Chiều 27-7, ông Phạm Văn Chi - chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết các kiến nghị của hội đã được gởi đến Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đề nghị dời khách sạn, không dời các sở, ngành tỉnh Khánh Hòa
Theo ông Chi, Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị xem xét về dự án trọng điểm, đang được triển khai gấp rút trong năm 2023 là xây dựng trụ sở các cơ quan lãnh đạo tỉnh, gồm: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và cơ quan các sở, ban ngành của tỉnh.
Theo Hội Trí thức tỉnh, để trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030 theo nghị quyết của Bộ Chính trị, thì "trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền cấp tỉnh cũng cần được quy hoạch xây dựng chỉnh trang theo hướng hiện đại".
Tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai đầu tư xây dựng trụ sở mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tại khu đất số 1 Trần Phú, TP Nha Trang. Di dời trụ sở Tỉnh ủy Khánh Hòa khỏi địa điểm hiện nay (tại số 6 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang).
Còn đối với các sở, ban ngành, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo di dời vào khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính tỉnh, ở khu đồng trũng phía tây đường Lê Hồng Phong, TP Nha Trang, đã điều chỉnh bố trí 10ha.
Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị các trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì xây dựng tại khu số 1 Trần Phú. Còn trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa thì xây dựng tại khu đất số 2 Trần Phú (ngay vị trí khách sạn và Bưu điện tỉnh Khánh Hòa hiện nay).
Theo Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, việc đề xuất bố trí xây dựng trụ sở các cơ quan như đã nêu trên là để trụ sở mới của các cơ quan lãnh đạo tỉnh đều có mặt tiền giáp đường Trần Phú và đều cùng hướng ra biển.
Còn đối với các sở, ban ngành theo Hội Trí thức tỉnh là "không nên di dời ra ngoại thành vì rất tốn kém đất đai, kinh phí" mà cần xây dựng lại các khu liên cơ đó nhiều tầng hơn, có thêm hầm đậu xe để bố trí các sở, ban ngành tiếp tục tồn tại, làm việc tại trung tâm TP Nha Trang.
Tạo thuận tiện cho người dân và cán bộ, công chức
Theo ông Phạm Văn Chi, nếu cần thiết tỉnh nên xem xét, chuyển đổi đất phù hợp cho doanh nghiệp để di dời và thu hồi luôn cả khu đất thuộc cơ sở bưu điện cũ (đường Lê Lợi, đang cho làm quán cà phê), để bố trí xây dựng các cơ quan của tỉnh tập trung trong khu vực biệt lập, từ giáp đường Lê Lợi đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vẫn theo ông Chi, việc bố trí xây dựng tập trung như trên sẽ tránh được cảnh "các cơ quan lãnh đạo tỉnh một nơi, các sở ban ngành một ngả" cách xa hàng chục cây số. Như vậy, cả hiện tại và lâu dài sẽ vừa thuận lợi cho mọi công dân, doanh nghiệp khi cần đến làm việc, giao dịch với các cơ quan, chính quyền. Đồng thời tạo thuận tiện cho cả cán bộ, công chức, nhân viên các cơ quan đi lại, làm việc hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận