18/01/2019 14:29 GMT+7

Sẽ báo cáo Thủ tướng phê bình địa phương không bảo vệ được trẻ em

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Trong một tháng nữa, nếu tỉnh nào không lập các ban chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách công tác bảo vệ trẻ em, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ báo cáo để Thủ tướng phê bình.

Sẽ báo cáo Thủ tướng phê bình địa phương không bảo vệ được trẻ em - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị sáng 18-1 - Ảnh: ĐỨC ANH

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019 sáng 18-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy.

Theo Phó thủ tướng, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ trẻ em. Thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với các em nhỏ là nạn nhân, đồng thời gây bất bình trong dư luận xã hội.

Chính vì thế, tháng 8-2018, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp bảo vệ trẻ em. 

Tại hội nghị đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần coi bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hằng ngày của các bộ ngành, địa phương, trường học và gia đình.

Tuy nhiên, sau hội nghị, sự chuyển biến vẫn chưa rõ nét. Ông Đam dẫn chứng cho biết đến thời điểm này vẫn có 17 tỉnh, thành chưa có ban chỉ đạo về bảo vệ trẻ em.

Hiện mới có 5.510/hơn 11.000 xã có cán bộ phụ trách về công tác bảo vệ trẻ em, mới có 440/713 huyện có cán bộ và bộ phận làm công tác bảo vệ trẻ em.

"Mỗi tuần, trên báo, trên mạng vẫn có những vụ việc xâm phạm trẻ em khiến dư luận bức xúc. Việc dễ như thế, chỉ định đầu mối, lập quy chế phối hợp mà không làm thì làm sao bảo vệ được trẻ em?

Tôi đề nghị trong một tháng nữa, nếu tỉnh nào không làm thì bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội báo cáo để Thủ tướng phê bình", ông Đam nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Doãn Mẫu Diệp, năm 2018 bộ đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị còn 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây). Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%.

Tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Đưa được trên 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 29,9% kế hoạch)…

Năm 2019, ngành lao động - thương binh và xã hội đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu được giao, như: tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%...

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên