09/05/2019 11:49 GMT+7

Thị trường lo lắng chờ đàm phán thương mại Mỹ - Trung

NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG
NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG

TTO - Diễn biến cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dồn dập như một cuốn phim nhưng lại khiến các thị trường khác, đơn cử châu Âu, rơi vào tình trạng chờ đợi và lo lắng.

Thị trường lo lắng chờ đàm phán thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Trong ảnh, giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York ngày 7-5 - Ảnh: Reuters

Càng về gần hai ngày đàm phán 9 và 10-5, giới quan sát càng bi quan đối với triển vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt một thỏa thuận tốt.

"Quả bom" gây căng thẳng nổ ra ngày 8-5, khi Reuters dẫn các nguồn độc quyền nói Trung Quốc đã có động thái gần như quét sạch mọi nỗ lực đàm phán hàng tháng trời.

Bản sửa gây sốc

Thông tin của Reuters hé lộ lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua bất ngờ tuyên bố tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay trước giờ hai bên bước vào đàm phán.

Cụ thể theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc đã đưa lại cho Mỹ một bản sửa đổi thỏa thuận dài 150 trang vào thứ sáu tuần trước (3-5). Trong 7 chương của bản thảo thỏa thuận mới, Trung Quốc xóa bỏ gần như toàn bộ cam kết chứa đựng mối quan tâm cốt lõi của Mỹ trong tranh chấp thương mại, bao gồm: vấn đề đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ Mỹ; cáo buộc thúc ép các công ty chuyển giao công nghệ; chính sách cạnh tranh không công bằng; việc tiếp cận vào các dịch vụ tài chính; và thao túng tiền tệ.

Bản sửa đổi Trung Quốc được cho là đã khiến cả đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin bất ngờ. Thậm chí theo đánh giá của các nhà phân tích và đầu tư, không chắc việc ông Trump tuyên bố về việc tăng thuế là hành động mang tính chiến thuật.

Cụ thể hơn, đây không phải cách ông Trump bắn tín hiệu buộc Trung Quốc nhượng bộ, mà thực tế nhiều người còn bất ngờ vì tại sao tổng thống Mỹ "phải đợi tới chủ nhật (5-5)" mới hành động.

Tựu trung, theo các nguồn tin nêu trên, giới chức Mỹ giờ đây "có rất ít hi vọng rằng ông Lưu Hạc sẽ đưa ra những đề nghị để đàm phán trở lại nhịp cũ".

Ông Lưu Hạc là phó thủ tướng Trung Quốc, thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình và được xem là nhân vật quan trọng nhất bên phái đoàn Trung Quốc trong tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại này.

Đàm phán thương mại có thể kết thúc. Nhưng cuộc chiến thương mại không bao giờ chấm dứt.

Tạp chí Atlantic của Mỹ bi quan

Mỹ gia tăng áp lực tứ phía

Sau khi ông Trump dọa tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đã phản ứng với nhiều mức độ khác nhau. Thông điệp rõ ràng nhất của Bắc Kinh là không nhượng bộ, đồng thời bình tĩnh đưa đàm phán trở lại tiến độ. Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 8-5 có bài xã luận khẳng định Trung Quốc "hoàn toàn tự tin" về khả năng kiểm soát căng thẳng thương mại.

Và có vẻ áp lực, ít ra về mặt truyền thông, đang được Mỹ đẩy mạnh hơn. Trong hai ngày qua, Washington liên tục đưa ra các đòn tâm lý trước cuộc đàm phán.

Kênh CNBC ngày 8-5 đưa tin bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính của Huawei - sẽ có mặt tại Tòa án tối cao British Columbia (Canada) lúc 10h sáng 9-5 (giờ Canada).

Buổi làm việc này chủ yếu nhằm thống nhất thời gian biểu cho các phiên tòa kế tiếp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, CNBC cho rằng luật sư của bà Mạnh có thể lập luận rằng bản chất vụ án này xuất phát từ động cơ chính trị, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. Mỹ từng cáo buộc Huawei phục vụ hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh và là một mối đe dọa an ninh quốc gia.

Tổng thống Trump cũng từng đưa ra tín hiệu sẽ can thiệp vào vụ xét xử này, nếu điều đó giúp Mỹ và Trung Quốc chốt được thỏa thuận chung, theo CNBC.

Cùng ngày, Đài BBC dự đoán Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đưa ra lời cảnh báo cho nước Anh, về các nguy cơ liên quan đến thiết bị mạng 5G của Huawei. Ông Pompeo sẽ có chuyến thăm và làm việc cùng Thủ tướng Theresa May vào tháng sau.

Tương tự, hàng loạt điểm nóng khác trong quan hệ hai nước cũng được báo đài Mỹ khai thác triệt để, đơn cử chuyện Hạ viện ngày 7-5 (giờ Mỹ) thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan - một yếu tố nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung.

Một ngày trước đó, người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết hai chiến hạm nước này đã đi vào gần sát đá Gaven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền.

Châu Âu ngồi chờ

Nguồn tin của South China Morning Post ngày 8-5 cho biết các cuộc đối thoại kinh tế giữa Bắc Kinh và châu Âu đang bị gián đoạn do căng thẳng trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trong hội nghị thường niên cuối tháng trước, Bắc Kinh và Brussels cùng cam kết đạt được các tiến triển "mang tính quyết định" trong thỏa thuận đầu tư song phương năm nay. Thế nhưng, mối quan tâm của Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi châu Âu khi cuộc đàm phán thương mại với Mỹ chuyển biến căng thẳng hơn.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng rơi vào hỗn loạn khi nhà đầu tư đồng loạt rút vốn, hoãn binh chờ kết quả cuộc đàm phán Mỹ - Trung tuần này. Theo Guardian tối 8-5 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán châu Âu cũng "rớt" khi lo lắng về cuộc chiến thương mại bao trùm các nhà giao dịch.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bốc hơi vì thương chiến Mỹ - Trung Chứng khoán Mỹ tiếp tục bốc hơi vì thương chiến Mỹ - Trung

TTO - Chỉ số Dow Jones mất gần 500 điểm, mức sụt giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 1 năm nay khi một quan chức thương mại cấp cao của chính quyền Mỹ hé lộ khả năng tăng áp thuế với Trung Quốc là thật.

NGUYÊN HẠNH - NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên