nhục hình, khi thẩm phán hỏi chứng cứ đâu thì không ai đưa ra được chứng cứ. Chứng cứ ở đâu được khi mà trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can”.

Ảnh: Việt Dũng
Ghi nhận quan điểm xử lý kiên quyết của lãnh đạo Bộ Công an, nhưng từ quan điểm đó đến việc xử lý cụ thể ở các địa phương vẫn còn khoảng cách, có khác nhau
Bà LÊ THỊ NGA

“Vội vàng, thành tích, sơ sài”

Trước tình trạng bức cung, dùng nhục hình gây bức xúc dư luận, nhiều thành viên thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý tạm giam, tạm giữ độc lập, tách biệt khỏi cơ quan điều tra, vì hiện nay ở cấp huyện thì điều tra và tạm giữ có cùng một ông thủ trưởng là trưởng công an huyện.

Tuy nhiên, ông Vương cho rằng “có hai yếu tố cần nhấn mạnh”. Thứ nhất là trách nhiệm kiểm soát, giám sát công tác tạm giam, tạm giữ của viện kiểm sát. Cái này rất quan trọng, bởi từ khi người ta bị bắt giữ thì viện kiểm sát đã phải kiểm tra, giám sát rồi. Thứ hai là vai trò trợ giúp pháp lý và vai trò của luật sư bảo vệ quyền con người.

“Bộ Công an cũng đã nhấn mạnh với cơ quan điều tra là cần tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền con người qua trợ giúp pháp lý và vai trò của luật sư” - ông nói.

Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh: “Tôi vẫn giữ quan điểm chung nhất đối với chuyện oan sai, chuyện bức cung, chuyện nhục hình đều do yếu tố con người thực thi pháp luật. Trong đó có vai trò của những người trực tiếp thực hiện, có vai trò của thủ trưởng cơ quan, của công tác quản lý. Ở

đây cũng phải nói rằng không chỉ có mỗi cơ quan điều tra, vì có cả một bộ máy hoạt động tố tụng. Cơ quan điều tra thực hiện bắt, khởi tố, tạm giam, tạm giữ thì suốt quá trình đó có sự giám sát của viện kiểm sát, khi kết luận điều tra xong thì cũng chuyển sang viện kiểm sát để truy tố.

Còn đối với các vụ án giết người thì buộc phải có luật sư. Một số vụ án bức xúc tôi trực tiếp xem lại thì thấy là do lỗi chủ quan, đó là nôn nóng, vội vàng, thành tích, sơ sài...”.

Ông Vương cho rằng ở cấp bộ thì đã tách bạch giữa cơ quan giam giữ và cơ quan điều tra, ở địa phương tuy vẫn cùng một thủ trưởng nhưng đã phân công, phân nhiệm rạch ròi.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương bày tỏ: “Cá nhân tôi rất muốn tách riêng cơ sở tạm giữ với điều tra, bởi ở cấp tỉnh thì ông giám đốc công an không trực tiếp là thủ trưởng cơ quan điều tra, nhưng ở cấp huyện thì ông trưởng công an huyện đồng thời là thủ trưởng cơ quan điều tra. Thủ kho và kế toán không nên làm cùng một việc. Trong nội bộ cũng cần tách bạch để kiểm soát lẫn nhau”.

Quyền của người bị tạm giữ

Vấn đề mà nhiều ý kiến cho rằng dự luật này còn thiếu, đó là quy định về quyền và trách nhiệm của người bị tạm giữ, tạm giam, bởi trong quá trình phục vụ điều tra họ chưa bị coi là có tội.

“Phải quy định rõ quyền của người bị tạm giữ, tạm giam để điều tra. Quyền nào bị hạn chế hoàn toàn, quyền nào vẫn được thực hiện nhưng có kiểm soát, quyền nào được đảm bảo ví dụ như quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, việc đảm bảo các quyền của người bị tạm giam, tạm giữ phục vụ điều tra như quyền được đảm bảo ăn, mặc, ở, tiếp xúc thân nhân, luật sư, chế độ cung cấp thông tin, không bị bức cung, dùng nhục hình... chính là yêu cầu của Hiến pháp.

Ông Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Công an) tiếp thu, giải trình các ý kiến tại phiên thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên