25/06/2024 18:38 GMT+7

Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ vì sao chưa công bố mức sống tối thiểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) băn khoăn tại sao 5 năm qua chưa công bố mức sống tối thiểu nên chưa có cơ sở xác định mức lương để đảm bảo mức sống tối thiểu.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 25-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

Tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho hay từ khi có nghị quyết 27 của trung ương về cơ chế cải cách chính sách tiền lương, trong 5 năm qua chưa có số liệu mức sống tối thiểu của Việt Nam nên chưa có cơ sở xác định mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu.

Ông Nhân đề nghị Chính phủ báo cáo rõ vì sao chưa công bố mức sống tối thiểu.

Cùng với đó làm rõ đề án nâng lương lần này thực sự có đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết trung ương là một cải cách tiền lương xuất phát từ mức sống tối thiểu.

"Chúng ta đặt yêu cầu tăng 30% lương, tăng lương tốt cho công chức, rất có ý nghĩa nhưng chưa bám sát được nghị quyết của trung ương là phải xác định mức sống tối thiểu. Vậy khó khăn gì dẫn đến việc không công bố mức sống tối thiểu?", ông Nhân đặt vấn đề.

Theo đại biểu: "Nếu hiểu rõ các khó khăn chúng ta sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ. Nhưng cũng phải có mục tiêu lúc nào thì làm đúng yêu cầu này của nghị quyết trung ương về cải cách tiền lương".

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN

Cùng vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ: "Mức sống tối thiểu là việc phải đạt tới. Tuy nhiên con số này tùy vào vùng miền sẽ khác nhau. Cùng một số tiền, với vùng này là đủ, nhưng với những địa phương như TP.HCM, Hà Nội... mức sống rất cao thì lại chưa đủ".

Theo ông Nghĩa, với tình hình kinh tế thị trường hiện nay, mức sống tối thiểu sẽ rất khác so với 5-10 năm trước. Trong khi mức lương hiện nay lương khu vực công quá thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu và so với khu vực tư nhân, khoảng cách lương của khu vực công cách rất xa.

Việc này dẫn đến cán bộ, công chức, người lao động thiếu động lực. Đại biểu đề nghị khi định mức sống tối thiểu cần đẩy lên và lấy đó làm mức phấn đấu. Nếu không lương khu vực tư không thua, nhưng lương của đội ngũ công chức ở Việt Nam so với Campuchia còn thua.

"Khi muốn yêu cầu cán bộ, công chức làm tốt hơn, cực nhọc hơn, tranh thủ đi học nâng cao trình độ nhưng với lương hiện nay khó yêu cầu họ những điều đó", ông Nghĩa nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) chia sẻ ý nghĩa của những đợt cải cách lương trước đây rất thấp, không chạy theo được tốc độ tăng giá cả.

Ông Hoàng cho rằng cải cách tiền lương phải đi đôi với lãnh đạo phát triển nền kinh tế bền vững. Ông nói: "Kinh tế bền vững vậy may ra có đủ lực để thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện chế độ lương theo mức sống tối thiểu đúng nghị quyết 27".

Ở góc độ chính trị, ông Hoàng cho rằng: "Khi chế độ tiền lương chi trả theo mức sống tối thiểu có thể giảm bớt, thậm chí triệt tiêu được tham nhũng.

Giải quyết vấn đề gốc nguồn cơ vấn nạn hiện nay chúng ta phải đau đầu, buồn phiền, thậm chí lo lắng là không biết ngày mai ông cán bộ bự nào, cán bộ to nào lại vào khám, lại xin từ chức. Cũng vì đồng lương thôi".

Cải cách tiền lương: "Chính là việc thiết kế các bảng lương"

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có giải trình thêm tại tổ về vấn đề cải cách tiền lương.

Bà Trà nêu rõ việc cải cách chính sách tiền lương là vấn đề lớn, rất hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người có công.

Đồng thời tác động trực tiếp đến khoảng 50 triệu đối tượng thực hiện các chính sách xã hội hiện nay gắn với mức lương cơ sở...

Vì vậy, theo bà Trà, khi triển khai nghị quyết 27, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học và đặc biệt, đánh giá rất nhiều chiều tác động liên quan. Trong đó có tác động tích cực, khó khăn khi cải cách tiền lương.

Bà thông tin khi đi sâu vào thực hiện nghị quyết 27 cũng có nhiều khó khăn, bất cập. Khó khăn, bất cập lớn nhất lại rơi vào vấn đề cơ bản chính là việc thiết kế các bảng lương.

Cụ thể, 5 bảng lương gồm chức vụ, chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ chung cho cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương của lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, việc cơ cấu, sắp xếp lại 9 nhóm phụ cấp, vướng mắc rất nhiều.

Trong đó, nếu thiết kế bảng lương theo nguyên tắc tại nghị quyết 27, tương quan giữa các đối tượng sẽ không đảm bảo công bằng, hợp lý. Có đối tượng được tăng trên 30%, có đối tượng tăng 5 - 7%, thậm chí có đối tượng thấp hơn so với lương hiện hưởng.

Rồi khi sắp xếp lại 9 nhóm phụ cấp, như cơ cấu tiền lương hiện nay là 40 - 60 (40% trợ cấp, 60% lương cơ bản), còn theo thiết kế mới là 30 - 70. Như vậy, những đối tượng muốn quan tâm (giáo viên, y tế...) lại rất khó.

Trong lương hiện hưởng của họ, phụ cấp chiếm rất cao (thâm niên, đứng lớp, vùng đặc biệt khó khăn…). Còn theo cải cách phải sắp xếp lại, không còn phụ cấp thâm niên nữa, phụ cấp đứng lớp cũng phải điều chỉnh vì tổng thể chỉ còn 30%.

Một khó khăn nữa đến từ xây dựng vị trí việc làm, dù triển khai từ 2012 nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Vừa qua, hệ thống chính trị "nước rút" để phê duyệt xong đề án vị trí việc làm, nhưng nhìn chung chưa đảm bảo chất lượng. Bộ Chính trị cũng chưa ban hành danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn khi xây dựng vị trí việc làm gắn với mô tả, khung năng lực.

Cần 913.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu từ 1-7Cần 913.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu từ 1-7

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên