Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về kế hoạch triển khai đầu tư cầu Cát Lái thay phà Cát Lái, kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai.
Thực hiện mục tiêu tăng cường kết nối giao thông liên vùng, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất bổ sung các vị trí cầu kết nối giữa hai địa phương qua sông Đồng Nai, bao gồm: cầu Cát Lái, cầu kết nối TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành và cầu kết nối khu Nam TP.HCM (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch.
Đối với cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025. Phía TP.HCM cũng đề nghị cần lưu ý thời điểm triển khai thi công phần cầu dẫn phía TP thực hiện sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu hoàn thành đưa vào khai thác. Việc này nhằm đảm bảo giảm ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cầu Cát Lái là dự án quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, vượt sông Đồng Nai với tĩnh không 55m.
Phần đường dẫn phía TP.HCM có chiều dài gần 2km với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn.
Dự kiến thời gian triển khai đầu tư cây cầu này khoảng từ 4-5 năm, bao gồm việc cập nhật quy hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng...
Hiện nay TP.HCM đang tổ chức lập các Đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó cập nhật các phương án cầu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang triển khai nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu.
Nhằm đảm bảo việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu thay phà Cát Lái (dự kiến các mốc thời gian chính như cập nhật quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, khởi công)...
Bên cạnh đó xây dựng các nội dung phối hợp giữa hai địa phương, làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) có 5 cây cầu. Đó là cầu Đồng Nai, cầu Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cầu Cát Lái, cầu Phước Khánh.
Trong đó cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành. Hai cầu thuộc dự án đang triển khai thi công là cầu Nhơn Trạch của đường vành đai 3 TP.HCM và cầu Phước Khánh thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành. Còn cầu Cát Lái, vào năm 2019, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án.
Ngoài các cây cầu có trong quy hoạch như trên, hai địa phương thời gian qua đã nghiên cứu bổ sung hai cầu mới để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân là cầu kết nối TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành và cầu kết nối khu Nam TP.HCM (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch.
Đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu có quy mô ra sao?
Cảng Cát Lái là khu cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Tuy nhiên, giao thông ra vào cảng rất khó khăn.
Để giảm ùn tắc, thời gian qua TP.HCM đang triển khai nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu. Con đường dài 6,6km này rộng 60m với 12 làn xe.
Điểm đầu dự án ở đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối tại nút giao đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận