
Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 16-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều đại biểu quan tâm đến các chính sách cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đầu tư.
Loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết
Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) đề nghị nghị quyết của Quốc hội cải cách mạnh mẽ thực thi pháp luật, nhất là thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.
Theo đó để đạt mục tiêu mà nghị quyết 68 đặt ra, bà Mai đề nghị năm 2025 cần hoàn thiện và loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, các quy định chồng chéo không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó cần thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm trong những năm tiếp theo.
Bổ sung quy định nội dung bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghiên cứu bãi bỏ thủ tục đầu tư, chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, chỉ giữ lại chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục ngành nghề các ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện.
"Vì nhà đầu tư hiện nay vẫn đang quản lý theo từng dự án thông qua thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô, tiến độ, thời gian thực hiện mà doanh nghiệp tự do kinh doanh, sản xuất bao nhiêu, sản xuất cái gì là việc của nhà đầu tư. Trong khi hiện nay nếu thay đổi lại phải xin phép điều chỉnh chủ trương đầu tư" - bà Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị ghi rõ hẳn chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm.
Theo ông Huân, nghị quyết 68 ghi rõ các doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, chúng ta chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Tuy nhiên hiện nay đăng ký kinh doanh có những mã ngành nghề chưa có, nhiều doanh nghiệp vướng, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đại biểu cũng cho hay dự thảo có quy định xử lý nghiêm những hành vi hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí, thống lĩnh vị trí độc quyền. Ông đề nghị điều chỉnh lại rõ và sửa đổi thành nghiêm cấm hành vi thúc đẩy kinh doanh độc quyền, ép buộc, ngăn cấm doanh nghiệp khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cho phép thí điểm cơ chế đặt tiền gỡ phong tỏa với dự án đóng băng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ - Ảnh: GIA HÂN
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhận định doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ mới phát triển đựợc.
Ông kỳ vọng nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, như “luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa”. Tuy nhiên ông đề nghị loại bỏ các quy định trùng lắp pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ thương mại quốc tế và tư pháp cho doanh nghiệp, giúp họ cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
"Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất khó khăn nhưng chính sách thay đổi liên tục, doanh nghiệp vừa dồn lực đầu tư chính sách lại thay đổi, họ phải quay lại thời điểm xuất phát nên rất khó", vị đại biểu nêu thực tế.
Bà Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) tranh luận về nguyên tắc xử lý vi phạm với doanh nghiệp. Bà Thủy cho rằng không áp dụng hồi tố quy định bất lợi với doanh nghiệp là nguyên tắc chung của Bộ luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức, không phải chính sách đặc thù nên không cần ghi trong nghị quyết này.
Tương tự bà đề nghị bỏ quy tắc đảm bảo suy đoán vô tội trong xử lý vi phạm do đã quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bà Thủy đề nghị áp dụng nghị quyết 164/2024, cho phép thí điểm với các vụ án kinh tế tư nhân, để doanh nghiệp đặt tiền bảo đảm gỡ phong tỏa tài sản và được tiếp tục khai thác tài sản đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận