30/08/2021 10:47 GMT+7

Để học sinh tiến bộ và hạnh phúc

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - PV Tuổi Trẻ đã đi tìm câu trả lời ở Trường THCS - THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM...

Để học sinh tiến bộ và hạnh phúc - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình trong một tiết học - Ảnh: P.NGỌC

Mục tiêu của trường là giúp học sinh học tập vui vẻ và có sự tiến bộ so với chính bản thân các em.

Tâm sự của học sinh

"Học hết lớp 11 ở An Giang, ba mẹ động viên tôi lên TP.HCM học nội trú. Và tôi bước vào Trường THCS - THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM với ánh mắt đầy nghi ngại. Cuộc sống của học sinh nội trú cũng không hề đơn giản khi tôi phải làm quen và ở chung phòng với nhiều bạn khác.

Nhưng rồi, chính sự thân thiện của các bạn học sinh cũ, sự nhiệt tình, quan tâm của các thầy cô giáo trong trường đã giúp tôi thay đổi bản thân. Tôi dần dần thích nghi và xem ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của mình lúc nào không hay.

Đặc biệt, tôi rất hài lòng với việc học tập ở môi trường mới này. Các thầy cô rèn cho học sinh kỹ năng tự học, chính tiết tự học giúp chúng tôi phát triển bản thân. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi chính là thời gian hơn một tuần cả khối 12 chúng tôi đi học tập trải nghiệm ở Ninh Bình, Quảng Ninh và Hà Nội. 

Chúng tôi được sắp xếp thành từng nhóm từ 7-8 bạn/nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Nhóm của tôi chủ trì một tiết học môn hóa về đá vôi và thạch nhũ. Trước khi lên đường học trải nghiệm, cả nhóm tìm hiểu, bàn bạc, đưa ra các câu hỏi đố vui, các trò chơi cùng sự dẫn dắt để giúp những nhóm khác hiểu về đặc tính của đá vôi và thạch nhũ. 

Tiết học diễn ra ngay trong động Phong Nha - Kẻ Bàng quả là một kỷ niệm đáng nhớ.

Không những thế, những tiết học tiếng Anh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, học sử - địa trong khuôn viên khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch; học vật lý tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình... cũng khiến tôi không thể nào quên. 

Một chuyến đi thú vị và bổ ích, không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức, hiểu thêm về đất nước mình bằng mắt thấy và tai nghe, mà còn giúp tôi thu nhận được rất nhiều kỹ năng khác nữa.

Năm nay, tôi dự tuyển vào ĐH ở khối D01 (toán, văn, Anh) với số điểm 27,75 điểm. Đó không chỉ là sự nỗ lực của bản thân, mà còn là thành quả của những tiết dạy vui vẻ, dễ hiểu của các thầy cô giáo ở Trường Thái Bình. Thật không ngoa khi tôi nói rằng: năm học vừa qua là năm học tuyệt vời nhất trong cuộc đời học sinh của tôi".

Trên đây là tâm sự của Phan Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 12A1 Trường Thái Bình năm học 2020 - 2021. 

"Sau này tôi đã thầm ước ao: phải chi ba mẹ cho tôi chuyển lên Trường Thái Bình học từ lớp 10 thì hạnh phúc biết mấy", Ngọc cho biết.

Học sinh tiến bộ dưới cái nhìn của phụ huynh

"Tôi làm việc trong ngành quân đội, vợ làm ngân hàng nên không có thời gian đưa đón con như nhiều phụ huynh khác. Thế nên, lý do ban đầu khi cho con vào học ở Trường Thái Bình chỉ là để giải quyết nhu cầu ấy" - ông Phạm Huy Phương, phụ huynh có 2 con học tại Trường Thái Bình, cho hay.

Ông Phương kể: "Con trai lớn của tôi là học sinh lớp 12A3, cháu vừa tốt nghiệp THPT năm nay, vốn dĩ cháu là một cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp, kể cả người thân. Ở nhà, cứ ăn xong là cháu rút vào phòng riêng, thờ ơ mọi sự việc xung quanh.

Từ lớp 10, tôi cho con vào học Trường Thái Bình với rất nhiều lo lắng. Thế nhưng, các thầy cô giáo đã "kéo" cháu ra khỏi vỏ bọc của mình bằng nhiều cách. Trong đó có các hoạt động ngoại khóa, có việc phân công cháu làm tổ trưởng, nhóm trưởng...

Bây giờ, sau 3 năm học, con tôi vừa tốt nghiệp THPT và là một chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, biết tự phục vụ bản thân, tự giác học tập, làm việc nhà giúp mẹ, ăn nói chững chạc hơn hẳn. Đặc biệt, cháu còn biết quan tâm đến bố mẹ và em gái, nhắc nhở em học tập...".

Ông Phương đúc kết: "Năm học vừa rồi, tôi cho cả con gái vào học ở Trường Thái Bình từ lớp 7. Lúc đầu, cháu phản ứng dữ dội, nhưng vừa rồi, vợ chồng tôi đặt vấn đề chuyển về trường cũ, cháu bảo: Thôi không chuyển nữa, học ở đây tốt quá rồi".

Và sự nỗ lực của giáo viên

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: "Ở các trường phổ thông tư thục, các giáo viên thường vất vả hơn giáo viên ở trường công lập. Đã vậy, hầu hết phụ huynh ở trường tư thục đều bận rộn, không có thời gian quan tâm đến con cái nên giao phó tất cả cho nhà trường".

Cô Lê Phương Phương, giáo viên Trường Thái Bình, bày tỏ: "Gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi đã gặp nhiều học sinh trong hoàn cảnh này. Như năm học vừa rồi, lớp tôi chủ nhiệm có em H.H.. Khi tôi nhận lớp, một số giáo viên đã từng dạy em hồi lớp 11 đã cảnh báo: Nếu giữ em ở lại trường, có thể em sẽ bị rớt tốt nghiệp THPT và ảnh hưởng đến thành tích chung của cả trường".

Cô Phương kể tiếp: "Tiếp xúc, tôi thấy em yếu thật. Ở nhà em được mẹ chiều chuộng, nhưng bố em lại rất nóng tính. Mỗi lần nhà trường báo kết quả học tập, em bị bố la mắng và cả đánh đòn. Em chán nản, xin bố mẹ cho nghỉ học. 

Tôi hướng dẫn em phương pháp học từ những điều đơn giản đến phức tạp. Các giáo viên bộ môn cũng rất nhiệt tình, em không hiểu thì giảng lại lần 1, lần 2, lần 3 - khi nào hiểu mới thôi. Thậm chí, có những kiến thức từ lớp 10, 11 thầy cô bộ môn cũng sẵn sàng giải thích để giúp em lấy lại căn bản. 

Em thường xuyên được các thầy cô gọi tên trả lời câu hỏi trong các tiết học và được cộng điểm khuyến khích. Em được 5 điểm, tôi cũng khen em trước lớp vì đã có cố gắng so với bản thân mình.

Nhưng chỉ học thôi chưa đủ, H.H. vốn sống khép kín nên tôi yêu cầu các bạn cùng lớp "kéo" em tham gia hoạt động phong trào, giao lưu với bạn bè cùng lớp, cùng trường để em có cảm giác vui vẻ, thoải mái khi đi học.

Khi em đã đặt ra mục tiêu cho bản thân mình cũng là lúc em thay đổi hẳn thái độ học tập. Đó cũng là lý do giúp em thi đậu tốt nghiệp THPT năm 2021".

Ông Phan Ngọc Duy Huy (phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thái Bình):

Tiến bộ so với chính bản thân các em

hoc sinh1

Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình trong một hoạt động trải nghiệm - Ảnh: P.NGỌC

"Trường chúng tôi không có lớp chuyên, lớp chọn và cũng không tuyển chọn đầu vào. Chúng tôi chủ trương dạy học theo hướng cá thể hóa: những học sinh giỏi sẽ được bồi dưỡng để phát huy khả năng, kết quả những năm gần đây năm nào trường chúng tôi cũng có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Riêng những học sinh yếu sẽ được chăm sóc đặc biệt, thầy cô bộ môn sẽ hướng dẫn các em có phương pháp học tập đúng cách, tạo động lực học tập... để các em tiến bộ. 5 năm trở lại đây, học sinh khối 12 Trường Thái Bình luôn tốt nghiệp THPT 100% và tỉ lệ đậu vào trường CĐ, ĐH cũng đạt 100%.

Cái chính mà nhà trường đang nỗ lực thực hiện là để cho học sinh học tập vui vẻ và có sự tiến bộ. Sự tiến bộ ở đây được hiểu là tiến bộ so với chính bản thân các em chứ không so sánh với học sinh khác.

Sự tiến bộ không chỉ trong học tập mà còn trong cách ứng xử, trong cách sống... Vì vậy, học sinh khối lớp 6 đến lớp 12 đều phải học kỹ năng sống. Đây là chương trình nhà trường chúng tôi thực hiện từ năm 2008 đến nay và có bổ sung cho phù hợp với thời cuộc.

Tùy từng khối lớp, các em sẽ có chương trình riêng như: học kỹ năng chào hỏi, kỹ năng từ chối, kỹ năng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc, kỹ năng học online...

Ngoài ra, mỗi học sinh phải chọn cho mình 2 môn học ngoại khóa trong số các môn: bơi lội, cầu lông, bóng đá, khiêu vũ, bóng rổ, võ thuật, organ, piano, vẽ, nấu ăn, nhiếp ảnh...

Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc

TTO - Nhà trường, mà đặc biệt là người hiệu trưởng, có thể làm gì để giáo viên hạnh phúc?

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên