13/05/2019 10:12 GMT+7

Để không bị kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung

NGỌC AN - PHI TUẤN
NGỌC AN - PHI TUẤN

TTO - Rất có thể có một làn sóng các doanh nghiệp đối thủ Vinamit ở Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, xây nhà máy sản xuất xuất sang Mỹ để né thuế, hai là sẽ bán ngược lại Trung Quốc.

Để không bị kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng từ Việt Nam có lợi thế trong thương chiến Mỹ - Trung. Trong ảnh là sản xuất gỗ tại một công ty ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi USD tăng giá thì những doanh nghiệp xuất khẩu như Vinamit, theo tổng giám đốc Nguyễn Lâm Viên, "hưởng lợi" vì bỗng nhiên có thêm tiền, cứ mỗi phần trăm USD tăng giá là mỗi phần trăm Vinamit thêm lời. 

Còn những nhà nhập khẩu nhiều nguyên liệu, theo tổng giám đốc một công ty nội thất, thì bị ảnh hưởng lớn, cứ một đồng tỉ giá tăng thì mất thêm một đồng khoản lãi. 

Nằm ở giữa ấy là những doanh nghiệp vừa xuất vừa nhập, như Cỏ May ở Đồng Tháp - nhập về đậu nành để làm thức ăn chăn nuôi bị "lỗ tỉ giá" nhưng lại được khoản "lời" từ xuất khẩu cá tra bù vào, nên "cũng không mấy ảnh hưởng", theo CEO Phạm Minh Thiện.

"Niềm vui" lời tỉ giá trước mắt khó mà khỏa lấp được nỗi lo, mà theo ông Viên của Vinamit, là "lợi ít hại nhiều". Ấy là bởi rất có thể có một làn sóng các doanh nghiệp đối thủ Vinamit ở Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp trong nước và xây nhà máy để sản xuất các sản phẩm, một là xuất sang Mỹ để "né thuế", hai là sẽ bán ngược lại Trung Quốc để cạnh tranh trực diện với nông sản Việt.

Đó là chưa nói đến chuyện tỉ giá tăng, đằng nào người Trung Quốc cũng sẽ tìm cách "lấy lại" bằng cách này hay cách khác, vì "họ là những người rất lão luyện trong thương trường", theo ông Viên.

Theo TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, nếu Mỹ đánh thuế toàn bộ số hàng còn lại từ Trung Quốc sẽ dẫn tới biến động vô cùng to lớn đến thị trường thế giới, có thể khởi đầu cho cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. 

Không chỉ với thị trường hàng hóa mà động chạm tới một loạt các thị trường khác như thị trường chứng khoán "điên đảo", thị trường vốn và tiền tệ, quan hệ tỉ giá sẽ "nhảy múa". 

Có lo ngại rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới sự suy thoái toàn cầu, dĩ nhiên mức độ từng quốc gia là khác nhau.

"Việc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) để đảm bảo sức cạnh tranh hàng hóa của họ, nhưng sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, vì quan hệ tỉ giá đồng VND và NDT tương đối đặc biệt, nhất là ta có quy định đồng NDT có thể được thanh toán ở biên giới. Khi giá trị đồng NDT giảm xuống và đồng VND tăng lên, khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam kém đi", ông Thắng nói.

Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn Mỹ

Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, trưởng ban kinh tế thế giới Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), cho biết với việc đánh thuế 25% với 200 tỉ USD, Trung Quốc sẽ chịu khá nhiều tổn thất. 

Theo đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm 0,37 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019 - 2020 và sẽ lớn hơn trong vòng 2 năm tiếp sau đó trước khi cơ cấu kinh tế có thể điều chỉnh và phục hồi. Tương tự, phía Mỹ cũng chịu nhiều thiệt hại với tốc độ tăng GDP bị giảm đi 0,25 - 0,36 điểm phần trăm.

Cẩn trọng để không bị phía Mỹ "bắt giò"

* TS Lê Hoài Quốc (cựu trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM): Chính sách phải lường trước rủi ro

Để không bị kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 4.

Với tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, rõ ràng đã có 2 luồng tác động đến các nhà đầu tư. Đó là làn sóng những doanh nghiệp FDI rời khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam cũng như các nước lân cận, hoặc chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn chuyển đến Việt Nam nhằm né thuế. 

Nếu để Trung Quốc dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ, không khéo chúng ta sẽ bị Mỹ "bắt giò", đánh thuế hàng hóa từ chính Việt Nam, khi đó họ sẽ có thể xem xét các chính sách về thuế. 

Do đó, về mặt chính sách chúng ta phải lường trước và khôn ngoan để đảm bảo lợi ích cho hàng Việt.

* PGS.TS Nguyễn Văn Minh (viện trưởng Viện Kinh tế và thương mại quốc tế): Chọn công nghệ, tri thức

Để không bị kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 5.

Việt Nam có quan hệ kinh tế với độ mở rất cao, nhưng trong xu hướng chuyển dịch này, bài toán đặt ra là các doanh nghiệp có chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư và chuyển dịch hay không vì mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng nhiều hơn trên chính sân nhà Việt Nam. 

Nếu không có sàng lọc kỹ lưỡng, có thể Việt Nam sẽ là bãi rác công nghiệp khi Trung Quốc chuyển dịch đầu tư. Do đó, cùng với chính sách quản lý, lựa chọn đầu tư cho phù hợp thì doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng này cũng phải củng cố thương hiệu và thị trường. Việc liên kết hợp tác với FDI có thể tăng lên nhưng cần chọn ai có công nghệ giúp thay đổi năng suất, hàm lượng tri thức trong sản phẩm.

NGỌC HIỂN - NGỌC AN ghi

Bloomberg: Mỹ ‘cho’ Trung Quốc một tháng để thu xếp thỏa thuận thương mại Bloomberg: Mỹ ‘cho’ Trung Quốc một tháng để thu xếp thỏa thuận thương mại

TTO - Cố vấn kinh tế của tổng thống Trump cho rằng Mỹ chỉ đang tự vệ trước một Trung Quốc không tuân thủ thông lệ quốc tế.

NGỌC AN - PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên