TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đưa hôn nhân đồng tính vào trong vòng pháp luật cũng là để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại - Ảnh: LÊ KIÊN
Chiều 13-1, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tiếp tục hội nghị với chủ đề phòng chống xâm hại trẻ em trong môi trường học đường.
Báo động đỏ
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, từ năm 2015 đến hết tháng 6-2019, các lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em (dưới 16 tuổi), với gần 8.600 đối tượng, xâm hại 8.091 em.
Trong đó xâm hại tình dục dưới các hình thức hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, dâm ô, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm chiếm trên 81%. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục được "báo động đỏ".
Thực tế đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc hết sức đau lòng như vụ Đinh Bằng My, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), bị bắt giam vì nghi vấn xâm hại tình dục nhiều nam học sinh trong nhiều năm.
Ngay tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, một giáo viên trường tiểu học cũng bị phụ huynh tố cáo có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nữ lớp 3…
"Việc thầy cô giáo xâm hại tình dục trẻ em đã làm lệch lạc chuẩn mực đạo đạo đức xã hội, làm các em không còn tin vào thầy cô, khiến dư luận hết sức bất bình" - ông Thủy khẳng định.
Ông Thủy cũng cung cấp số liệu điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy 25% những người lớn, 20% số phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của xâm hại từ khi con nhỏ.
Giống như nhiều ý kiến khác, TS Thủy đề nghị tập trung cho giải pháp giáo dục, nâng cao nhận thức. Bởi giáo dục không chỉ cần thiết cho trẻ mà còn cho phụ huynh và giáo viên vì bài học về phòng tránh bị xâm hại nên được nhắc lại thường xuyên. Sự tham gia và đồng thuận của nhiều lực lượng xã hội mới có thể giúp công tác phòng chống xâm hại trẻ em được cải thiện.
Từng là đại biểu Quốc hội, ông Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình, bổ sung quy định về điều kiện kết hôn theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được kết hôn (buộc trải qua lớp học về cách làm cha, mẹ, vợ, chồng, dạy con…).
Đồng thời, "xem xét quy định cho người đồng tính được kết hôn hoặc đăng ký sống chung, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người nói chung, dần thay đổi các quan niệm và định kiến xã hội, bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em là con các gia đình này".
Lý do theo ông Thủy, hiện việc các cặp đồng tính chung sống hay kết hôn với nhau vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, nhu cầu có con của các cặp đôi này là có thật, thực tế cũng cho thấy con của những người đồng tính rất dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trong trường học.
Bà Lê Hồng Loan đề nghị xây dựng, ban hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên, giáo viên trong trường học - Ảnh: LÊ KIÊN
Cần nhân viên tâm lý trong trường học
Ông Bùi Văn Linh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục - đào tạo - thừa nhận hiện nay các em rất thiếu kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng đối phó với các hành vi xâm hại.
Nhiều bậc phụ huynh lại bao bọc, theo kè con quá mức, mặc dù trường ngay gần nhà nhưng vẫn đưa đi đón về. Ông Linh khẳng định nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa cho học sinh là giải pháp quan trọng.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục - đào tạo chỉ đạo các địa phương chú trọng việc bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý.
Bà Lê Hồng Loan - trưởng Phòng bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam - đề nghị cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chuẩn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học trong giao tiếp, ứng xử với học sinh. Các hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường với học sinh cần bị xử lý nghiêm khắc.
"Giáo dục giới tính, bình đẳng giới, kỹ năng tự bảo vệ… cần được lồng ghép vào các môn học phụ thuộc vào lứa tuổi học sinh. Mối liên hệ giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh cần thông suốt, thông tin phải chuyển gửi rõ ràng" - bà Loan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận