02/03/2014 08:40 GMT+7

Thăm dò tại một trường học: không HS nào chọn thi môn sử!

VĨNH HÀ - H.HƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - H.HƯƠNG ghi

TT - Đó là ý kiến của PGS Văn Như Cương về kết quả thăm dò việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) mà ông là hiệu trưởng.

Còn cảm tính khi chọn môn thi tốt nghiệp THPT

C07n2raT.jpg
PGS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo kết quả thăm dò của Trường THPT Lương Thế Vinh, môn vật lý có 75,6% học sinh chọn, tiếng Anh 56,3%, hóa học 50,8%, địa lý 11,4%, sinh học 5,3%. Đặc biệt, môn lịch sử tuyệt nhiên không có học sinh nào đăng ký dự thi, tỉ lệ 0%. Khảo sát sơ bộ nhiều trường THPT trên toàn quốc cũng cho thấy bức tranh u ám với môn học này. Nguyên nhân do đâu?

* PGS Văn Như Cương:

Lo ngại với quy định của Bộ GD-ĐT

"Đáng lo ngại hơn khi sự đổi mới lại làm tăng thêm số học sinh quay lưng với lịch sử"

PGS Văn Như Cương

Đa số học sinh chọn thi đại học khối A, D nên môn sử không phải môn trọng tâm. Khi chọn môn thi tốt nghiệp, trước tiên học sinh sẽ chọn những môn trùng với môn thi đại học của mình để giảm bớt số lượng môn phải ôn tập (cho cả hai mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học). Sau đó các em sẽ tính đến lợi thế của các môn còn lại.

Môn sử thi tự luận, nên có thể sẽ khó có điểm hơn các môn thi trắc nghiệm. Hơn nữa, tâm lý của số đông học sinh hiện nay đều sợ học sử do chương trình môn này quá nặng nề, nhiều số liệu, sự kiện phải ghi nhớ. Giữa hai môn thi tự luận có thời gian thi tương đương là môn lịch sử và địa lý, học sinh cũng sẽ nghiêng về môn địa hơn vì không phải học nhiều, môn địa có thể sử dụng atlat nên dễ dàng đạt được điểm trung bình hơn.

Việc Bộ GD-ĐT quy định có hai môn thi tự chọn nhưng không kèm theo điều kiện phải có một môn khoa học tự nhiên, một môn khoa học xã hội nên xu thế học sinh chọn các môn vật lý, hóa học, sinh học nhiều hơn. Đây là thực tế mà nhiều người đã bày tỏ lo ngại từ khi Bộ GD-ĐT dự kiến đổi mới thi. Nếu việc này không điều chỉnh thì về lâu dài sẽ có những môn học bị sụt giảm chất lượng do học sinh không quan tâm. Chương trình, phương pháp dạy học không hấp dẫn học sinh mà lại không nằm trong sự lựa chọn môn thi thì học sinh không học là đương nhiên.

* Cô Võ Tân Vân (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Phú Hòa, TP.HCM):

Bắt học sinh nhớ quá nhiều

Huỳnh Gia Nhi (lớp 12A14 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM):

Thi xong là quên hết

Tôi không chọn thi môn lịch sử vì khối thi đại học của tôi không có môn sử. Thứ hai là chương trình môn sử không hấp dẫn tôi, đã vậy nội dung các bài học lại quá dài, chủ yếu là học thuộc lòng, tư duy rất ít. Bởi vậy nhiều bạn đã nói: sau khi thi sử xong là quên hết, chẳng để lại được trong đầu cái gì.

Khi giảng dạy, tôi biết rất nhiều học sinh thích môn sử. Nhưng nếu bảo thi thì các em lắc đầu ngay. Học sinh ngán ngại môn sử bởi những lý do sau: chương trình quá chi tiết, bắt các em phải nhớ quá nhiều. Thêm nữa, mặc dù Bộ GD-ĐT đã cải tiến cách ra đề thi nhưng với môn sử thì vẫn như cũ: vẫn những câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra việc học thuộc lòng của học sinh, vẫn đi vào những chi tiết rất nhỏ chứ không khơi gợi sự sáng tạo, tư duy của học sinh.

Do đó, dù giáo viên chúng tôi đã đổi mới phương pháp giảng dạy: đưa nhiều phim, ảnh vào giảng dạy nhưng vẫn yêu cầu học sinh phải học tất cả chi tiết trong sách giáo khoa. Nếu không, các em sẽ khó đạt được số điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tôi mong Bộ GD-ĐT nhanh chóng cải tiến chương trình, cách thi cử, cách ra đề thi môn lịch sử. Đối với bậc phổ thông: chỉ cần dạy cho học sinh kiến thức cơ bản, nếu yêu cầu sâu hơn thì dành cho đối tượng nghiên cứu lịch sử chứ không phải học sinh.

* Hồ Minh Thành (sinh viên năm 3 khoa lịch sử ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần cải tiến ngay chương trình môn sử

Chương trình môn lịch sử khá nặng so với sức của học sinh bậc THPT trong khi thời lượng được học trên lớp lại quá ít: lớp 10, lớp 12 học sinh được học 1,5 tiết lịch sử/tuần, lớp 11 một tiết/tuần. Do vậy, có những bài giáo viên không đủ thời gian để chuyển tải hết những cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của sử đến học sinh.

Sách giáo khoa môn lịch sử nghiêng về sự kiện quá nhiều: những chiến dịch, những trận đánh làm chết bao nhiêu người, tổn thất những gì, diễn ra vào ngày tháng, năm nào... học sinh đều phải nhớ. Thế nên nhiều em sợ lịch sử, không muốn học nên bây giờ không muốn thi. Ngay cả như tôi ngày xưa rất yêu thích và đam mê lịch sử nhưng nhiều lúc cũng ngán với những chi tiết ấy.

Tôi nghĩ cần cải tiến ngay chương trình môn lịch sử bậc phổ thông: chỉ dạy cho học sinh một cách tổng quát về các sự kiện lịch sử và nên đi sâu vào những nhân vật lịch sử. Vì tôi nghĩ nhân vật lịch sử dễ “đi” vào tâm hồn các em hơn, làm các em dễ nhớ và thu hút các em hơn.

Đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT từ 17-3 đến 17-4

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT vừa cho biết từ ngày 17-3 đến 17-4, các trường THPT trên toàn quốc sẽ cho học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp. Ngoài hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn, học sinh sẽ đăng ký hai môn tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Hiện nhiều trường THPT đang phổ biến quy định, thăm dò ý kiến học sinh, phụ huynh học sinh, đồng thời tư vấn cho học sinh lựa chọn những môn thi phù hợp. Một số trường cũng đã chỉ đạo các tổ bộ môn của tám môn thi xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh.

VĨNH HÀ

VĨNH HÀ - H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên