13/11/2020 08:48 GMT+7

Để không lỡ 'tuổi xuân' nghề nghiệp

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ở độ tuổi trẻ trung nhất, nhiều thanh niên nông thôn vì hoàn cảnh hoặc vì lựa chọn đã đổ về đô thị làm việc tại khu công nghiệp hoặc làm những việc giản đơn. Đến độ tuổi trung niên nếu bị sa thải, họ sẽ chới với vì không có nghề nghiệp trong ta

Để không lỡ tuổi xuân nghề nghiệp - Ảnh 1.

Tọa đàm “Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 12-11 - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại tọa đàm "Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 12-11.

Không học nghề, tương lai bất định

Ông Nguyễn Chí Trường, vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN), cho biết theo thống kê năm 2019, lực lượng lao động tại nông thôn chiếm 66,6% toàn bộ lực lượng lao động cả nước, tuy nhiên mới có 24,5% lao động qua đào tạo. 

Có một xu hướng đáng lo ngại là thanh niên nông thôn đến độ tuổi lao động thay vì học nghề lại ra thành phố làm những việc giản đơn để kiếm tiền, hoặc vào các khu công nghiệp làm việc.

Theo ông Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, xu hướng dịch chuyển lao động này sẽ để lại hệ lụy lớn mà Nhà nước cần phải tính toán trong tương lai, cụ thể là đào tạo lại lao động. 

"Có những doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng tới cả 100.000 lao động của Việt Nam nhưng họ chỉ đào tạo ngắn hạn, lao động làm theo dây chuyền chỉ biết được một phần việc rất nhỏ. Lớp người lao động này nếu bị sa thải thì sẽ thất nghiệp vì thực chất họ không có kỹ năng gì" - ông Ngọc nói.

Tương tự, ông Lê Đức Thịnh - cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Bộ NN&PTNT - nhận định thanh niên nông thôn không có nghề nghiệp ổn định, chọn những nghề giản đơn để kiếm sống đang là nhóm yếu thế nhất, bởi 67% người thất nghiệp là những lao động giản đơn.

Có mặt tại hội thảo, anh Hoàng A Dê (28 tuổi, ở Mai Châu, Hòa Bình) cho biết dù tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, anh vẫn bị thất nghiệp. Sau đó, nhờ được huyện giới thiệu cho đi học nghề du lịch, anh có cơ hội kiếm việc. 

Còn anh Đàm Văn Thực hiện đang làm xe ôm công nghệ ở Hà Nội, đã bước vào tuổi trung niên, chia sẻ: "Dù hiện tại tôi tạm hài lòng với công việc xe ôm công nghệ, vì công việc này cho tôi mức lương đủ để nuôi sống gia đình, nhưng nếu được trở lại quá khứ tôi sẽ chọn được học nghề. Ngày xưa do không có điều kiện và cũng không hiểu biết nên không đầu tư học nghề. Rút kinh nghiệm từ bây giờ tôi sẽ hướng nghiệp cho con ngay từ khi còn học trung học cơ sở".

Từ khi Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời, học sinh THCS học tiếp lên trung cấp được miễn học phí thì tuyển sinh học nghề thay đổi. Trong giai đoạn tới cần tăng tỉ lệ thanh niên theo đuổi học nghề.

Ông Đỗ Năng Khánh (phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN)

Chọn nhầm nghề, tốn kém cho xã hội

Là người điều phối phiên tọa đàm, nhà báo Huy Thọ, phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông (báo Tuổi Trẻ), nêu câu chuyện trong tác phẩm Gái công xưởng viết về những lao động nữ của Trung Quốc trong guồng máy sản xuất hàng hóa công nghiệp thập niên 1990. 

Ông Thọ nói: "Có một câu nói trong sách tôi vẫn nhớ đến giờ, đại ý chỉ cần dạy cho họ một kỹ năng vi tính có thể giúp họ thay đổi cuộc sống, cho thấy tầm quan trọng của việc hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên nông thôn như thế nào".

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - nhấn mạnh: "Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều thanh niên chọn nhầm nghề, tốn kém rất nhiều nguồn lực cho xã hội. Tôi phải nói thật hướng nghiệp hiện nay ta làm chưa tốt. 

Ở nước ngoài, hướng nghiệp là trách nhiệm của nhà trường, các thầy cô hằng ngày gặp các em, hướng cho các em vào ngành nghề xã hội cần, xu hướng thế nào, đánh giá năng lực em nào phù hợp với nghề gì, từ đó đưa ra lời khuyên".

Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký tại quyết định số 1956/QĐ-TTG năm 2009 không nên dừng lại. "Nếu không tiếp tục, chúng ta lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi nhân lực cho nền kinh tế trong khu vực nông thôn" - ông Ngọc nói.

Chất vấn ở Quốc hội: Thách thức quy hoạch giáo dục nghề nghiệp Chất vấn ở Quốc hội: Thách thức quy hoạch giáo dục nghề nghiệp

TTO - Dự kiến hôm nay 9-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời trước Quốc hội về vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên