15/11/2018 16:37 GMT+7

Đề nghị cho học sinh hết cấp 2 được lên cao đẳng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) - thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - khẳng định đã thí điểm thành công mô hình này, đề nghị luật hóa để tạo đột phá trong phân luồng giáo dục.

Đề nghị cho học sinh hết cấp 2 được lên cao đẳng - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Quân khẳng định đã thí điểm thành công mô hình học sinh học xong cấp 2 (THCS) được lên cao đẳng - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi ngày 15-11, ông Quân nhận định nếu không thực sự quan tâm đến phân luồng giáo dục thì rất khó triển khai thực hiện. Thứ trưởng cho biết thời gian vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm mô hình học hết 9 năm thì được lên học cao đẳng.

Như vậy chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em đến 18-19 tuổi gia nhập thị trường là rất hiệu quả. Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này. 

"Do đó, đề nghị cho phép các em học hết THCS có thể tham gia trung cấp hoặc học cao đẳng ngay, khi đó chúng ta thiết kế chương trình sẽ đảm bảo phù hợp hơn", ông Lê Quân đề nghị.

Để người trẻ sớm gia nhập thị trường lao động

Ông Quân dẫn chỉ thị năm 2011 của Bộ Chính trị và quyết định gần đây của Thủ tướng nêu mục tiêu đến 2020 đạt 30% học sinh THCS vào học nghề, đến 2025 đạt 40%. Nhưng hiện nay tỉ lệ này mới đạt trung bình 8-10%, tỉnh cao nhất là Vĩnh Phúc đạt 25%. 

Theo thứ trưởng Lê Quân, xã hội hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến một đối tượng rất quan trọng là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học THPT, phải vào học nghề nhưng phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên. Trong khi đó, xu hướng trên thế giới là người trẻ gia nhập thị trường lao động rất sớm.

"Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết THCS, lớp 9 vào học nghề thì 18-19 tuổi đã gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu như hiện nay. Sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1-2 năm để lấy bằng đại học. Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp, Anh", ông Lê Quân nói.

Mọt vấn đề đang tồn tại là chương trình học rất nặng: Học nghề tại trường nghề, học văn hóa tại trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc một trường nào đó. Nếu muốn học liên thông lên cao hơn, học sinh tốt nghiệp trung cấp phải học thêm một năm văn hoá. Học hết cao đẳng muốn liên thông lên đại học lại phải tham gia kỳ thi tuyển quốc gia, trong khi đại học hiện nay đã xét tuyển rồi.

"Hiện nay khung trình độ quốc gia có 8 bậc, trung cấp là bậc 4, cao đẳng bậc 5, đại học bậc 6. Tôi đề nghị quy định học xong bậc nào phải được liên thông lên bậc kế tiếp, không cần những điều kiện bổ sung. Trách nhiệm của ai quản lý bậc nào thì phải đào tạo chương trình đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để liên thông lên bậc trên", đại biểu Lê Quân, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ.

Đề nghị cho học sinh hết cấp 2 được lên cao đẳng - Ảnh 2.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh phân tích tính hình thức và kém hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp hiện nay - Ảnh: Quochoi.vn

Giáo dục hướng nghiệp đang rất hình thức

Đồng tình với ông Lê Quân, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) bình luận: "Giáo dục hướng nghiệp hiện ở trong điều kiện rất eo hẹp, số tiết học hướng nghiệp quá ít, rất hình thức, 9 tiết/năm. Cơ sở vật chất thiếu, không có giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp, kiêm nhiệm cũng không".

"Đề nghị ban soạn thảo bổ sung giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vào nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục quốc gia và phải khẳng định vai trò quản lý của nhà nước đối với giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh", bà Hạnh nói.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định công nhận tương đương bằng THPT đối với đối tượng có bằng trung cấp nghề để học sinh phân luồng học nghề có cơ hội học tập ở trình độ cao hơn. 

phung xuan nha 2

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: LÊ KIÊN

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đang nghiên cứu triết lý giáo dục

Phát biểu cuối phiên thảo luận, bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Triết lý giáo dục là vấn đề liên quan đến quan điểm. Rất nhiều nội dung mà các đại biểu nêu ở các khía cạnh khác nhau liên quan đến triết lý giáo dục.

Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.

Tất cả những vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để trình Quốc hội dự thảo, báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019)".

Giáo dục thiếu triết lý như không có hải đăng dẫn đường Giáo dục thiếu triết lý như không có hải đăng dẫn đường

TTO - Quốc hội rút ngắn thời lượng thảo luận Luật giáo dục sửa đổi từ 1 ngày xuống 1 buổi, trong khi bảng điện tử hiện 63 đại biểu đăng ký phát biểu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên