26/07/2021 09:06 GMT+7

Để Internet 'cứu' một mùa hè giãn cách

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Mùa hè năm 2021 thật đặc biệt với các bạn nhỏ ở TP.HCM và các tỉnh thành đang giãn cách vì dịch COVID-19. Không còn sinh hoạt hè, đi du lịch, học tiếng Anh..., phương tiện duy nhất kết nối với thế giới xung quanh dường như chỉ có Internet.

Để Internet cứu một mùa hè giãn cách - Ảnh 1.

Phụ huynh có thể cùng con trải nghiệm những ứng dụng xuyên biên giới trên Internet trong những ngày giãn cách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể linh hoạt trong bối cảnh này, tận dụng Internet để cho con những trải nghiệm hè "có một không hai".

Dạy con cách "hỏi Google"

Là chuyên viên phát triển phần mềm, ông Nguyễn Hướng (41 tuổi, ngụ Q.5) những ngày này được làm việc tại nhà nên có thêm thời gian để gần gũi cậu con trai đang học cấp II. Những lúc rảnh rỗi, ông "bắt" con ngồi vào máy tính để truyền dạy một kỹ năng theo ông là rất cần thiết: tìm kiếm thông tin trên Google.

Mỗi buổi kéo dài 15 - 30 phút, ở đó ông chỉ dẫn con những cách tìm một nội dung trên không gian mạng từ bài viết, tin tức, đến hình ảnh, video. "Hỏi Google" không chỉ theo cách bản năng. Để có được những câu trả lời phù hợp nhất, người dùng phải áp dụng các công thức khác nhau.

Chẳng hạn, ông dạy con cách dùng lệnh "site" + "địa chỉ trang web" sẽ cho ra kết quả liên quan đến từ khóa chỉ xuất hiện trên trang web cần tìm. Sử dụng công cụ "tools" để lọc những kết quả theo thời gian mà mình muốn kiếm, có thể vài giờ, vài ngày hoặc một năm. 

Hay với những hình ảnh lạ vô tình bắt gặp, con trẻ có thể dùng chức năng tìm hình ảnh của Google để kiểm chứng xem đây có phải một ảnh đã được sao chép hay không.

Những phương pháp này giúp các bạn trẻ có thể chủ động kiểm tra được nguồn thông tin xem chúng xuất phát từ đâu, khi nào và có trên các trang chính thống hay không. "Điều này rất hữu ích vì ngày nay tin giả, ảnh giả tràn lan. 

Thế hệ gen Z không thể tách khỏi công nghệ nên cần cho các bạn ấy biết những kỹ năng để xử lý những thông tin tiếp nhận được trên Internet một cách khôn ngoan nhất" - ông Hướng nói.

Ông chia sẻ thêm khá bất ngờ khi con mình rất hứng thú với những bài học này. Con thậm chí đã lập nhóm trên Facebook để chia sẻ lại cho bạn thân. Nhờ vậy, con có thêm một trải nghiệm ngay tại nhà để tăng hiểu biết và kết nối với thế giới xung quanh, đặc biệt trong những ngày hè giãn cách như năm nay.

Nhiều nền tảng thú vị sẵn có trên Internet

Nguyễn Như Quỳnh - chủ tịch CyberKid Vietnam, một tổ chức xã hội đảm bảo sự an toàn trên mạng của trẻ em Việt Nam - chia sẻ trong thời gian giãn cách xã hội, phụ huynh có thể tận dụng cơ hội được gần con để cùng con "khai phá" tìm những tính năng hữu ích trên Internet và phần nào bù đắp những thiếu hụt do hạn chế ra ngoài vì lệnh giãn cách.

Ngay trên YouTube hiện có nhiều kênh học thuật được thể hiện hấp dẫn. Chẳng hạn kênh Crash Course cung cấp những video là các bài học dưới dạng hoạt hình. Nội dung có đủ mọi kiến thức từ sinh học, vật lý, hóa học đến lịch sử, địa lý, xã hội. 

Nhiều trường học tại Mỹ và Úc xem một số video trên kênh này là nguồn học liệu cho học sinh của mình. Tại Việt Nam, một số kênh cung cấp kiến thức phù hợp với trẻ em có thể kể đến như "Taca khoa học", thường về khoa học tự nhiên hay "Ếch phu hồ", chuyên về những hiểu biết xã hội...

Những bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin có thể bắt đầu tìm hiểu về lập trình từ sớm thông qua các bài chia sẻ miễn phí trên Internet. 

Trang freeCodeCamp.org là một nguồn học liệu đáng tham khảo khi quy tụ được những chuyên gia công nghệ hàng đầu hướng dẫn cho đối tượng trẻ em. 

Nếu bạn muốn tìm nội dung tương tự như bằng tiếng Việt, kênh "Dũng Lại Lập Trình" thu hút hàng trăm ngàn lượt xem mỗi video cho những bài học lập trình cơ bản từ Python, AI đến Game, Keylogger...

"Vì nội dung hướng đến trẻ em nên những trang nước ngoài thường sử dụng từ ngữ không quá phức tạp để trẻ có thể hiểu. 

Đây cũng là cách để các bạn luyện thêm tiếng Anh" - Quỳnh nói. Ngoài ra còn có các khóa học online miễn phí, chẳng hạn như trên nền tảng Hocmai, Khan Academy... giúp các bạn vừa ôn lại kiến thức, vừa trang bị thêm những hiểu biết mới, mở rộng tư duy.

Cùng con lên mạng

Theo Nguyễn Như Quỳnh, phụ huynh có thể chủ động cùng con giải trí trên Internet và khéo léo lồng ghép vào những bài học giúp con trưởng thành hơn.

Chẳng hạn, gia đình có thể cùng xem phim trên Netflix hiện có những bộ phim tài liệu nói về chủ đề bảo vệ môi trường, thế giới tự nhiên khá thú vị, sinh động, lại mang nhiều ý nghĩa.

Cha mẹ cũng có thể đọc sách cho con trên Kindle, Amazon..., thậm chí cùng con chơi những tựa game online vừa có tính thư giãn, vừa mang tính giáo dục.

Thống nhất các nguyên tắc

Nguyễn Phương Thanh Trúc - giám đốc khu vực Cyber Purify, đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ ở môi trường mạng - chia sẻ để tránh việc lạm dụng Internet mùa dịch, phụ huynh cần rõ ràng với trẻ trong từng tiêu chí như mỗi ngày được lên mạng bao lâu, được vào những nội dung gì...

Phụ huynh có thể cài thêm những phần mềm chặn nội dung độc hại để hạn chế những thông tin như bạo lực, khiêu dâm xuất hiện khi con trên Internet.

Mùa hè đặc biệt với học sinh Mùa hè đặc biệt với học sinh

TTO - Năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã kết thúc trong lặng lẽ, mở ra một mùa hè cũng đặc biệt không kém cho học sinh cả nước.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên