03/03/2014 10:15 GMT+7

Để HS yêu sử: đừng bắt thuộc lòng số liệu

Kei Hoang (kei_tee@...)
Kei Hoang (kei_tee@...)

TTO - Để học sinh không quay lưng với môn sử, việc đầu tiên là đừng bắt học sinh phải thuộc lòng số liệu - đó là ý kiến chung của đa số bạn đọc quanh việc không học sinh nào chọn thi môn sử theo thăm dò tại một trường học.

P2Ym0vp4.jpgPhóng to
Mô hình lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ của Trường tiểu học Bình Trị 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM) tại hội thi "Tự hào sử Việt” 2013

Thăm dò tại một trường học: không HS nào chọn thi môn sử!

TTO xin trích đăng:

Trí nhớ có hạn, chương trình lại quá nặng lý thuyết

+ Việc học sinh chán ghét học sử không phải là vì các em hời hợt, vô tâm với lịch sử nước nhà, mà chính là vì chương trình học quá nặng về lý thuyết, yêu cầu vận dụng trí nhớ một cách thái quá. Cách đây 8 năm, tôi đã từng khổ sở khi thi tốt nghiệp môn sử vì không thể nào nhớ hết tất cả các ngày tháng năm, số lượng quân địch quân ta, số lượng vũ khí, số lượng máy bay... mà chương trình học bắt buộc học sinh phải nhớ rõ trong khi làm bài thi.

Sau 8 năm, cách học cách ra đề thi của môn sử vẫn y như vậy. Tôi và rất nhiều thế hệ học sinh cũng đã từng say mê khi nghe kể về những chiến công lừng lẫy thời nhà Trần, thời Lê... nhưng đến khi phải học thi môn sử thì chúng tôi không thể nào yêu thích nổi, vì trí nhớ cũng có hạn và chương trình học quá nặng tính lý thuyết.

Tôi đề nghị thay vì thử thách trí nhớ học sinh như hiện nay, môn sử trong nhà trường nên đi theo hướng kể chuyện về sự kiện, đặc biệt là hãy cho học sinh "tiếp cận" những anh hùng lịch sử như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... bởi đó chính là cách thổi bùng tinh thần yêu nước hữu hiệu nhất.

Hãy cho học sinh được tư duy, biện luận và thể hiện suy nghĩ của bản thân hơn là chỉ nằm lòng mớ lý thuyết dữ liệu suông mà các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet hoặc trong sách vở.

Lý thuyết có thể mai một theo năm tháng nhưng tình yêu, lòng tự hào với lịch sử nước nhà sẽ còn mãi dù cho sau này các em có học và làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào.

+ Học sử mà cứ phải theo những ngày tháng năm giờ phút cụ thể, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, dùng bao nhiêu máy bay, bom loại gì... để bắt học sinh học thuộc lòng. Như vậy thì còn ai yêu thích môn lịch sử nữa?

Thiết nghĩ học sử là để biết những sự kiện đã diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam chứ không phải để nhớ từ ngày mấy đến ngày mấy quân đội ta làm gì, hay phải rõ chi tiết ngày nào năm nào tháng nào Nhật, Hàn, Nga cách mạng thành công.

Số liệu lịch sử nhiều đến như vậy, tôi nghĩ đến giáo sư lịch sử chưa chắc nhớ được huống hồ gì là học sinh!

+ Tôi cho rằng mục tiêu học sử là để chúng ta biết sử nước nhà. Nếu như khảo sát cho thấy 0% học sinh chọn thi sử, và rõ ràng chúng ta đã biết thi xong các em cũng quên, vậy thì miễn cưỡng làm gì.

Sử mà phải học thuộc lòng gượng ép thì không ai nhớ lâu cả. Thời đại bây giờ chỉ cần giới thiệu cho các em biết và hiểu, khi cần có thể tra cứu Internet, như vậy các em sẽ thấy không bị áp lực khi học sử, cộng với những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn của sử, tôi tin các em sẽ trở lại với môn sử.

+ Tôi nhớ năm xưa các bài học lịch sử như Hội nghị Diên Hồng, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt hay bài Vua Quang Trung đại phá quân Thanh... tôi đều còn nhớ và kể lại được vì hồi đó các bài học gọn gàng, súc tích, đầy đủ ý nghĩa.

+ Sách có thể viết chi tiết vì cần đầy đủ thông tin về sự kiện, nhưng khi kiểm tra và thi đừng bắt các em nhớ khối lượng chi tiết ấy mà nên ra đề mang tính tổng quát thôi, chỉ yêu cầu các em nhớ sự kiện lớn, không phải học thuộc các chi tiết nhỏ.

Dạy học sinh nêu cao lòng yêu nước

+ Con trai tôi đang học lớp 11 ở châu Âu. Khi chọn môn học và thi tốt nghiệp, cháu đã chủ động chọn môn lịch sử mặc dù cháu thiên về các môn tự nhiên vì muốn học công nghệ sinh học ở cấp đại học. Trong chương trình học có khá nhiều bài về chiến tranh Việt Nam; cháu có 1 bài viết so sánh về vũ khí sử dụng trong chiến tranh VN và Thế chiến thứ 2 được giáo viên đánh giá cao, phải nói rằng cháu khá hứng thú với môn học.

Tôi cho rằng các cháu học sinh ở Việt Nam không chọn học lịch sử là do nội dung và cách dạy lịch sử ở VN ta thật sự nặng nề khô cứng chứ không phải do quy định mới của Bộ GD-ĐT.

+ Môn sử là dạy cho học sinh nêu cao lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Học môn sử không trực tiếp làm ra của cải vật chất, nhưng là động cơ thúc đẩy tất cả mọi sự phát triển theo chiều hướng tích cực và là nguồn gốc của đạo đức. Người yêu nước thì mới biết sửa mình, trừ cái xấu yêu cái tốt để làm lợi ích cho quốc gia dân tộc.

Theo tôi, không cần phải cho các em học sinh học thuộc lòng các số năm tháng ngày, số quân ta, số quân địch... mà chỉ cần kể sinh động về các trận đánh, các sự kiện nổi bật, các hành trạng của những nhân vật anh hùng có công với nước... thì các em sẽ yêu thích môn lịch sử.

Và từ sự yêu thích đó các em sẽ nhớ đến những con số mà nếu chỉ cho học thuộc lòng thì sẽ quên ngay.

Đồng thời cũng nên tư vấn hướng dẫn học sinh chọn đọc những truyện tiểu thuyết lịch sử hay, học lịch sử cũng là một cách học môn văn rất tốt vậy.

+ Tôi rất thích môn sử. Khi học phổ thông tôi không cần học bài, chỉ đọc qua là nhớ vì học bài nào tôi liền tìm kiếm những chuyện liên quan đến bài học để đọc.

Môn sử có khô khan không? Câu trả lời là không, nếu chúng ta đưa những mẩu chuyện lồng vào bài giảng, giáo viên có thể mua sách truyện tranh, hình ảnh hoặc những đoạn phim liên quan đến bài giảng...

Phải cho các em thấy được lòng tự hào dân tộc với những trận đánh chấn động địa cầu, những anh hùng làm nên lịch sử...

Kei Hoang (kei_tee@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên